Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 21 tháng 08 năm 2024,
Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch
"Chúng tôi không phá rừng khi thi công phục vụ Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả"
P.V - 02/02/2018 11:50
 
Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch lên tiếng về thông tin “phá rừng phòng hộ tại dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả”.

Ngay sau khi thông tin kết luận của Thanh tra Chính phủ về vấn đề “phá rừng phòng hộ tại dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả” của Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch được đăng tải đã tạo tiếng nói trái chiều trong cùng một sự việc giữa ý kiến các bên có liên quan đến quá trình triển khai thi công Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả - một công trình được xem là trọng điểm của ngành giao thông quốc gia, vừa mới hoàn thành và đưa vào vận hành lưu thông.

Để đảm bảo tính xác thực của thông tin, đảm bảo uy tín của các bên có lên quan, ông Nguyễn Xuân Hưởng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch -  đơn vị thầu chính có liên quan đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở.

Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch
Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch

Thưa ông, những vấn đề mà một số tờ báo, các trang mạng vừa nêu có liên quan đến việc “phá rừng phòng hộ” của Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch, ông nhận thấy thế nào?

Những ngày vừa qua, chúng tôi có đọc một số thông tin qua các trang báo đề cập đến kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch trong việc phá rừng phòng hộ tại dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Điều mà tôi cảm thấy buồn và lấy làm đáng tiếc là nội dung chưa thể hiện hết được bản chất của sự việc nên dễ gây ra cách hiểu không chính xác trong cùng một vấn đề.

Vậy cụ thể của vấn đề là gì, thưa ông?

Có mấy vấn đề, tôi cần trao đổi rõ.

Thứ nhất, về sự gọi là “phá rừng tại dự án mỏ khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án hầm đường bộ Đèo Cả”:

Theo các tài liệu và biên bản bàn giao mặt bằng, đền bù giải tỏa mặt bằng khu vực mỏ đất để thực hiện dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả do Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch thực hiện: Không phải là rừng phòng hộ. Khu vực mỏ đất được cấp phép khai thác là rừng nghèo (chỉ có cây bụi, cây lá gai...), đã được giao cho các hộ dân quản lý, khi triển khai dự án chính các hộ dân này tự dọn dẹp phát quang để có mặt bằng sạch giao cho Ban Giải phóng mặt bằng huyện Đông Hòa (Kết luận của Thanh tra Chính phủ và đại diện Bộ Công an đã nêu rõ).

Tôi nghĩ, sở dĩ dẫn đến những thông tin chưa chính xác một phần cũng do sự tồn tại của thủ tục trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng chưa cập nhật đầy đủ và kịp thời. Việc tồn tại những thủ tục do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Hiện nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch đang tích cực hỗ trợ, phối hợp với địa phương thực hiện việc hoàn thiện mặt bằng (đổ đất màu, đất mùn, phân bón…) để nhanh chóng triển khai việc tái tạo rừng. Công ty đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Phú Yên để tiến hành trồng giống cây sao đen trên toàn diện tích 16 ha của mỏ đất.
Về chủ quan. Do yêu cầu gấp rút về tiến độ triển khai Dự án hầm Đèo Cả. Nhưng cũng từ thực tế triển khai rất quyết tâm đã cho thấy việc cung ứng đủ và kịp thời vật liệu cho thi công đã giúp cho việc hoàn thành và đưa dự án vào vận hành sử dụng sớm hơn nhiều tháng không chỉ giúp giảm chi được nhiều ngàn tỷ đồng trong nguồn vốn ngân sách, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, mà còn đem lại nhiều lợi ích to lớn, lâu dài đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong các đợt mưa bão lớn tại miền Trung vừa qua (Bão số 12) hầm Đèo Cả đã minh chứng được tính hiệu quả và ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, ứng cứu thiên tai… (Trước đó, từ tháng 9/2016 Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan hữu quan đã quyết định cho lưu thông qua hầm để khắc phục vấn nạn ùn tắc do sạt lở khu vực đường bộ vượt Đèo Cả).

Về mặt khách quan. Công ty chúng tôi đã thực hiện các nghĩa vụ để đáp ứng yêu cầu về thủ tục để chuyển mục đích sử dụng rừng, tuy nhiên việc thực hiện các thủ tục này thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, ngoài khả chủ động của Công ty trong thẩm quyền giải quyết ở nội dung này.

Cũng cần nói thêm rằng, tại thời điểm đang thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên có điều tra và khởi tố vụ án vi phạm các quy định về đất đai liên quan đến Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô, việc thực hiện trình tự tố tụng cùng với quy trình truy cứu trách nhiệm của hàng loạt cán bộ, lãnh đạo địa phương nên cũng đã góp phần làm chậm việc thực hiện thủ tục như đã nêu.

Khu vực mỏ đất được cấp phép khai thác là rừng nghèo (chỉ có cây bụi, cây lá gai...)
Khu vực mỏ đất được cấp phép khai thác là rừng nghèo (chỉ có cây bụi, cây lá gai...)

Thứ hai, về dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả do Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch thực hiện:

Dự án đã trải qua một thời gian dài (gần 6 năm), đến nay đã đóng cửa mỏ. Trong suốt thời gian thực hiện do có nhiều thay đổi về nhân sự quản lý, thay đổi các quy định, thủ tục… nên chưa có sự cập nhật, nắm bắt kịp thời để thực hiện nên phát sinh dẫn đến một số vấn đề khác như Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch đã giải trình với Thanh tra Chính phủ và đoàn kiểm tra liên ngành và đã được xác minh chấp thuận tại các biên bản làm việc.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch là một doanh nghiệp lớn tại địa phương tỉnh Phú Yên, đã có nhiều đóng góp tích cực và luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên, trong quá trình làm việc với Thanh tra Chính phủ và đoàn kiểm tra liên ngành, Công ty đã chủ động đề nghị Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên giao cho Công ty thực hiện việc hoàn nguyên để trồng lại rừng tại khu vực mỏ đã khai thác (mặc dù doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ). Qua đây cũng cho thấy nhận thức và ý nghĩa tích cực của doanh nghiệp trong việc góp phần bảo vệ môi trường và chung tay phát triển tại địa phương.

Hiện nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch đang tích cực hỗ trợ, phối hợp với địa phương thực hiện việc hoàn thiện mặt bằng (đổ đất màu, đất mùn, phân bón…) để nhanh chóng triển khai việc tái tạo rừng. Công ty đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Phú Yên để tiến hành trồng giống cây sao đen trên toàn diện tích 16 ha của mỏ đất như đã nêu.

Từ những điều như đã trình bày, tôi muốn nói lại rằng Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch không phá rừng tại dự án mỏ khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả.

Là người đang giữ cương vị lãnh đạo doanh nghiệp với vai trò nhà thầu, đồng thời cũng là người xuyên suốt với dự án trọng điểm Hầm đường bộ Đèo Cả, vậy qua sự việc như vừa trao đổi, ông còn điều gì muốn nói thêm?

Như đã trình bày bên trên, đó là những nội dung mà chúng tôi muốn góp phần làm rõ thêm thông qua kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì về vấn đề có ý kiến trong việc phá rừng tại dự án mỏ khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Và cũng thông qua sự việc này, cá nhân tôi và Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch cũng kính đề nghị quý cơ quan báo chí có những tìm hiểu nhiều chiều, xác thực vấn đề và đăng tải những thông tin đầy đủ nhằm tránh những ngộ nhận, thiếu khách quan dễ gây thiệt hại ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, đồng thời dễ tạo ra tác dụng tiêu cực làm giảm ý nghĩa quan trọng của dự án Hầm đường bộ Đèo Cả - dự án mà Đảng, Chính phủ và người dân rất kỳ vọng về ý nghĩa kinh tế - xã hội mà dự án này sẽ góp phần không nhỏ mang lại sự phát triển chung và bền vững của đất nước.

Thông hầm Đèo Cả hiểm trở: Sức người chinh phục cơn biến tạo của thiên nhiên
Cơn biến tạo của trái đất thuở hồng hoang đã dựng lên ngọn đèo Cả ngoằn ngoèo, hiểm trở. Đến một ngày, con đèo này đã bị những người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư