Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chuyển đổi số 2022: Thúc đẩy mạnh mẽ, toàn dân, toàn diện
Tú Ân - 03/01/2022 08:42
 
Năm 2021, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ trong cung cấp dịch vụ công

Năm của chuyển đổi số

Việc 7 sự kiện lọt Top 10 sự kiện ICT năm 2021 của Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam là các sự kiện chuyển đổi số đã cho thấy dấu ấn đậm nét của chuyển đổi số với đất nước trong năm 2021. Cả 7 sự kiện này đều được chấm nhiều điểm nhất, đứng thứ nhất là sự kiện “Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số”, tiếp theo sau là “Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu dân cư”. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử, Thủ tướng đích thân làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

“Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, thể hiện ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2021 đối với ngành thông tin và truyền thông là một năm rất đặc biệt. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế. Khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá, vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao. Đôi cánh để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển. Đôi cánh này đều liên quan tới ngành thông tin và truyền thông. Covid-19 là cú hích cho chuyển đổi số.

Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Chuyển đổi số đang góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch có hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc phòng, góp phần vào xu thế hội nhập, nâng vao vai trò, vị thế, tiềm lực và uy tín của đất nước”.

Với tâm thế đó, chuyển đổi số không còn là hô hào khẩu hiệu, mà lan rộng từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tác động trực tiếp đến từng người dân.

Tại Bộ Công an, 2 dự án lịch sử của đất nước là “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân” chính thức đi vào hoạt động từ 1/7/2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, có tầm ảnh hưởng chiến lược và lâu dài đến công tác quản lý nhà nước nói chung, đến công tác an ninh trật tự nói riêng, chuyển đổi phương thức quản lý từ “thủ công” sang “hiện đại”, đồng thời hướng tới đảm bảo cao nhất an ninh, an toàn thông tin và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, chỉ riêng thống kê số liệu của 10 ngân hàng thương mại lớn, mức đầu tư cho chuyển đổi số ước tính 15.000 tỷ đồng/năm. Chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động chuyển đổi số trung bình chiếm 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động. Tại nhiều ngân hàng, 90% giao dịch thực hiện trên nền tảng số.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, năm 2021, chuyển đổi số và điều hành trên dữ liệu lớn đã phát huy vai trò điều phối, phân phối, tổ chức sản xuất thành công. Trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ sẽ đưa tiêu chí làng thông minh dựa trên đào tạo nông dân số vào một trong những mục tiêu trọng điểm.

Các ngành như giáo dục - đào tạo đã đưa hàng loạt ứng dụng chuyển đổi số để đảm bảo việc học trực tuyến cho hàng chục triệu học sinh, sinh viên. Ngành y tế có hàng chục ứng dụng y tế trong tiêm chủng, quản lý, truy vết bệnh nhân Covid-19… Nhờ chuyển đổi số, lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ đã kết nối trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc để chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Năm 2021 cũng là năm đặc biệt khi cả nước có đến 38 tỉnh, thành phố triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) cấp tỉnh và 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh. Đáng chú ý, có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai đô thị thông minh, trong đó có 44 địa phương đạt được một số kết quả bước đầu rất tốt.

Chuyển đổi số đã len lỏi đến từng ngôi nhà, từng người dân. Tại Đà Nẵng, người dân đã có thể làm thủ tục đăng ký mua điện chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh. Ở Lạng Sơn, các trưởng bản trở thành tổ trưởng tổ công nghệ cộng đồng hướng dẫn bà con phát triển cửa hàng số, giúp doanh số bán nông sản online tăng 174 lần. Tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh ngồi ở phòng làm việc có thể truy cập vào hệ thống và biết được tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên.

Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.

“Việt Nam đã sẵn sàng cho phát triển số mạnh mẽ. Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng mới, nhiều doanh nghiệp năng động. Chỉ cần thêm một cú hích là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm, dịch vụ số được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý. Chính phủ tiêu dùng công nghệ số nhiều hơn và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thống nhất một số quan điểm chỉ đạo như sau: chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ riêng Việt Nam, mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương, do đó, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Cần phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp, nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Đầu tư thích đáng cho chuyển đổi số, bảo đảm thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên nguyên tắc khoa học, hợp lý, hiệu quả. Thúc đẩy hợp tác công tư dưới sự dẫn dắt của Chính phủ đi đôi với sự năng động, hiệu quả thị trường, xã hội. Gắn kết chặt chẽ giữa kết nối công nghệ với cải cách hành chính, có kế thừa, đổi mới và phát triển.

Về chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả.
10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2021: Ghi đậm dấu ấn chuyển đổi số, Chính phủ số
Ngày 30/12, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư