Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Chuỗi nhà hàng Wrap&Roll có Tổng giám đốc mới
Hồng Phúc - 19/01/2017 09:08
 
Chưa đầy nửa năm sau khi được Mekong Capital rót 6,9 triệu USD, vị trí tổng giám đốc tại Wrap&Roll đã được chuyển giao. Tân tổng giám đốc là bà Trần Thị Lan Anh người từng mang và phát triển thương hiệu Jollibee về Việt Nam.

Chuỗi cửa hàng Wrap & Roll ra đời 10/2006 từng nổi tiếng khi trở thành một trong 3 start-up Việt Nam trong ngành F&B được rót vốn từ quỹ ngoại. Chính thức, hồi tháng 7/2016, Quỹ đầu tư MEF III (Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital) đã đầu tư 6,9 triệu USD (hơn 150 tỷ đồng) vào Wrap & Roll do bà Nguyễn Thị Kim Oanh - người được biết đến là em gái ca sĩ danh tiếng Thu Phương - sáng lập. Thời điểm đó, bà Oanh vừa là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty.

Tuy nhiên, chưa đầy nửa năm, vị trí tổng giám đốc lại được chuyển sang cho bà Trần Thị Lan Anh từ ngày 6/1/2017. Nhưng được biết, bà Kim Oanh hiện vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT Wrap&Roll.

Chuỗi nhà hàng Wrap&Roll đang chuẩn bị nhượng quyền và có mặt tại Thượng Hải
Wrap&Roll đang sở hữu 10 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư online - Baodautu.vn, bà Lan Anh, tân Tổng giám đốc Wrap&Roll cho biết, sau khi được rót 6,9 triệu USD, Wrap&Roll đã “tiêu xài” số tiền này qua 3 việc.

Thứ nhất là đầu tư xây dựng đội ngũ.

Thứ hai là xây dựng quy trình sản xuất món để tăng hiệu suất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đồng đều của món ăn, giữ được nét tinh tuý của một nhà hàng món Việt. Hiện tại, xưởng sản xuất của Wrap&Roll đã hoàn công và đang trong giai đoạn hoàn thiện để bắt đầu sản xuất theo dây chuyền, cung cấp bán thành phẩm cho hệ thống nhà hàng trên toàn quốc.

Thứ ba, đây là thời điểm cần làm cho thương hiệu Wrap&Roll trở nên gần gũi hơn với khách hàng Việt Nam. Họ sẽ không chờ đợi khách biết đến mình rồi để tự cân nhắc chọn lựa giữa vô vàn các thương hiệu ăn uống khác.

Bà Lan Anh cũng cho rằng, Việt Nam đang là địa bàn hút để các thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, thực trạng “sớm nở chóng tàn” của các chuỗi cho thấy sự cạnh tranh không chỉ khốc liệt ở mô hình kinh doanh, mà còn ở cả vấn đề duy trì và phát triển mô hình ấy lâu dài.

Gần đây, thị trường ghi nhận nhiều thương hiệu đình đám đã rút lui khỏi Việt Nam, câu chuyện vận hành khó khăn của các chuỗi non trẻ luôn là chủ đề bàn tán. Thế nhưng, không có nghĩa  các nhà đầu tư trở nên bi quan. Tiềm năng của Việt Nam vẫn khả quan nhờ mức thu nhập tính theo đầu người đang gia tăng. Điều này đồng nghĩa là Việt Nam đang là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực khi xét về khía cạnh quy mô thị trường. Các nhà đầu tư giờ đây sẽ cân nhắc hơn trong việc chọn lựa mô hình đầu tư, không chỉ là ở loại hình kinh doanh mà còn là chọn lựa đúng đắn đội ngũ thực hiện dự án.

“Công thức bí mật của các mô hình chuỗi nhà hàng thành công thật ra chính là nằm ở con người", bà Lan Anh nhận xét.

"Mekong Capital với kinh nghiệm đầu tư thành công Golden Gate và ưu thế của mô hình ẩm thực Việt độc đáo WR đã có 10 năm trụ vững lại thị trường Việt Nam, chúng tôi có đủ lý do để lạc quan rằng dự án này sẵn sàng chất cánh trên con đường tăng trưởng nhanh trong cuộc cạnh tranh lớn”, bà Lan Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải Wrap&Roll không vướng phải khó khăn khi có đại gia nâng đỡ. Khách hàng hiện đang đánh giá Wrap&Roll là chuỗi nhà hàng cao cấp, vô tình đẩy chuỗi nhà hàng này phải chịu cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ có mức giá cao. Trong khi đó, thông điệp cốt lõi của họ là đại diện cho ẩm thực Việt Nam hiện đại, phục vụ người yêu món Việt.

Wrap&Roll đang sở hữu 10 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Tại thị trường nước ngoài, đối tác Singapore cũng đang có kế hoạch mở thêm gấp đôi số lượng cửa hàng.

Mekong Capital thoái vốn khỏi chuỗi nhà hàng Cổng Vàng
 Mekong Capital công bố Quỹ Mekong Enterprise Fund II Ltd đã thoái vốn khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Cổng Vàng - doanh nghiệp hoạt động kinh doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư