Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chuyển động nhân sự cấp cao tại nhiều doanh nghiệp lớn
Thanh Thủy - 15/07/2019 15:34
 
Liên tục một tháng vừa qua, nhiều doanh nghiệp thay mới vị trí chủ chốt trong cả ban điều hành lẫn nhân sự HĐQT.
Nghe bài viết này tại đây :

Tập đoàn Vingroup – CTCP (mã VIC–HoSE) và CTCP Vincom Retail (mã VRE- HoSE) mới đây đồng loạt công bố quyết định miễn nhiệm thành viên HĐQT theo đơn từ chức của các nhân sự từ quỹ đầu tư Warburg Pincus.

Ông Joseph Raymond Gagnon, Giám đốc điều hành kiêm đồng Trưởng bộ phận bất động sản của Warburg Pincus Châu Á, đã tham gia vào HĐQT Vingroup từ năm 2013, ngay sau khi quỹ này đầu tư và trở thành cổ đông của Vincom Retail. Còn ông Jeffrey Perlman, Giám đốc điều hành và Trưởng khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus Singapore, vừa tham gia HĐQT Vincom Retail năm 2018. 

Warburg Pincus bắt đầu rót 200 triệu USD để sở hữu 20% vốn Vincom Retail từ tháng 5/2013 và tiếp tục đầu tư thêm 100 triệu USD năm 2015. Vincom Retail cũng là khoản đầu tư đầu tiên của quỹ tại khu vực Đông Nam Á.

Trong khi nguồn vốn từ nhà đầu tư giúp Vincom Retail mở rộng phát triển hệ thống trung tâm thương mại, bao gồm cả việc mở ra mô hình TTTM Vincom Mega Mall đầu tiên tại khu đô thị Royal City thì Vincom Retail cũng là khoản đầu tư mang về “món hời” cho Warburg Pincus. 

Ngay sau khi cổ phiếu VRE được niêm yết, tháng 11/2017, Warburg Pincus và Credit Suisse Singapore bán lần lượt 195,3 triệu và 65,1 triệu cổ phiếu VRE, thu về 470 triệu USD và không còn là cổ đông lớn của Vincom Retail. Tháng 3 vừa qua, theo Bloomberg, nhóm cổ đông này tiếp tục thoái vốn tại Vincom Retail ở mức giá trên 35.000 đồng/cp, cao hơn giá đóng cửa cổ phiếu VRE thời điểm lên sàn (sau điều chỉnh).  Dự kiến từ 2/8 đến 30/10 , Vingroup sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản bầu thay thế thành viên Hội đồng quản trị và một số vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ. 

CTCP Thép Nam Kim (mã NKG-HoSE) cũng vừa thay đổi Tổng giám đốc sau biến động trong cơ cấu cổ đông. Ông Phạm Mạnh Hùng rời vị trí CEO sau 6 năm điều hành. Tân Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của NKG là ông Võ Hoàng Vũ (sinh năm 1978). Tuy vừa được bầu mới vào HĐQT NKG trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên hôm 29/6 nhưng ông Vũ lại là nhân sự cũ của CTCP Đầu tư Thương Mại SMC (mã SMC-HoSE). Ông gia nhập SMC năm 2002, đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc từ tháng 7/2017 và vừa rời vị trí này hôm 1/7. 

Cả cá nhân ông Vũ và SMC đều muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại NKG, lần lượt lên 8,24% và 5%. Ông Vũ vừa mua xong 15 triệu cổ phần hôm 11/7, ngay sau ngày được bổ nhiệm. Ở chiều ngược lại, Công ty TNHH TMDV và Đầu tư P&Q do Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Quang sở hữu cũng cho biết đã xong bán 19 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 14,21% xuống 3,77% vốn NKG. Cá nhân ông Quang còn trực tiếp sở hữu 10,34% vốn doanh nghiệp này. 

Ngoài những thay đổi có phần đột xuất trên, bộ máy lãnh đạo của một số doanh nghiệp cũng ghi nhận biến động sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức những ngày cuối tháng 6 vừa qua.

Tại Đại hội do Tổng công ty Viglacera (mã VGC-HoSE) tổ chức hôm 26/6, doanh nghiệp do Bộ Xây dựng nắm giữ gần 54% vốn này đã nâng số lượng thành viên HĐQT từ 3 lên 5 người, đồng thời bầu Chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Văn Tuấn, cũng một trong các thành viên vừa tham gia HĐQT. 

Vị Chủ tịch sinh năm 1984 đồng thời đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, mã GEX - HoSE). Nhóm cổ đông lớn Gelex và công ty con là Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX sở hữu 24,96% vốn điều lệ. Dù Bộ Xây dựng là cổ đông lớn nhất hiện tại nhưng sẽ thoái toàn bộ vốn theo kế hoạch. Năm trước, đơn vị này cũng đã đăng ký bán khớp lệnh một phần cổ phần tại Viglacera nhưng không thành công. Cũng tại Đại hội, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục triển khai lộ trình thoái vốn Viglacera về 0%. Cơ cấu cổ đông của tổng công ty dự kiến sẽ còn thay đổi trong năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Tuấn đồng thời là Chủ tịch HĐQT tại hai Tổng công ty.
Ông Nguyễn Văn Tuấn đồng thời là Chủ tịch HĐQT tại hai Tổng công ty.

Không phát sinh bất cứ giao dịch lớn nào nhưng sự xáo trộn liên tục vị trí chủ tịch của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã EIB – HoSE) đang thu hút sự quan tâm đáng kể của giới đầu tư. Tháng 3/2019, HĐQT Eximbank quyết nghị bầu thành viên HĐQT Lương Thị Cẩm Tú giữ chức vụ Chủ tịch thay ông Lê Minh Quốc nhưng nghị quyết này sau đó đã bị ông Quốc kiến nghị lên tòa án và hủy vào trung tuần tháng 5. Sau đó, ông Quốc có đơn xin từ nhiệm. Ông Cao Xuân Ninh được HĐQT bầu  làm Chủ tịch HĐQT mới nhưng vừa có đơn từ chức sau 2 tháng đảm nhận. Năm 2016, ông Ninh cũng từng ở vị trí Chủ tịch Eximbank trong 4 tháng rồi xin từ nhiệm. 

Mâu thuẫn, bất đồng giữa các nhóm cổ đông, trong nội bộ còn tiếp diễn chưa thể dung hòa là lý do được ông Ninh nêu ra trong đơn từ chức. Ông cũng cho biết bản thân đã cố gắng kiện toàn tổ chức và quản trị, điều hành, thực hiện các thủ tục cần thiết tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 2 sớm nhất theo quy định. 

Cũng có tới 3 Chủ tịch trong vòng một năm nhưng lý do của Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã VGI-UPCoM) là đến từ việc điều động nhân sự của công ty mẹ Tập đoàn Công  nghiệp – Viễn Thông Quân đội (Viettel). 

Sau khi ông Lê Đăng Dũng được điều động vào vị trí Phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, vị trí Chủ tịch HĐQT Viettel Global được giao lại cho ông Nguyễn Đình Chiến. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, cựu Chủ tịch Nguyễn Đình Chiến đã xin rời khỏi HĐQT. Ông Tào Đức Thắng vừa đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT từ 5/7.  

Ông Thắng (sinh năm 1973) là Thạc sỹ chuyên ngành điện tử viễn thông và hiện giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel. Ông đồng thời là Chủ tịch HĐQT của 2 công ty con khác của Viettel đang giao dịch trên sàn UPCoM là Viettel Post (mã VTP) và Công ty Tư vấn Thiết kế Viettel (mã VTK).

Chuyển động nhân sự trong tháng vừa qua cũng ghi nhận những sự trở lại khá thú vị.  CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, mã SBT-HoSE)  đã hoàn tất lấy ý kiến cổ đông bầu thay thế nhân sự HĐQT, đáng chú ý là sự trở lại của “bà hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc ở vị trí thành viên HĐQT.

Bà Huỳnh Bích Ngọc (sinh năm 1962) là người đồng sáng lập và vận hành cơ sở Thành Thành Công (tiền thân của Tập đoàn TTC) từ năm 1979 với ngành kinh doanh chín mía đường. Bà Ngọc từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại các doanh nghiệp đường lớn trong giai đoạn 2010 – 2012. Các năm gần đây, bà vẫn tham gia HĐQT một số doanh nghiệp bất động sản trong hệ thống Thành Thành Công. Còn tại các doanh nghiệp mía đường, người ta chủ yếu thấy sự xuất hiện của con gái bà – Đặng Huỳnh Ức My. 

Thành Thành Công thời gian qua liên tục mua và sáp nhập các công ty đường khác, đưa nhiều thương hiệu lớn ngành đường về chung một nhà. CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) hiện chiếm hơn 40% thị phần đường trong nước, nắm 78.000 ha vùng nguyên liệu của ở cả ba nước Đông Dương. Thay đổi về nhân sự được chốt vào ngày 1/7 cũng chính là thời điểm bắt đầu niên độ tài chính mới của doanh nghiệp mía đường này.

Tại CTCP Tập đoàn CMC (CMC Group, mã CMG-HoSE), HĐQT cũng vừa có sự thay mới một thành viên HĐQT sau khi Phó Chủ tịch HĐQT Hoàng Ngọc Hùng xin từ nhiệm tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.  

Ông Hà Thế Vinh (bên phải) được bầu làm thành viên HĐQT CMG - Ảnh: CMC Group
Ông Hà Thế Vinh (bên phải) được bầu làm thành viên HĐQT CMG - Ảnh: CMC Group

CTCP đầu tư MVI, cổ đông lớn nhất sở hữu 19,35% vốn, đã đề cử ông Hà Thế Vinh (sinh năm 1993) vào HĐQT. Tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học máy tính tại Đại học Illinois tại Urbana–Champaign, Mỹ, Hà Thế Vinh có thời gian thực tập và làm việc tại một số công ty công nghệ như Amazon Web Service, Time Dotcom Berhad (Malaysia). 9x này cũng là con trai nguyên cố Chủ tịch Hà Thế Minh - người sáng lập, định hướng và xây dựng CMG từ những ngày đầu khi được tách ra từ Viện nghiên cứu công nghệ Quốc gia.

Chủ tịch Eximbank Cao Xuân Ninh từ chức sau một tháng ngồi “ghế nóng”
Tân chủ tịch HĐQT Eximbank ông Cao Xuân Ninh vừa có đơn từ nhiệm sau 1 tháng ngồi vào ghế "nóng" Eximbank. Như vậy, một lần nữa ghế "nóng" Eximbank...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư