Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chuyên gia hướng dẫn sử dụng test nhanh Covid-19 tại nhà
D.Ngân - 17/08/2021 15:02
 
Việc test nhanh giúp người dân đánh giá nguy cơ, tự cách ly kịp thời để không lây nhiễm Covid-19 cho người khác.

Hầu hết các loại test nhanh trên thị trường được Bộ Y tế cấp phép đều cho kết quả khá tốt. Tuy nhiên, test nhanh sẽ không phát hiện được dương tính khi tải lượng virus thấp, tức người mới mắc bệnh hoặc đã bệnh gần khỏi.

Ảnh minh họa.

Theo hướng dẫn của ngành Y tế, đa phần hiện nay test nhanh kháng nguyên đều lấy ở dịch tỵ hầu. Trước khi lấy mẫu cần phải chọn nơi thông thoáng, sạch sẽ, không lấy mẫu trong phòng máy lạnh để bảo đảm không lây nhiễm. 

Độ chính xác của test nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu, cần phải để người lấy mẫu ngồi hoặc nằm đầu nghiêng về phía sau một góc 70 độ. 

Sau đó, nhẹ nhàng đưa đầu que lấy mẫu qua lỗ mũi, đẩy dọc sàn mũi tới khoang mũi hầu cho đến khi thấy có lực cản (sâu khoảng 1/2 khoảng cách từ đầu mũi đến dái tai). Xoay que ba lần và nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu khỏi mũi.

Nếu kết quả âm tính, test nhanh xuất hiện vạch chứng C và không có vạch nào trong vùng kết quả T, có thêm vạch T là dương tính. Nếu không xuất hiện vạch chứng C là kết quả không hợp lệ. Nguyên nhân do lượng mẫu không đủ hoặc thực hiện sai quy trình.

Quan trọng nhất là kỹ thuật lấy mẫu phải đúng. Nếu kit test bảo đảm chất lượng mà lấy mẫu sai cách sẽ không có được kết quả chuẩn. 

Ngoài ra, cần phải đọc kết quả đúng thời điểm như hướng dẫn sử dụng, nếu đọc sớm hay muộn cũng sẽ có kết quả không chính xác.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, việc đọc test nhanh khá dễ. Nếu nếu chỉ một vạch C là âm tính, có thêm vạch T là dương tính. Vạch T thường phản ánh tải lượng virus của người đó, càng đậm thì virus càng nhiều. 

Test nhanh âm tính thì có 4 khả năng: Không bệnh, đã nhiễm nhưng còn đang ủ bệnh, hoặc mới bệnh hay bệnh gần khỏi, virus rất thấp.

Nếu đang là F0 đang tự cách ly tại nhà, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì người dân cần chờ ngày thứ 7 của bệnh test thử, nếu vạch T mờ hẳn hoặc biến mất luôn là cơ thể ổn. 

Còn nếu đậm mà không triệu chứng thì người dân cũng không quá lo, cần tiếp tục theo dõi đến ngày 14 test lại lần nữa. Nếu vạch T biến mất thì có nghĩa là cơ thể đã hết virus.

Còn nếu là F1, âm tính 1 lần cũng không chắc chắn là không có bệnh, bởi có khi đang ủ bệnh. Có thể 3 ngày sau làm lại hoặc có triệu chứng thì làm lại, nếu ngày thứ 15 kể từ khi tiếp xúc F0 mà vẫn âm tính thì có thể nói tương đối an toàn.

Quan trọng hơn, nếu bạn là F0 hay F1 đã âm tính sau 15 ngày thì vẫn phải thực hiện 5K để phòng chống dịch bệnh.

Chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không nên quá hoảng sợ mà test nhanh hằng ngày, bởi điều đó chỉ khiến người dân lo thêm, nhất là F0 mà kết quả sẽ không thay đổi nên gây tốn kém, lãng phí không cần thiết.

Về sự khác nhau giữa test nhanh kháng nguyên với xét nghiệm PCR, theo chuyên gia xét nghiệm PCR là xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT - PCR), giúp xác định sự hiện diện của virus thông qua phát hiện đoạn gien axít nucleic trên virus SARS-CoV-2. 

Test nhanh là phát hiện protein trên bề mặt virus. Do đó, độ chính xác của test nhanh không bằng xét nghiệm PCR.

16 loại test nhanh do Bộ Y tế cấp phép.

Để lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại nhà, cần phải mua được bộ test (kit test) đạt chuẩn, do Bộ Y tế cấp phép, lưu hành. Nếu mua phải hàng nhái, kém chất lượng thì sẽ có kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả.

Do có nhiều bộ kit test nhanh kháng nguyên khác nhau nên quy trình test nhanh SARS-CoV-2 cũng sẽ có một số điểm khác nhau. 

Tuy nhiên, các dụng cụ test nhanh kháng nguyên đều có kết cấu chung gồm, khay thử, đệm chiết mẫu, que lấy mẫu, ống lấy mẫu có nắp nhỏ giọt và hướng dẫn sử dụng.

Test nhanh là một xét nghiệm tầm soát chứ chưa phải là xét nghiệm khẳng định, khi test nhanh có kết quả dương tính nghĩa là có khả năng người đó đã mắc Covid-19. 

Tuy nhiên, vẫn có khả năng test nhanh đang cho kết quả dương tính giả, do đó người dân cần hết sức bình tĩnh để có những bước xử trí tiếp theo phù hợp.

Nếu kết quả test nhanh dương tính, người dân cần có ý thức bảo vệ gia đình vì bản thân mình đang có nguy cơ mắc Covid-19, cần ngay lập tức cách ly với người thân, người trong cơ quan, tránh tiếp xúc với những người xung quanh; 

Thông báo cho nhân viên y tế địa phương để có thể xác định lại tính chính xác của kết quả test nhanh (để xác định bản thân người test có mắc Covid-19 không, hay dương tính giả của test) đồng thời sẽ được hướng dẫn những bước xử trí tiếp theo phù hợp. 

Theo Bộ Y tế hiện có 16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được cấp phép sử dụng. Trong đó, có 1 xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 sản xuất trong nước là Trueline Covid-19 Ag Rapid Test và 15 loại nhập khẩu bao gồm: Flowflex SARS CoV-2 Antigen Rapid Test (Trung Quốc), Biosynex Covid-19 Ag BSS (Pháp), V Trust Covid-19 Antigen Rapid Test (Đài Loan), CareStart Covid-19 Antigen (Mỹ), Espline SARS-CoV-2 (Nhật Bản); Covid-19 Ag, BioCredit Covid-19 Ag, GenBody Covid-19 Ag, Asan Easy Test Covid-19 Ag, SARS-CoV-2 Rapid Antigen Test, Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device, Standard Q Covid-19 Ag Test, Humasis Covid-19 Ag Test, SGTi-flex Covid-19 Ag, Panbio Covid -19 Ag Rapid Test Device (Nasal, Hàn Quốc).

Khuyến cáo về mua kit test nhanh COVID-19 trôi nổi trên mạng
Trước tình trạng rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội và các website/ứng dụng thương mại điện tử,Cục Thương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư