Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chung tay kêu gọi không tiêu thụ sừng tê giác
Hải Hà - 04/03/2014 14:43
 
Ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Việt Nam không phải là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất và cũng không phải là thị trường tiêu thụ chính sừng tê giác.

Trước thông tin Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia lớn nhất thế giới tiêu thụ sừng tê giác do Tổ chức Cứu trợ hoang dã (WildAid) đưa ra tại lễ công bố chiến dịch “chấm dứt sử dụng sừng tê giác” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Việt Nam không phải là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất và cũng không phải là thị trường tiêu thụ chính sừng tê giác”.

Trong khi đó, ông Peter Knights, Tổng giám đốc WildAid cho rằng, có tới 90% lượng sừng tê giác bán tại Việt Nam thực chất là sừng trâu hoặc các loại sừng khác. Mặc dù chỉ có 10% là sừng tê giác thực thụ nhưng số lượng này cũng ảnh hưởng lớn tới sự tồn vong của loài vật này.

Các nghệ sĩ ký vào bản ghi nhớ kêu gọi người Việt Nam chấm dứt sử dụng sừng tê
Các nghệ sĩ ký vào bản ghi nhớ kêu gọi người Việt Nam chấm dứt sử dụng sừng tê.

Nguyên nhân chính của vấn đề, theo WildAid là tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người tin vào tác dụng trị ung thư của sừng tê dù không có bất kỳ nghiên cứu hay chứng nhận y học nào.

Việt Nam đang nổi lên là nước “đầu sỏ” trong việc tiêu thụ sừng tê giác bất hợp pháp. Sừng tê mới đây được ghi nhận như một loại thuốc tiệc tùng ở Việt Nam, chúng thường được mài nhỏ, dùng như thuốc bổ để giảm say rượu.

Trước thông tin này, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam khẳng định, không có ngành khoa học nào khẳng định sừng tê giác có khả năng chữa ung thư. Sừng tê giác có tính lạnh, khi ngâm với rượu có tính nóng sẽ gây ra độc tính khiến người sử dụng có thể bị tử vong.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng dẫn lời của bác sĩ Nguyễn Hữu Trương, Bệnh viện Bạch Mai về hậu quả của sừng tê giác đối với người sử dụng có thể gây độc gan, khiến men gan tăng cao do chất ectoparasiticides được sử dụng trong bảo quản sừng tê giác gây ra. Những trường hợp này sẽ khiến việc điều trị kéo dài và dai dẳng. Đặc biệt, với những sừng tê giác bị ăn cắp ở các bảo tàng thì những chất độc hại này sẽ tăng lên gấp nhiều lần do bị sử dụng nhiều chất hóa học.

Sừng tê giác về cơ bản được cấu tạo từ keratin, một chất được tìm thấy trong móng tay và tóc người. Tuy nhiên, với số tiền đạt trị giá 65.000 USD/kg sừng tê giác (năm 2013) đắt hơn gấp nhiều lần giá trị được bán ở thời điểm năm 1993 là 4.700 USD/kg đã khiến các thương lái chợ đen kiếm bộn tiền, và nguy cơ tuyệt chủng của loài tê giác không còn là viễn cảnh.

Tại Việt Nam, năm 2010, con tê giác cuối cùng thuộc loài Java đã bị giết trộm vào năm 2010.

Tại buổi lễ, mặc dù khẳng định Việt Nam không còn là nơi sinh sống của tê giác, nhưng những người nổi tiếng trong giới nghệ sỹ như: nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Đỗ Bảo, ca sĩ Mỹ Tâm, diễn viên Hồng Ánh, MC Anh Tuấn, nghệ sĩ Minh Trang, hoa hậu Thu Thủy, ca sĩ Đức Tuấn và ca sĩ Lê Cát Trọng Lý đã ký vào bản ghi nhớ kêu gọi người Việt “Chấm dứt sử dụng sừng tê”.

Đây là hoạt động được xem là chủ đạo của WildAid nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, trong đó có tê giác khi tổ chức này đang hợp tác với hàng trăm nhân vật nổi tiếng, các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu tại châu Á và châu Âu như diễn viên Thành Long, diễn viên Leonardo DiCaprio, Richard Branson…với tầm ảnh hưởng của mình, họ sẽ tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc sử dụng sừng tê giác.

WildAid hy vọng trong vòng 2 năm sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt nạn sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam. Tổ chức này cũng sẽ làm việc với ngành hàng không nhằm đặt logo ngăn chặn sử dụng sừng tê giác tại các sân bay của Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư