Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm chứng khoán tuần qua
Chứng khoán Việt hồi phục, xáo động nhân sự ngành chứng khoán, đình chỉ giao dịch của HAGL
Tùng Linh (tổng hợp) - 22/05/2022 21:29
 
VN-Index tăng 4,9% và nằm trong top 5 thị trường giao dịch tích cực nhất toàn cầu tuần qua bất chấp các thông tin tiêu cực liên quan đến nhân sự quản lý ngành Chứng khoán.

Cách chức Chủ tịch UBCKNN, buộc thôi việc Tổng giám đốc HoSE

Nhân sự là câu chuyện nóng nhất của ngành chứng khoán tuần giữa tháng 5 này.  Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thông báo chính thức các hình thức kỷ luật đối với tập thể và các cá nhân là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở GDCK Việt Nam (VNX), Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vào chiều ngày 18/5.

Theo đó, thi hành kỷ luật Cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025; khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cùng đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật cảnh cáo các ông: Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Bộ Tài chính khẳng định sẽ chấp hành nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc và nỗ lực cao nhất để khắc phục những sai phạm, tồn tại đã được nêu ra và ưu tiên công tác kiện toàn tổ chức của ngành Chứng khoán.

Ngay trong tuần, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với ông Trần Văn Dũng, do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác. Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) quyết định buộc thôi việc đối với ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) do đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác.

Trong thời gian kiện toàn nhân sự Chủ tịch UBCKNN, Bộ Tài chính giao Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, điều hành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kể từ ngày 19/5. VNX ra quyết định giao bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HoSE, phụ trách Ban điều hành của Sở kể từ ngày 20/5.

NYSE sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng hạng thị trường chứng khoán

Chiều ngày 16/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), dự tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE. Cũng nhân dịp này, Thủ tướng chứng kiến lễ trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có văn bản hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam với NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.

Hồi phục sau 6 tuần lao dốc

Đã có nhiều đồn đoán sau thông báo kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chiều ngày 31/3/2022 Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Bất chấp thông tin liên quan đến nhân sự được công bố tuần này, các chỉ số chứng khoán Việt Nam ghi nhận tuần hồi phục đầu tiên sau 6 tuần lao dốc.

VN-Index tăng 57,94 điểm, tương đương mức tăng 4,9%, đóng cửa tuần ở mức 1.240,7 điểm. HNX-Index tăng 4,63 điểm (+1,53%) về 307,02 điểm. Chỉ số sàn UPCoM hồi phục nhẹ.

Cú bật trở lại của VN-Index giúp Việt Nam nằm trong top 5 thị trường giao dịch tích cực nhất toàn cầu, chỉ sau chứng khoán Nga, Philippines và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, VN-Index vẫn đang thấp hơn 18,9% so với mức đỉnh của chỉ số này xác lập hôm 4/4.

VN-Index
VN-Index hồi phục sau 6 tuần lao dốc

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu vẫn khá thấp. Giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt bình quân 13.594,13 tỷ/phiên, giảm 19,29% so với tuần trước. Hai bên mua – bán vẫn khá dè dặt. Phiên giao dịch sôi động nhất tuần là phiên thứ Hai (16/5) khi VN-Index tuột khỏi ngưỡng 1.200 điểm. Đây cũng là mức điểm đóng cửa thấp nhất tuần. Chỉ số hồi phục sau đó và cũng không ghi nhận áp lực bán quá lớn khi lượng cổ phiếu giá thấp mua phiên 16/5 về tài khoản.

Khối ngoại bán ròng 102 tỷ đồng trên ba sàn, sau tuần mua ròng khá mạnh tay liền trước. Trong đó, nhóm này bán mạnh nhất SSI (576 tỷ đồng) và HPG (422 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, vẫn có một số cổ phiếu được tập trung giải ngân tập trung ở nhóm hàng hoá, tiêu dùng như DPM, VNM, MSN. Chứng chỉ quỹ ETF theo rổ VNDiamond tiếp tục được mua ròng (129 tỷ đồng).

Cũng từ giữa tuần qua, HoSE đã cung cấp số liệu giao dịch tự doanh đến các nhà đầu tư.  Tình từ phiên 17/5 đến hết 20/5, khối tự doanh bán ròng 6,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 604 tỷ đồng, trong đó, 731 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.

Cổ phiếu chứng khoán bật tăng, ông Đỗ Anh Tuấn bốc hơi 6.000 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn

Dòng cổ phiếu chứng khoán là nhóm ngành hồi phục mạnh hàng đầu trong tuần qua. Đây cũng là nhóm rơi sâu giai đoạn lao dốc trước đó. Cổ phiếu TVS, VCI và SHS nằm trong top 5 tăng giá mạnh nhất tuần với mức tăng lần lượt là 29,2%; 23,5% và 23,4%.

Trong khi đó, THD là cổ phiếu giảm sâu nhất khi rơi tự do 33,7% chỉ trong vỏn vẹn 1 tuần. Theo quyết định của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Bộ Công an (C03), Thaiholdings đã buộc phải hoàn trả số tiền 840 tỷ đồng đã giao dịch từ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh từ thương vụ bán cổ phần của Công ty cổ phần Bình Minh Group - chủ sở hữu Dự án 11A Cát Linh. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2021 niêm yết này do đó giảm từ 1.156 tỷ đồng xuống còn 424 tỷ đồng. 

THD cũng là “tội đồ” kéo lùi đà hồi phục của HNX tuần này. Nhóm các cổ phiếu tác động tiêu cực đến HNX-Index nhất còn có KSF, PTI, SEB, MVB. Ở chiều ngược lại, CEO, PVS, IDC, HUT và SHS là những nhân tố kéo chỉ số chung đi lên.

Trên sàn HoSE, nhóm cổ phiếu đóng góp điểm tăng nhiều nhất là MSN cùng loạt cổ phiếu vua gồm BID, MBB, VCB, CTG. Cổ phiếu MSN đã có tuần giao dịch ấn tượng khi tăng 11,2% so với tuần trước, nhờ 3 phiên giữa tuần tăng kịch biên độ.

Diễn biến trái chiều của nhiều cổ phiếu cũng khiến cho bảng xếp hạng người giàu trên sàn có sự thay đổi. Ông Trần Đình Long trở lại vị trí thứ 2 nhờ cổ phiếu HPG tăng 4,87% trong tuần. Trong khi đó, ông Đỗ Anh Tuấn “bốc hơi” 6.588 tỷ đồng giá trị tài sản khi loạt cổ phiếu nắm giữ rớt giá. Cổ phiếu KSF của KSFinance đã giảm hơn 19%, kéo khối tài sản 162,7 triệu cổ phiếu do ông Tuấn sở hữu giảm mạnh. Tuy vậy, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Tuấn vẫn đang có cách biệt khá lớn với người giữ vị trí thứ 4 (bà Nguyễn Thị Phương Thảo).

Kiểm soát đặc biệt 4 tháng một công ty chứng khoán

UBCKNN đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-UBCK về việc đặt Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 19/5/2022 đến ngày 18/9/2022. Chứng khoán Kenanga Việt Nam hiện không phải thành viên giao dịch tại cả hai sở giao dịch chứng khoán. Tháng 9/2015, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã có quyết định ngừng cung cấp hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán đối với Chứng khoán Kenanga Việt Nam do Sở Giao dịch chứng khoán đã chấm dứt tư cách thành viên giao dịch. Đã có những mâu thuẫn trong nội bộ cổ đông công ty chứng khoán này từ nhiều năm nay.

FLC tiếp tục bị phạt vì trễ công bố thông tin, phạt Hoà Phát vì thiếu thành viên HĐQT độc lập

Cũng trong tuần này, UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vào ngày 18/5. Nguyên nhân bởi công ty đã không công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN và trang thông tin điện tử của các tài liệu gồm báo cáo tài chính năm 2021 kiểm toán và báo cáo thường niên năm 2021. Cũng vì lý do trên, cổ phiếu FLC đã bị đưa vào diện cảnh báo và chuyển sang diện kiểm soát từ đầu tháng 5/2022.

Ngày 16/5, UBCKNN thông báo xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát với số tiền 125 triệu đồng do đã không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Hoà Phát sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào ngày 24/5 tới. Hiện nội dung bầu nhân sự vẫn chưa xuất hiện trong nội dung chương trình họp của doanh nghiệp lớn ngành thép này.

Cùng ngày, UBCKNN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Bao bì và In Nông nghiệp (INN) 70 triệu đồng do mua lại 30.000 cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật.

Đình chỉ giao dịch Hoàng Anh Gia Lai

Cũng trong tuần qua, UBCKNN đã phạt Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai 3 tỷ đồng cùng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 05 tháng. Mức phạt hành chính trên cũng là “kịch khung” đối với một tổ chức theo Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nguyên nhân cho án phạt nặng trên là bởi Hoàng Anh Gia Lai, tổ chức liên quan đến ông Đoàn Nguyên Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh gia Lai đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu HNG. Công ty này đã dùng cổ phiếu HNG bảo đảm cho khoản trái phiếu của Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên tại tổ chức tín dụng. Do có khoản nợ lãi quá hạn, tổ chức tín đã bán 20.000.000 cổ phiếu HNG vào ngày 07/01/2022 và bán 5.400.000 cổ phiếu HNG vào ngày 10/01/2022 trên tài khoản chứng khoán của Hoàng Anh Gia Lai để thu hồi nợ.

Thêm loạt lệnh đăng ký mua cổ phiếu từ người nội bộ

Công ty TNHH MTV Tùng Trí Việt thông báo đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu TVC của CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt trong thời gian 18/05-10/06/2022 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại đây. Hiện, công ty này đang sở hữu 10,69% vốn và dự kiến nâng sở hữu lên 14,9% vốn Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt.

Trước đó, Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Tùng đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu TVC để đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, ông Tùng chỉ mua 1,7 triệu cổ phiếu, do “không thực hiện hết số lượng đăng ký bởi lý do cung cầu thị trường”. 

Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt  là công ty mẹ đang sở hữu chi phối Chứng khoán Trí Việt. Công ty đã từng đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu TVB nhưng phải huỷ giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán yêu cầu phải thực hiện chào mua công khai.

Ông Nguyễn Đăng Hùng đăng ký mua 1,52 triệu cổ phiếu G36. Giao dịch dự kiến được thực hiện trong thời gian 23/05-17/06/2022. Giao dịch trên sẽ giúp ông Hùng tăng tỷ lệ sở hữu lên 4,82% vốn Tổng Công ty 36 – CTCP.

Dù không phải nhân sự HĐQT hay ban điều hành, ông Hùng là người thân của nhiều lãnh đạo Tổng Công ty 36 - CTCP. Ông là anh ruột của ông Nguyễn Đăng Giáp - Chủ tịch HĐQT G36 và ông Nguyễn Văn Hiền - Ủy viên HĐQT G36. Đồng thời, ông cũng là em ruột của ông Nguyễn Đăng Thuận - Ủy viên HĐQT G36 và ông Nguyễn Đăng Trung - Phó Tổng Giám đốc G36.

Chủ tịch HĐQT MHC hoàn tất mua 1 triệu cổ phiếu. Ông Phạm Bá Huy cho biết đã mua 1 triệu cổ phiếu như đã đăng ký từ 27/04 đến 18/05.

Các quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý đã mua thêm 85.000 cổ phiếu PHR của CTCP Cao su Phước Hòa vào ngày 13/05/2022. Tổng sở hữu của nhóm VinaCapital tăng lên gần 9,5 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 7% vốn điều lệ.
tại PHR.

Ở chiều ngược lại, hai quỹ thành viên của Aims Asset Managament Sdn Bhd cho biết đã bán 3,1 triệu cổ phếu REE của CTCP Cơ Điện Lạnh, qua đó giảm sở hữu từ  8,14% xuống còn 7,14%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Nỗ lực minh bạch thông tin
Loạt biện pháp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các sở giao dịch chứng khoán đang được triển khai để gia tăng tính minh bạch thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư