Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Chuyên gia hiến kế huy động USD trong dân
Hà Tâm - 21/07/2017 08:16
 
Ngoài áp dụng lãi suất trở lại với USD, việc đưa ra sản phẩm riêng để thu hút kiều hối hoặc phát hành trái phiếu cho kiều hối… là những giải pháp được giới chuyên gia đưa ra.
TIN LIÊN QUAN

Trả lãi cho dân 0%, trong khi vay nước ngoài 4,8%

Chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng từ năm 2015. Cùng với một loạt chính sách khác, giải pháp này đã khiến tình trạng đô la hóa của nền kinh tế giảm mạnh. Tuy vậy, chính sách lãi suất 0% với USD đã bộc lộ một số bất cập, khi nguồn kiều hối có dấu hiệu suy giảm, tình trạng ngân hàng lách trần để huy động USD diễn ra phổ biến.

 Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Chính phủ với NHNN mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu NHNN sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân, chủ yếu là USD.

Cần nâng lãi suất gửi USD để huy động nguồn lực trong dân. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Vietcombank.
Cần nâng lãi suất gửi USD để huy động nguồn lực trong dân. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Vietcombank.

Theo Bộ trưởng, nguồn USD trong dân rất lớn, thay vì gửi lãi suất 0% thì cần có chính sách huy động để phục vụ đầu tư và giúp hạ lãi suất. Dù NHNN có chủ trương chống đô la hóa, nhưng trong điều kiện kiểm soát được thì nên có phương án huy động, bởi thực tế nước ta vẫn phải mua lượng trái phiếu quốc tế với giá cao, khoảng 4,8%/năm.  

Chỉ đạo này của Thủ tướng được giới chuyên gia ủng hộ. Theo TS. Cấn Văn Lực, trên thực tế, nhiều ngân hàng đã phải huy động USD với lãi suất cao hơn mức 0%. Đây là việc “cực chẳng đã” với ngân hàng, vì thực tế ngân hàng vẫn rất cần ngoại tệ để cho vay (6 tháng đầu năm nay, tín dụng ngoại tệ tăng tới 5%). Do đó, áp dụng trở lại lãi suất tiền gửi cho USD không chỉ giúp tăng huy động vốn USD trong dân, mà còn giúp ngân hàng hoạt động minh bạch hơn và khiến ngân hàng tiếp cận vốn rẻ hơn.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đang phải vay nguồn ngoại tệ nước ngoài với lãi suất trên 4%/năm. Nếu nâng lãi suất huy động USD trong dân lên 0,25 - 0,5%/năm vẫn rẻ hơn nhiều.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, dù chống đô la hóa là chủ trương đúng đắn của NHNN, song không nên chống đô la hóa bằng mọi giá. Với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu như Việt Nam, đô la hóa ở mức độ nhất định là có thể chấp nhận được. Mức độ đô la hóa 9% ở nước ta hiện nay là vẫn còn khá thấp.

Hơn nữa, dù có nâng nhẹ lãi suất USD thì cũng sẽ không có chuyện người dân ào ào chuyển từ VND sang USD, vì chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn rất cao (hơn 6%/năm).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng tán thành với chỉ đạo của Chính phủ. Theo ông Nghĩa, cách đơn giản nhất để huy động ngoại tệ trong dân là trả lại lãi suất huy động cho USD.  

Phát hành trái phiếu riêng cho kiều hối

Để huy động ngoại tệ trong dân, bên cạnh việc đưa lãi suất huy động trở lại với USD, nhiều chuyên gia đề xuất, cần có chính sách riêng với kiều hối, bởi đây là nguồn ngoại tệ dồi dào của Việt Nam.

“Cần có thêm giải pháp riêng biệt trong thu hút kiều hối, cụ thể là Chính phủ nên nghiên cứu phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn dành riêng cho kiều hối”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) kiến nghị.

Cùng chung ý tưởng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu chính phủ bằng USD để huy động vốn ở nước ngoài.

Liên quan đến chỉ đạo huy động USD trong dân của Chính phủ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, nhiều năm qua, cơ quan này vẫn tiến hành các giải pháp tổng thể để đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, các nguồn lực trong nền kinh tế đã chuyển hoá sang đồng Việt Nam.

Riêng năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, chủ yếu là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hoá sang đồng Việt Nam thông qua việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.

Cũng theo ông Lê Minh Hưng, NHNN đang lấy ý kiến các bộ, ngành về đề án chống đô la hoá, vàng hoá, trong đó nhấn mạnh các giải pháp vĩ mô, cụ thể chuyển hoá nguồn lực vàng, đô la vào đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư