Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chuyện của Đoài
Ngọc Tân - 25/02/2018 16:29
 
Đêm cuối đông tĩnh mịch, trong bốn bức tường nhỏ của gian nhà tạm được xây sát trang trại, Đoài cầm cây đàn ghi ta ngân nga bài hát Ngày hôm qua của ban nhạc Bức Tường: “Còn nguyên dấu vết, bên nhau ta sống những tháng năm qua. Một ngọn nến thắp lên, vẫn cháy trong bão giông. Và còn mãi cháy sáng trong đời, mãi cháy sáng lung linh màu…”.

Bắt đầu từ sự trở về

Đoài thường nghe và hát nhạc của nhóm Bức Tường như một thú vui nhẹ nhàng sau mỗi ngày làm việc quần quật. Nhạc của Bức Tường có những ca từ mộc mạc, những giai điệu sâu lắng, nhưng cũng rất cháy bỏng về cuộc sống, tình yêu, ý chí làm người. Lắng sâu sau những bài hát ấy, Đoài nhìn thấy một phần tuổi trẻ của mình, có thất bại, có đắng cay, có nụ cười và có những hy vọng phía trước.

Suốt bao năm qua, Nguyễn Văn Đoài luôn trăn trở, làm sao để có thể làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình
Suốt bao năm qua, Nguyễn Văn Đoài luôn trăn trở, làm sao để có thể làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình

18 tuổi, chàng trai Nguyễn Văn Đoài bước chân ra khỏi mảnh đất “cát lấp” Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) với bao nhiêu hoài vọng phía trước. Đà Nẵng là nơi chàng trai trẻ chọn để bắt đầu cuộc sống tự lập. 21 tuổi, Đoài tốt nghiệp Trường trung cấp Nghề công nghiệp tàu thủy Đà Nẵng.

Một năm sau đó, Đoài vào tận Đồng Nai xa xôi để theo học tiếp Trường cao đẳng Nghề Lilama. 22 tuổi, Đoài trở thành chàng thợ trẻ tại Công ty Doosan Vina (Quảng Ngãi), lúc bấy giờ đang thi công chế tạo sản phẩm bồn thiết bị khử mặn lớn nhất thế giới - Yanbu Phase 3 (có khả năng lọc gần 95 triệu lít nước biển mỗi ngày) cho đối tác Arab Saudi.

Năm 2013, Đoài bất ngờ quyết định từ bỏ tất cả để trở về. Đã có nhiều ý kiến phản đối từ những người thân và bạn bè thân thiết, khi thời điểm này, Đoài đã là một tay thợ lành nghề với lương cơ bản trên 6 triệu đồng/tháng (đã trừ chi phí ăn ở), một mức thu nhập được xem là đáng mơ ước với số đông những người trẻ tuổi cùng trang lứa lúc bấy giờ. Nhưng Đoài vẫn quyết tâm bỏ lại tất cả.

Ít ai hiểu rằng, đằng sau quyết định này của Đoài là nỗi trăn trở riêng tư khó nói, về những khao khát được trở về để hít thở bầu khí trong lành yên bình trên mảnh đất quê hương. Sau non nửa thập kỷ bôn ba, chàng trai 22 tuổi nghiệm ra rằng, bản tính hiền lành, nặng nghĩa tình nhưng cũng quá chân thật và có phần thẳng thắn của mình không hợp với môi trường thực dụng, bon chen, toan tính thiệt hơn, đè nén ở nơi xứ người. Để rồi từ đó, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương ngày một cháy âm ỉ hơn trong lòng Đoài.

Trở về lại quê hương, Đoài quyết tâm làm lại từ đầu bằng chút ít vốn liếng dành dụm được trong những năm xa xứ. Mảnh đất trung du xã Thái Thủy nằm ở phía Nam huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - nơi anh trai của Đoài có một khu vườn rộng nằm sát bên con đường Tỉnh lộ Sen Bang là điểm bắt đầu cho những kế hoạch mới. Đoài bắt tay vào xây dựng một trang trại thỏ.

Không được phép thất bại

5 năm dần trôi qua, trang trại thỏ của Đoài đã đi vào hoạt động ổn định, dù chưa thể gọi là thành công như dự tính ban đầu. Đoài kể, thời điểm bắt đầu khó khăn đến nỗi Đoài tự nhủ rằng, mình không thể thất bại, bởi nếu thất bại đồng nghĩa với “cụt” vốn và tất cả những gì dành dụm được sau bao năm bôn ba sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

Đoài cũng sớm nhận ra hầu hết các mô hình xây dựng trang trại đã thành công, đã được vinh danh mà Đoài biết đều có khởi đầu thất bại. Và anh hiểu, muốn thành công thì bản thân không được phép lặp lại những sai lầm của họ ngay từ khi bắt đầu.

Đó cũng chính là lý do khiến Đoài tự mày mò sách báo, tìm kiếm trên mạng Internet để nghiên cứu về thỏ; lặn lội ra Bắc đến trại giống Sơn Tây (Hà Nội) để học hỏi kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăn nuôi thỏ; hay vào lại Đà Nẵng để tham quan mô hình trang trại nuôi thỏ đã thành công của cặp đôi sinh viên trẻ vừa mới ra trường tại huyện Hòa Vang.

Mặc dù đã quá thật thà khi để một “đồng nghiệp” gạ gẫm bán “cắt cổ” cho những giống thỏ kém chất lượng và rồi khởi đầu là những ngày dài lê thê đợi hoài mà thỏ không sinh sản, nhưng rồi mọi khó khăn ban đầu cũng sớm qua đi. Trang trại thỏ của Đoài dần đi vào phát triển ổn định sau khi Đoài “cắn răng” đầu tư lại một loạt thỏ giống mới tốt hơn, sinh sản đều hơn.

Cho đến giờ, mảnh đất Quảng Bình đã có hàng chục trại thỏ giống và cũng có những trang trại lớn hơn nhiều trang trại của Đoài, nhưng chắc chắn không có ai làm được một việc như Đoài, đó là chủ động chiếm lĩnh thị trường, xây dựng mạng lưới tiêu thụ ngay khi chưa bắt đầu.

Ngày ấy, khi trang trại thỏ của Đoài còn chưa xuất được lứa sản phẩm nào, Đoài đã chủ động đi xuống TP. Đồng Hới, gõ cửa từng quán nhậu, từng nhà hàng và đặt vấn đề cung cấp thỏ thịt. Việc kết nối các đầu ra sản phẩm đã đạt được kết quả tốt, Đoài trở thành đầu mối để các nhà hàng liên lạc khi có nhu cầu. Đoài chấp nhận thu mua thỏ từ những trang trại khác tại địa phương hay những địa phương lân cận để cung cấp cho khách và giữ quan hệ đối tác. Cho đến khi những lứa sản phẩm đầu tiên xuất chuồng, Đoài đã trở thành một “thương lái bán chuyên” thỏ thịt.

Trang trại ra đời, một vườn cỏ bắp 3 sào được Đoài trồng sát cạnh để làm thức ăn cho thỏ. Đoài cũng sắm cho mình một laptop cá nhân để truy cập mạng, nắm bắt thông tin về kinh tế - xã hội, diễn biến của thị trường, cập nhật các mô hình mới về xây dựng trang trại nông nghiệp công nghệ cao ở châu Âu, Isarel, Nhật Bản hay Đà Lạt.

Trang trại thỏ của Đoài giờ đây tuy chưa thể gọi là “công nghệ cao” cho lắm, nhưng chí ít cũng đã có những đường ống cung cấp nước uống tự động cho thỏ. Đoài cũng học hỏi các mô hình trồng rau nhà kính để làm một hệ thống phun sương giữ cho không khí trang trại được ẩm mát mỗi khi mảnh đất cát trắng gió Lào Lệ Thủy vào mùa hè khô khóc.

Lắng sâu sau những bài hát của Bức Tường, Đoài nhìn thấy một phần tuổi trẻ của mình, có thất bại, có đắng cay, có nụ cười và có những hy vọng phía trước.

Tuy nhiên, thực tại vẫn còn không ít khó khăn. Do vốn ít, nên quy mô trang trại cũng như những ứng dụng mới về kỹ thuật mà Đoài dự tính sẽ áp dụng chưa được như mong muốn. Số lượng thỏ vẫn còn quá ít, nên Đoài chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Đoài thành thực chia sẻ, sau 5 năm bắt tay vào xây dựng trang trại, cho đến giờ, tuy không rơi vào cảnh “cụt vốn”, nhưng kỳ thực nguồn thu nhập hàng tháng từ trang trại thỏ cũng chẳng dư giả gì. Tính ra cũng chỉ đủ chi phí xăng xe cho Đoài đi thu mua các sản phẩm thỏ giống trên địa bàn để giữ thị trường tiêu thụ hay đi dự đám cưới, sinh nhật, những bữa tiệc tân gia…

Thế nhưng, cũng đã có những điểm sáng để mà kỳ vọng, tin tưởng. Tiệm cận tuổi 30, sau quá trình vừa nuôi thỏ, vừa học hỏi kiến thức lập trình web từ bạn bè, Đoài đã tự viết được một trang web riêng. Đoài dự tính trong thời gian tới, sẽ tự viết một website để giới thiệu về trại thỏ, kêu gọi vốn đầu tư cho trang trại, hay đơn giản là chia sẻ những kinh nghiệm nuôi thỏ, kinh nghiệm khởi nghiệp cho những người có cùng chí hướng.

Vẫn tin vào ngày mai

Giữa màn đêm tĩnh lặng mênh mông nơi miền trung du sơn cước, trong không gian nhỏ hẹp với bốn bức tường cũ màu xám, Đoài với tay lấy cây đàn ghi ta để trên kệ sách rồi ngân nga những lời hát quen thuộc: “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi. Để ta khắc tên mình trên đời. Dù ta biết gian nan đang chờ đón. Và trái tim vẫn âm thầm. Ta bước đi hướng tới muôn vì sao…” (Đường đến ngày vinh quang).

Tôi đã khá đắn đo khi quyết định viết chân dung chàng trai này. Đắn đo một phần vì Đoài từ chối khéo không muốn lên báo khi cuộc đời chưa có thành tựu gì nổi bật, nhưng phần nhiều vì tôi nghĩ rằng, liệu mình có đủ “vốn sống” để viết trọn vẹn hết bản lĩnh, ý chí mãnh liệt của chàng trai này hay không?

Tôi đã nghĩ đến câu chuyện từng đọc đâu đó, đại ý như sau: Có một công ty nọ tuyển mộ nhân sự và số người ứng thí rất đông. Những người ứng thi đều có bề dày kinh nghiệm và có bằng cấp, học vị đáng nể. Nhưng trong số đó có một anh chàng dù không lọt qua vòng sơ tuyển, nhưng cũng có mặt. Khi vị giám đốc hỏi, anh này cho biết, mình trước đây chỉ là môt nhân viên bình thường, bằng cấp bình thường, nhưng từng làm việc cho rất nhiều công ty khác nhau và chứng kiến các công ty này phá sản. Anh ta nói, thường thì con người ta khó biến kinh nghiệm thành công của người khác thành thành công cho mình, nhưng lại rất dễ phạm sai lầm của kẻ khác. Và chính những trải nghiệm quá trình làm việc trước đó đã giúp anh học được cách để tránh sai lầm, thất bại. Nhờ chia sẻ trên, anh ta đã được nhận…

Tôi nghĩ, Đoài và anh chàng ấy có điểm chung và tôi có niềm tin rằng, Đoài sẽ thành công...

Vinamilk muốn đầu tư trang trại bò sữa 6.000 tỷ đồng tại Cần Thơ
Trong buổi gặp gỡ lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ vào ngày 30/8, bà Mai Kiều Liên, TGĐ Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, hiện nguồn nguyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư