Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Chứng nhận đầu tư là giấy thông hành?
Hồng Sơn - 08/05/2014 08:09
 
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) có những quy định mới theo hướng thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam và siết chặt với các doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư ra nước ngoài.
TIN LIÊN QUAN

Trong phiên họp lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu vấn đề cần phải xem lại việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

  Đầu tư ra nước ngoài: DN cần giấy chứng nhận đầu tư?  
  DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài không muốn bỏ giấy chứng nhận đầu tư, vì coi đó là "giấy thông hành"  

“Cứ nói là các nước phát triển đầu tư vào nước ta có hoạt động chuyển giá, rửa tiền…Vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại các nước kém phát triển hơn, có đặt ra chuyện chuyển giá hay rửa tiền không”, ông Kiên nói và dẫn chứng một doanh nghiệp sau khi vay các nguồn vốn của các ngân hàng trong nước đầu tư sang Lào, Campuchia thì tuyên bố không đầu tư ở Việt  Nam, trong khi các khoản nợ trong nước vẫn còn.

Ở khía cạnh khác, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa  nêu vấn đề, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tới đây sẽ được bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư ở nhiều lĩnh vực thì các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lại rất cần giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

“Doanh nghiệp cần thủ tục này vì đây là căn cứ để ngân hàng cho họ chuyển ngoại tệ ra nước ngoài”, TS. Kiêm nói và dẫn chứng có một doanh nghiệp tư nhân đăng ký đầu tư ra nước ngoài với vốn 100 triệu USD, thực tế thì họ chẳng làm gì nhưng vẫn cần giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài để còn giải quyết những công việc khác của họ.

Từ thực tế việc doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, không nên cấm đầu tư ra nước ngoài nhưng có thể xem xét đặt vào một bộ luật khác để quản lý, do đồng tiền của Việt Nam không phải là tiền chuyển đổi nên việc chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài dễ làm thay đổi tỷ giá, ảnh hưởng đến nền kinh tế…

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm UBKT của Quốc hội, thì các quy định về việc quản lý , sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài còn chưa đầy đủ, dẫn đến khó xác định thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc quyết định đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư ở nước ngoài. “Với việc đầu tư ra nước ngoài bằng vốn nhà nước thì phải kiểm soát chặt chẽ thông qua nhiều định chế tài chính”, ông Phúc nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài dường như không thích chuyện bỏ giấy chứng nhận đầu tư, vì đó là “giấy thông hành” để có đủ cơ sở, căn cứ cho ngân hàng chuyển tiền, giải ngân…

Theo Bộ trưởng Vinh thì cơ quan quản lý đã đề xuất việc bỏ giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. “Chuyện này nhiều rủi ro và vô lý. Chúng ta không quản lý được việc họ đầu tư thế nào vì thực tế không kiểm định được nhưng trong trường hợp chuyển tiền thì chữ ký lại là cơ sở, căn cứ để ngân hàng thực hiện”, ông Vinh nói và cho rằng việc đề xuất bỏ giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài không phải là bỏ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này mà là chuyển sang cơ quan, tổ chức khác cho phù hợp, hiệu quả và quản lý thực chất hơn.

Đồng tình với những băn khoăn của nhiều đại biểu về việc quản lý vốn của DNNN đầu tư ra nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, cần xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc quyết định đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Theo đó, với việc DNNN đầu tư ra nước ngoài, Bộ Tài chính cần có chế tài trong việc quản lý vốn, kiểm tra và giám sát chặt chẽ xem là có tiền không, đầu tư cái gì, mang bao nhiêu tiền đi đầu tư…Thực tế thì có một số DNNN có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài nhưng vì nhiều thủ tục nên đã mất cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vinh thì  không phải vì sợ mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp mà không làm chặt chẽ trong việc thẩm định xem dự án có thật hay không, việc kiểm soát và quản lý vốn Nhà nước trong đầu tư ra nước ngoài thế nào…

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu vấn đề, có doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, bước đầu có những thành công thì phát ngôn “hoành tráng” lắm; gặp chút khó khăn thì lại bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước để đòi hỏi, đề nghị hỗ trợ, ưu đãi.

“Doanh nghiệp đầu tư dù ở đâu cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.” ông Giàu khẳng định và cho rằng câu chuyện đầu tư ra nước ngoài trước hết là vì lợi ích của chính doanh nghiệp.

TIN LIÊN QUAN
Đầu tư ra nước ngoài đình trệ do thoái vốn ngoài ngành
Doanh nghiệp xuất ngoại thuê đất trồng nguyên liệu
Vinamilk lập công ty tiến vào thị trường Ba Lan
NHNN quản chặt luồng vốn đầu tư ra nước ngoài
DN xuất ngoại: Không thiếu tiền, chỉ thiếu đối tác

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư