Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Chuyện bức ảnh Bác Hồ chụp với hai tư lệnh "Phát - Tài"
Bá Thư - 07/09/2014 14:28
 
() Mùa Thu này, chiến công đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tròn 50 năm. Nhưng những lời Bác căn dặn lực lượng hải quân, cũng như cách Hải quân Nhân dân Việt Nam đáp lời Bác gọi vẫn để lại bài học sâu sắc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tại sao 20 năm mới công bố ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Tư tưởng phát triển kinh tế của Hồ Chí Minh trong Di chúc
“Đề tài” duy nhất của Nhà báo Hồ Chí Minh
Ai đã chia sẻ "quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân" với tướng Giáp?

Tình cảm sâu sắc của Bác với lực lượng Hải quân

Có dịp đến thăm Bảo tàng Hải quân (TP. Hải Phòng), khách tham quan không khỏi ấn tượng trước bức ảnh Bác Hồ đứng giữa hai người lính được đặt ở vị trí trang trọng nhất của Bảo tàng. Đó chính là bức ảnh Bác Hồ chụp cùng Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát và Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài trong lễ tuyên dương chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam - ngày 5/8/1964.

  Chuyện bức ảnh Bác Hồ chụp với hai vị tư lệnh Phát - Tài ở Bảo tàng Hải quân  
 

Bác Hồ đứng giữa đồng chí Nguyễn Bá Phát và Phùng Thế Tài tại lễ tuyên dương Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu ngày 5/8/1964 (ảnh tư liệu)

 

Đó là tình cảm sâu sắc và gần gũi của Bác Hồ dành cho lực lượng Hải quân, động viên, khích lệ kịp thời chiến công của lực lượng Hải quân ngay từ những ngày đầu thành lập.

Với tầm nhìn chiến lược của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển lực lượng hải quân và nhiệm vụ bảo vệ biển trời Tổ quốc. Trước khi lực lượng hải quân giành chiến thắng trận đầu gần một thập kỷ, Người đã chỉ đạo thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (ngày 7/5/1955) - tiền thân của Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày nay.

Không chỉ quan tâm thành lập lực lượng chính quy để bảo vệ vùng biển Tổ quốc, Bác Hồ đã sớm nhìn nhận về vai trò làm chủ vùng biển của nhân dân. Ngày 31/3/1959, về thăm làng cá Cát Bà, trò chuyện với bà con ngư dân, Người đã nói: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”.

Tư tưởng của Người không gì khác, rằng chính nhân dân ta là những người chủ thực sự của vùng biển Việt Nam, là những người bảo vệ vùng biển và khai thác các nguồn lợi từ biển, phục vụ đời sống nhân dân và đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Tư tưởng đó cũng được Bác căn dặn các cán bộ, chiến sĩ hải quân trong dịp Người đến thăm và nói chuyện với bộ đội hải quân năm 1961. Người nói: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Trong thời kỳ Đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam ra sức phá hoại Hiệp định Genève, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, đất nước ta phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh cách mạng chống Mỹ xâm lược ở miền Nam.

  Chuyện về bức ảnh lịch sử về Bác Hồ ở Bảo tàng Hải quân  
  Các thế hệ người Việt luôn kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Ảnh: Bá Thư
 

Trong bối cảnh bộn bề đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn, nhắc nhở lực lượng hải quân phải “trên cơ sở học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, đồng thời biết kế thừa và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng như truyền thống đánh giặc của ông cha ta”.

Với sự quan tâm sâu sắc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lực lượng vũ trang trên biển đã không ngừng rèn luyện, chiến đấu ngoan cường, sáng tạo nhiều cách đánh thông minh. Có thể kể đến các chiến dịch tiễu phỉ trên quần đảo Đông Bắc, tiến công đuổi tàu khu trục Maddox Đốc của Hạm đội 7 Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta ngày 2/8/1964; đánh thắng trận đầu vào ngày 5/8/1964 khi Đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc; đánh thắng chiến dịch phong tỏa bằng thủy lôi vào ven biển và các cửa sông, góp phần đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đối với miền Bắc.

Trên chiến trường từ miền Trung vào Nam, chỉ riêng ở vùng biển Quảng Trị, trong 7 năm (1966 - 1973), đặc công hải quân tổ chức đánh trên 300 trận, đánh chìm 339 tàu thuyền của Mỹ - Ngụy, phá hủy hàng ngàn tấn phương tiện chiến tranh.

Một trong những dấu ấn của lực lượng hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, đó là chiến công của Đoàn tàu Không số. Năm 1961, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 với mật danh “Đoàn tàu Không số” được thành lập, với nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược trên biển đưa các chiến sĩ cùng vũ khí, thuốc men, lương thực vào chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Với tuyến “Đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông” độc đáo, táo bạo này, trong vòng 15 năm (từ 1961 đến 1975), “Đoàn tàu Không số” đã cùng với các lực lượng hải quân đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và phương tiện vũ khí tiến đánh, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.

Bài học từ chiến công đầu 50 năm trước

Khoảng giữa năm 1964, khi đối mặt nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và nhìn thấy sự suy sụp của chế độ Việt Nam Cộng hòa, những người cầm đầu nước Mỹ “nháo nhào” bàn mưu tính kế, nhằm chặn đứng từ gốc nguồn sống của phong trào nổi dậy chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đó chính là “hậu phương lớn” miền Bắc.

Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Johnson, các mưu sỹ hàng đầu của nước Mỹ ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã hợp trí, hợp lực xây dựng một kịch bản, nhằm tạo cớ để mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc. Đặc biệt, cả một nghị quyết của Quốc hội hai viện Hoa Kỳ cũng đã được chuẩn bị sẵn, chờ có cớ để thông qua.

Biển Đông, trong đó có vùng Vịnh Bắc Bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam được chọn làm khu vực dàn dựng kịch bản. Hải quân Mỹ là đơn vị được “đặt hàng” để dàn dựng kịch bản này.

Sau khi để khu trục Maddox (mang số hiệu 731) tiến vào khiêu khích ở khu vực Đèo Ngang, Hòn Ngư rồi vòng quay trở lại tiến lên phía Bắc ngày 1/8, ngày 2/8/1964, tàu Maddox xâm phạm vùng biển khu vực giữa Hòn Mê và Lạch Trường thuộc chủ quyền của Việt Nam, buộc lực lượng trên biển của ta phải phản ứng, đánh đuổi.

Chưa dừng ở đó, đêm 4/8/1964, lợi dụng có cơn bão lớn, Mỹ điều hai khu trục là TurnerJoy và Maddox tiến vào khu vực hải phận của ta ở Vịnh Bắc Bộ, vu cáo bị tàu của Hải quân Việt Nam vô cớ tiến công. Với bức điện được chuyển về Nhà Trắng báo tin tàu chiến Mỹ bị Hải quân Bắc Việt “liên tục tiến công”(...), Hải quân Mỹ đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, tạo ra một “chứng cớ thuyết phục” để Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua nghị quyết mở rộng cuộc chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân.

Ngày 5/8/1964, Mỹ huy động 64 lượt máy bay ồ ạt, bất ngờ tiến công ném bom vào nhiều mục tiêu quan trọng ven biển Bắc Bộ, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân quy mô lớn chưa từng có đối với miền Bắc Việt Nam.

Sớm đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, quân dân miền Bắc, với nòng cốt là lực lượng phòng không - không quân, hải quân, đã kịp thời nổ súng, anh dũng đánh trả các đợt tiến công của địch, bắn rơi và bắn bị thương nhiều máy bay hiện đại của Mỹ, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái...

Vở kịch tạo cớ ở Vịnh Bắc Bộ để gây hấn, xâm lược miền Bắc của Đế quốc Mỹ đã bị chặn đứng bởi cuộc chiến anh dũng của lực lượng hải quân Việt Nam, với chiến thắng đầu tiên vào ngày 5/8/1964.

Nhìn lại sự kiện đó, Đại tá Nguyễn Huy Thục (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) đánh giá, “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” liên quan đến người Mỹ cách đây tròn 50 năm, nay tái diễn dưới một hình thức, quy mô, đối tượng và mục đích hoàn toàn khác. Bài học “tạo cớ” ở Vịnh Bắc Bộ của Mỹ trước đây, đang được thế lực gây hấn tiến hành khẩn trương, ráo riết, nhằm thực hiện mục đích độc chiếm Biển Đông làm “ao nhà” của mình. Vì vậy, quân và dân ta phải đặc biệt cảnh giác, thận trọng ứng phó.

Rút kinh nghiệm từ những bài học lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của ông cha, chúng ta phải có đối sách thích hợp, đặc biệt là phải cảnh giác với những âm mưu “tạo cớ” của đối phương, kết hợp sức mạnh toàn dân tộc với tăng cường đoàn kết quốc tế, lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở để đàm phán, trao đổi với những bên có liên quan, kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trở lại với bức ảnh lịch sử Bác Hồ chụp cùng hai người lính ở Bảo tàng Hải quân, có một chi tiết đặc biệt thú vị. Đó là, chiếc áo đại cán của Người để phanh, không cài khuy.

Lý giải về chi tiết này, cán bộ Phòng Trưng bày Bảo tàng Hải quân cho hay, khi bức ảnh này được chụp xong, nhiều người đã hỏi Bác tại sao lại chủ động để mở khuy áo trước ống kính. Bác bảo, để thể hiện tinh thần dám đánh Mỹ của người Việt Nam. Đó cũng là lời cảnh báo với những kẻ bất chấp công lý, dám xâm phạm vùng biển, vùng trời của Việt Nam rằng, chúng nhất định sẽ bị giáng trả đích đáng, bởi lẽ đơn giản, “biển bạc của ta do dân ta làm chủ”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư