Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chứng khoán Việt sắp đón 5 tân binh, sôi động phát hành cổ phần mới
Thanh Thuỷ - 10/01/2022 09:10
 
VN-Index bứt khỏi ngưỡng 1.500 điểm và nằm trong top 10 thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh thế giới. Thị trường đầu năm sôi động hơn với sự xuất hiện các tân binh và các đợt phát hành.
TIN LIÊN QUAN

Nhóm nhà băng ngăn đà tăng của VN-Index tuần đầu năm 2022

Cả ba chỉ số chứng khoán Việt Nam đồng loạt tăng điểm trong tuần đầu giao dịch của năm 2022. Trừ VN-Index vẫn đang lình xình đi ngang với 2/4 phiên giảm xen kẽ, chỉ số sàn HNX và UPCoM đều đóng cửa cả tuần trong sắc xanh. Kết thúc tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 1.528,48 điểm, tăng 30,2 điểm (+2,02%) so với cuối tuần trước. HNX-Index tăng tới 4,19% lên mức đỉnh lịch sử mới 493,84 điểm. UPCoM-Index 2,59%, đóng cửa tuần ở mức 115,6 điểm. Đây đã là phiên tăng thứ 10 liên tiếp của UPCoM-Index và cũng là phiên thứ 6 HNX-Index tăng điểm. Chỉ số sàn HoSE mang tính đại diện cho chứng khoán Việt Nam dù tăng khiêm tốn nhất nhưng cũng đủ đưa Việt Nam vào nhóm 10 sàn chứng khoán tăng điểm tốt nhất thế giới.

VN-Index đã vượt qua ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. Chuyên gia phân tích của Chứng khoán BIDV cho rằng khả năng rung lắc còn tiếp tục khi thị trường đón nhận tin chính thức về gói kích cầu. Dù vậy lực cầu mạnh ở vùng giá thấp vẫn ủng hộ cho khả năng VNIndex sẽ còn tiếp tục tăng điểm sau nhịp điều chỉnh hướng tới 1.550 điểm. Sau phiên giao dịch khá giằng co hôm thứ Sáu, Chứng khoán Asean đánh giá phiên giao dịch tới vẫn có sự khó khăn trong việc thiết lập đà tăng, vì vậy thúc đẩy áp lực bán tại vùng kháng cự 1.530 – 1.535 điểm. Ngược lại, MBS cho rằng xu hướng tăng của thị trường vẫn không bị ảnh hưởng bởi sức ép từ nhóm cổ phiếu bluechip, thanh khoản đang ở mức cao trong khi biên độ dao động của thị trường đang khá hẹp. Ngắn hạn, dòng tiền ngắn hạn về cơ bản vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh đó đã có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, trong đó chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu dài hạn hơn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hoá và góp nhiều đại diện nhất trong top các cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số chung tuần trước. 

Thêm tân binh lên sàn

Sàn chứng khoán Việt Nam đã đón thêm hai chứng khoán mới lên sàn trong tuần đầu năm mới 2022 gồm chứng chỉ Quỹ ETF KIM Growth VN30 và cổ phiếu VAT của Công ty cổ phần VT Vạn Xuân. VAT giao dịch phiên đầu tiên trên sàn UPCoM sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HNX. Dù là doanh nghiệp liên tục vi phạm công bố thông tin và nằm trong danh sách tạm ngừng giao dịch trên sàn HNX, VAT tăng kịch biên độ 37,5% lên 3.300 đồng/cổ phiếu và có 2,28 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên đầu chuyển sàn.

Tuần này, sẽ có thêm 5 cổ phiếu mới chào sàn gồm Big Invest Group (BIG), Tập đoàn Truyền thông và Giải trí ODE (ODE) bắt đầu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ thứ Hai (10/1). CTCP Minh Hưng Quảng Trị (GMH) và Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 12/1. Ngày 13/01/2022 là ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu niêm yết của CTCP Đá Hoàng Mai (HMR).

Big Invest Group (BIG) thành lập năm 2017 do ông Võ Phi Nhật Huy là cổ đông sáng lập, cổ đông lớn nhất hiện tại với tỷ lệ sở hữu đạt 41,68% và hiện đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp này đạt 50 tỷ đồng với 140 cổ đông cá nhân tại thời điểm tháng 9/2021. Cá nhân ông Võ Phi Nhật Huy từng gây chú ý năm 2017 với hình ảnh chụp văn phòng Tập đoàn Big Invest Group đề ra mục tiêu “Năm 2020 - IPO tại Tp.HCM 500 triệu USD; Năm 2025 - IPO tại New York 200 tỷ USD". Quy mô doanh thu năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 101,7 tỷ đồng và 100,4 tỷ đồng, trong đó nguồn thu chính đến từ kinh doanh hàng hoá bên cạnh là cung cấp dịch vụ và kinh doanh bất động sản. Tỷ suất sinh lời trên doanh thu của BIG khá thấp, chỉ khoảng 1-2% và tăng lên gần 3% trong báo cáo mới nhất.

Tập đoàn Truyền thông và Giải trí ODE (ODE) thành lập năm 2016 và vừa trở thành công ty đại chúng vào tháng 12/2021. Hoạt động kinh doanh chính của ODE là truyền thông – marketing, tổ chức sự kiện giải trí… Khách hàng lớn của ODE là Tập đoàn Sunshine cùng các công ty thành viên. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty thu về 100,6 tỷ đồng doanh thu và 9,3 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Sau đợt tăng vốn hồi tháng 6/2021, quy mô vốn điều lệ của ODE đã tăng từ 5 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Cập nhật gần nhất, công ty có 126 cổ đông cá nhân trong đó có một cổ đông lớn sở hữu 5% vốn. 

Cổ phiếu EVF của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực là “gương mặt cũ” đã giao dịch trên sàn UPCoM từ tháng 8/2018. Hai công ty niêm yết mới gồm Minh Hưng Quảng Trị và Đá Hoàng Mai cách đây vài tháng đều đã hoàn tất chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Như phiên đấu giá 500.000 cổ phiếu GMH hồi giữa tháng 11 tổ chức trên sàn HoSE, đã có 25 cá nhân đã đăng ký mua với tổng giá trị đặt mua là 2,24 triệu đơn vị, gấp 4,48 lần. Chỉ 10 cá nhân trúng giá với giá đấu bình quân hơn 22.000 đồng/cổ phiếu, gấp đôi mức giá khởi điểm. Phiên IPO của cổ phiếu HMR được thực hiện tại Công ty chứng khoán SHS, phân phối hết cho 144 nhà đầu tư với giá trúng bằng giá khởi điểm (15.200 đồng/cổ phiếu).

Nóng huy động vốn cổ phần

Tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 cũng ghi nhận sự sôi động của hoạt động phát hành vốn cổ phần, bao gồm các thương vụ vừa hoàn tất, đang triển khai và chuẩn bị trình cổ đông thông qua.

Ngày 7/1, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta đã có báo cáo về thay đổi sở hữu cổ đông lớn CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Sau đợt chào bán riêng lẻ, C.P Việt Nam đã tăng sở hữu cổ phần từ 16,56% lên 24,9% từ phiên giao dịch ngày 28/12/2021. C.P Việt Nam cũng là nhà đầu tư duy nhất tham gia đợt phát hành, góp thêm gần 327 tỷ đồng vào Thực phẩm Sao Ta, tương đương giá mua bình quân 50.000 đồng/cổ phiếu FMC.

Cũng trong ngày đầu năm, Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn PAN  đã thông qua phương án đầu tư cổ phiếu CTCP Bibica (BBC) thông qua hoán đổi cổ phần CTCP Phân phối hàng tiêu dùng PAN (PAN CG). Tập đoàn PAN sẽ thực hiện hoán đổi 20 triệu cổ phiếu tại PAN CG để đổi lại hơn 3,3 triệu cổ phiếu BBC, tương đương tỷ lệ 6 cổ phần PAN CG đổi lấy 1 cổ phần tại Bibica, tăng sở hữu tại Bibica lên 58,94%. Thời gian chuyển giao cổ phiếu cũng như các thay đổi trong tỷ lệ sở hữu trên sẽ được phản ánh trong báo cáo tài chính quý I/2021.

Trong khi đó, Tập đoàn Hapaco (mã HAP-sàn HoSE) và Tập đoàn Cienco 4 (mã C4G-sàn HoSE) cùng chuẩn bị triển khai chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1. Hapaco chào bán 55,47 triệu cổ phiếu với giá phát hành 10.000 đồng để huy động vốn mua cổ phần/ cổ phần pháy hành thêm của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Green và bổ sung vốn lưu động. Cienco4 dự kiến phát hành hơn 112,3 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên cao gấp đôi (gần 2.250 tỷ đồng). Số tiền thu về gần 1.124 tỷ đồng sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản, trong đó dùng 500 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng, 130 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ vay cá nhân; 100 tỷ đồng thanh toán các khoản công nợ dự kiến phải trả cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp vật tư; còn lại gần 394 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động (thanh toán tiền mua nguyên vật liệu, vật tư, ứng trước cho nhà thầu...).

Danh sách cổ đông tham gia đợt tăng vốn của cả hai công ty đều chốt vào ngày 21/1/2022. Thời gian nhận đăng ký mua và tiền mua cổ phiếu sẽ kéo dài đến 28/2/2022.

Trong khi đó, Dabaco cũng lên kế hoạch tăng vốn gấp đôi nhưng thông qua việc chia thưởng cổ phiếu tỉ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu từ Quỹ phát triển kinh doanh thuộc nguồn vốn chủ sở hữu. Phương án trên hiện chưa trình cổ đông nhưng dự kiến cũng sẽ sớm được triển khai.

Sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần 10/1-15/1: Chờ đợi số liệu lạm phát Mỹ

Dự kiến vào ngày 12/1, Mỹ sẽ công bố số liệu CPI và CPI lõi. Báo cáo giá tiêu dùng cho tháng 12 có thể sẽ cho thấy tỷ lệ lạm phát đã tăng lên 7,1%, cao nhất kể từ tháng 6 năm 1982 và cao hơn mục tiêu khoảng 2% của Cục Dự trữ Liên bang, làm tăng kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến ​​của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Hiện thị trường tương lai ở Phố Wall đang đặt cược khả năng 60% Fed nâng lãi suất ngay từ tháng 3 tới, và khả năng 61% Fed sẽ có thêm 2 lần nâng lãi suất nữa trong năm nay. Theo Chứng khoán BSC, phản ứng của thị trường với mỗi động thái thắt chặt của Fed được dự đoán có thể đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng 2% trong năm 2022, từ mức hơn 1,7% hiện nay.

Một số số liệu đáng chú ý được công bố tuần này là lạm phát, cung tiền M2, nợ mới của Trung Quốc (10/1), tỷ lệ thất nghiệp EU (10/1), chỉ số PPI và đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ (13/1)…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư