Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chuyên gia cảnh báo ngập lụt nặng ở miền Trung, người dân cần nâng cao cảnh giác
Linh Đan - 14/10/2023 19:42
 
Tình hình mưa lũ tại miền Trung đang diễn biến phức tạp, nhiều khu vực bị ngập sâu và xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông.

Mưa lớn liên tục từ ngày qua đến hôm nay đã khiến nhiều khu vực tại miền Trung bị ngập lụt nặng. Tại Đà Nẵng, nhiều tuyến đường chìm trong biển nước. Người dân đi lại rất khó khăn. Nhiều phương tiện chết máy, dắt bộ.

Một số khu vực như đường Hà Huy Tập, nút giao thông Ngã Ba Huế (tuyến chính) về đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu)… được giăng dây cảnh báo tạm dừng lưu thông. Người dân phải chuyển sang các con đường không bị ngập để về nhà.

Đặc biệt, đường đèo Hải Vân (nối Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế) xuất hiện sạt lở đất nghiêm trọng. Một khối lượng lớn đất, đá tràn xuống mặt đường. Các khung sắt gia cố taluy dương cũng đổ sập, gây tắc đường hoàn toàn. Lực lượng chức năng phải cấm phương tiện lưu thông qua đường đèo này.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, ảnh vệ tinh Himawari 8 cho thấy, mây phát triển theo từng cụm lớn với đường kính khoảng 300 km. Các cụm mây cao, dày và đậm đặc di chuyển theo hướng Tây.

Do có tác động của vùng áp thấp xoáy ngược chiều kim đồng hồ nên khi vào gần bờ khối mây có xu hướng đi chếch Tây Nam với tốc độ chậm.

Vì vậy, lượng mưa sẽ dồn ở các khu vực Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thủy, Lăng Cô của Huế và hầu hết địa bàn TP. Đà Nẵng, các huyện thị ven biển của Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Lượng mưa lớn nhất sẽ ở khu vực Vườn Quốc gia Bạch Mã, Nam Đông, Phú Lộc, Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế), quận Liên Chiểu, quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà, quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng). Lượng mưa có thể đạt 300 - 400 mm/ngày. Có nơi như khu vực giáp ranh Đà Nẵng và Huế có thể đạt hơn 400mm/ ngày.

“Do nhiều nơi của TP. Đà Nẵng đã ngập từ 60 - 100cm và hơn 100cm, nên lượng mưa lớn này sẽ khiến tình trạng ngập lụt trầm trọng hơn. Bà con ở nhà thấp trũng tuyệt đối tuân theo lệnh sơ tán của chính quyền, hoặc tổ chức sơ tán sang nhà cao tầng gần nhất”, TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 6 giờ qua (từ 11 giờ ngày 14/10 đến 17 giờ ngày 14/10), tại khu vực các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã có mưa vừa, mưa to như: Sơn Lâm 90,8mm (Khánh Hòa), Lâm Sơn 54,8mm (Ninh Thuận), …

Trong 6 giờ tới, tại các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.

Trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); Bác Ái, Ninh Sơn (Ninh Thuận).

“Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội”, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo vào lúc 17 giờ 30 chiều 14/10/2023.

Cùng với đó, chiều cùng ngày, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gai đã phát đi tin cảnh báo lũ trên các sông ở các sông từ tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Theo đó, hiện nay, mực nước thượng lưu sông Gianh (Quảng Bình). Cụ thể, các sông ở Thừa Thiên Huế đang dao động ở trên mức báo động (BĐ)1. Các sông khác từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có dao động và còn dưới mức BĐ1.

Mực nước lúc 13 giờ ngày 14/10/2023 trên các sông như sau: Trên sông Gianh tại Đồng Tâm 7,22m, trên BĐ1 0,22m; Trên sông Bồ tại Phú Ốc 2,40m, dưới BĐ2 0,60m; Trên sông Hương tại Kim Long 1,08m, trên BĐ1 0,08m.

Từ hôm nay (14/10/2023) đến ngày 17/10/2023, trên các sông ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3 - 9m, hạ lưu từ 2 - 4m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông La (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Ngãi lên mức BĐ1 - BĐ2 và trên BĐ2. Các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam lên mức BĐ2 - BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Vì vậy cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 2,3. Lũ trên các sông gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Đà Nẵng ngập lụt lịch sử, vì sao?
Đà Nẵng vừa trải qua trận lụt lịch sử. Nhiều người dân Thành phố phải thốt lên rằng, đây là trận ngập lụt chưa từng thấy. Vậy, trận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư