Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thông hầm Đèo Cả hiểm trở: Sức người chinh phục cơn biến tạo của thiên nhiên
Hà Minh - 21/08/2017 13:55
 
Cơn biến tạo của trái đất thuở hồng hoang đã dựng lên ngọn đèo Cả ngoằn ngoèo, hiểm trở. Đến một ngày, con đèo này đã bị những người thợ Việt Nam tại dự án Hầm đường bộ Đèo Cả chinh phục.

Vượt tiến độ 4 tháng

Thời tiết Phú Yên - Khánh Hòa mùa này “đỏng đảnh” lắm. Mới xế trưa mà ở phía xa sau chân Đèo Cả, mây đen đã đùn lên cao hơn núi. Chẳng mấy chốc, bầu trời chuyển từ xanh ngắt sang màu xám tro. Những đám mây đen nặng trịch trên bầu trời bắt đầu “đánh võng” bủa vây lấy ngọn đèo cao sừng sững... Mưa nặng hạt ào xuống rồi qua nhanh như lúc xuất hiện, bầu trời lại bừng sáng.

Đường dẫn vào hai ống hầm phía Bắc của Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh: Hà Minh
Đường dẫn vào hai ống hầm phía Bắc của Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh: Hà Minh

Từ Ban Quản lý dự án hầm Đèo Cả nhìn lên phía hai ống hầm đã cơ bản hoàn thành, chờ ngày thông xe kỹ thuật và đưa vào sử dụng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả Lê Quỳnh Mai cho biết: “Thi công trên núi sợ nhất là mưa rừng. Nhưng mưa như bây giờ lại hay, giúp rửa trôi đất đá, bụi bặm trên nền đường, cửa hầm và cả những tán cây rừng. Mưa đem lại màu xanh hơn cho cây cối, công trình sạch sẽ và khang trang hơn”.

Ngược dòng thời gian để điểm xuyến một chút về lịch sử của vùng đất nơi công trình hầm Đèo Cả trọng điểm quốc gia đã thành hình hài. Năm 1936, tại thôn Hảo Sơn dưới chân đèo Cả đã diễn ra sự kiện giao thông quan trọng: nối thành công mét ray cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam dài hơn 1.700 km. Năm 2012, cũng tại Hảo Sơn, hầm Đèo Cả, công trình giao thông có kiến trúc, ý nghĩa và quy mô độc đáo nhất nhì khu vực Đông Nam Á chính thức được khởi công.

Khó có thể nói được hết những gian nan, vất vả của chặng đường dài đưa công trình Đèo Cả về đích, cũng khó nói được hết sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những người thợ hầm đèo trong những ngày cắm chốt với nắng gió, mưa bụi công trường. Và lại càng khó nói hết những khát vọng tạo nên công trình thế kỷ của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu, đơn vị thi công và các đối tác... Chỉ có thể viện dẫn bằng thực tế rằng, từ quyết tâm sắt đá, từ quyết định táo bạo, sáng suốt, đôi khi có phần liều lĩnh, đã đưa đại công trình hầm Đèo Cả về đích an toàn, chất lượng, thẩm mỹ, vượt tiến độ 4 tháng so với kế hoạch mà Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt, đánh một dấu mốc lịch sử mới của ngành giao thông.

Thực tiễn Dự án do người Việt Nam tự đầu tư, triển khai thi công cho thấy, năng lực của nhà đầu tư, các nhà thầu được phát huy rõ rệt.

Hầm Đèo Cả ý nghĩa không chỉ ở việc tiết giảm thời gian, nhiên liệu, xóa đi những vụ tai nạn thương tâm, mà nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm công trình hầm Đèo Cả: “Dự án hầm Đèo Cả phải là động lực mới đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực”.

Hội tụ bản lĩnh, trí tuệ người Việt Nam

Làm nên kỳ tích hầm Đèo Cả là những người Việt Nam giàu nhiệt huyết, trí tuệ, sáng tạo, cần mẫn và quyết đoán. Họ là nhà đầu tư (Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả), nhà cung cấp tài chính (VietinBank), nhà xây dựng (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội); là các tập thể đồng lòng, gắn kết; là các kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân bình dị trực tiếp lao động trên công trường để cùng hướng đến mục đích chung đưa Dự án hầm Đèo Cả về đích an toàn và chất lượng.

Đó là những cái tên như Lê Quỳnh Mai, Đỗ Văn Nam, Nguyễn Quốc Ánh, Nguyễn Tấn Đông, Đinh Trọng Quang, Nguyễn Văn Linh. Những kỹ sư Trần Quốc Hùng, Nguyễn Ngọc Ánh, Huỳnh Duy Hùng... Đằng sau họ là sự hậu thuẫn từ những tên tuổi lớn trong Ban cố vấn cấp cao: nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng; PGS - TS Trần Chủng; TS Nguyễn Anh Tuấn; ông Nguyễn Huy Mạ; ông Lê Đức Hiệp...

Có một điều điều đặc biệt ở dự án này, theo Tổng giám đốc Hồ Minh Hoàng là, Dự án luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là từ lãnh đạo Bộ GTVT.

“Hiếm có dự án trọng điểm quốc gia nào mà trải qua 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng đặc biệt quan tâm: nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng và nay là Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa. Dự án cũng được 5 thứ trưởng Bộ GTVT trực tiếp phụ trách, đó là Thứ trưởng Lê  Mạnh Hùng, Trương Tấn Viên, Nguyễn Văn Thể, Nguyễn Hồng Trường và Lê Đình Thọ. Ở mỗi nhiệm kỳ phụ trách, mỗi bộ trưởng, thứ trưởng đều tạo nên những dấu ấn đậm nét, có tính quyết định đến thành công của Dự án”, ông Hoàng cho biết.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đánh giá: “Dự án hầm Đèo Cả hội tụ bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam. Từ đây, có nhiều bài học sẽ được đặt làm nền móng để phát triển các dự án hạ tầng giao thông Việt Nam trong tương lai”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thì khẳng định, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn, nếu biết tổ chức tốt, lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp thì có thể huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giao thông.

“Qua công trình này, cũng là một bài học kinh nghiệm để ngành giao thông có những giải pháp hiệu quả trong huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên tất cả các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy. Ở một khía cạnh khác, Dự án hầm Đèo Cả là “trường học” uy tín, đào tạo nên những người thợ cao cấp cho các công trình ngầm của các loại hình giao thông trong tương lai”, Thứ trưởng Thọ nhất mạnh.

Với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, thì điểm nổi bật là khi hình thành dự án, phương án tài chính là vay vốn nước ngoài, thuê nhà thầu EPC nước ngoài thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 15.000 tỷ đồng. Nhưng sau đó, nhà đầu tư đã huy động thành công nguồn lực trong nước bằng hình thức xã hội hóa và do chính người Việt Nam triển khai, đã tiết kiệm được khoảng 30% chi phí nhưng quy mô dự án vẫn không thay đổi.

“Thực tiễn dự án do người Việt Nam tự đầu tư, triển khai thi công cho thấy, năng lực của nhà đầu tư, các nhà thầu được phát huy rõ rệt. Từ đây, đội ngũ những người thợ Việt Nam có kinh nghiệm quý báu để triển khai những dự án giao thông khác hiệu quả và thành công”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định.

Viết tiếp bản hùng ca mở hầm

Là người con của Phú Yên, luôn trăn trở với những khó khăn khi bị hai ngọn đèo kìm kẹp, có lẽ vì vậy mà ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã mang khát vọng táo bạo mở hầm xuyên núi. Khăn gói ra Bắc vào Nam, ông Hồ Minh Hoàng đã tìm những người cùng chí hướng, cùng truyền khát vọng mở hầm để thực hiện mơ ước bao đời ở quê hương mình.

Hàng loạt kỹ sư giỏi được mời về làm các vị trí chủ chốt; các đơn vị tư vấn giám sát Nippon Koei (Nhật Bản), Apave (Pháp) và Doha (Hàn Quốc); những nhà thầu có kinh nghiệm đào hầm mở núi nhất nhì Việt Nam như Sông Đà 10, Lũng Lô… cũng được tập hợp.

Lấy tiêu chí an toàn, hiệu quả đi đầu, đồng thời với cách quản trị có phần “khác lạ” ở Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng cùng các cộng sự đã làm nên kỳ tích hầm Đèo Cả tạc vào tương lai.

Từ hầm Đèo Cả, Cù Mông, đội quân thiện chiến và tinh nhuệ do “vua” hầm Hồ Minh Hoàng lại thần tốc những bước chân đến với Dự án mở rộng hầm Hải Vân 2, tiếp tục viết lên những bản hùng ca mở đường đưa đất nước đi vào tương lai vững chắc.

Một chấm son sáng chói trong ngành giao thông Việt Nam đã được tô đậm trên hành trình thiên lý Bắc - Nam. Trong niềm tự hào ấy, hiển hiện chân dung những người Việt Nam làm nên công trình kỳ vĩ này – đó là các kỹ sư, công nhân và nhất là Tổng giám đốc Hồ Minh Hoàng.

Dự án Hầm Đèo Cả: Thông hầm, mở cửa tương lai
Hôm nay (21/8), công trình thế kỷ Hầm đường bộ Đèo Cả chính thức thông xe kỹ thuật. Hơn 4 năm với bao nhiêu mồ hôi, công sức đã đổ xuống công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư