Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Chuyên gia kinh tế thế giới: Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn khả quan
Khi kinh tế thế giới thay đổi nhanh chóng, thì kinh tế Việt Nam đang được cải cách mạnh mẽ để chủ động đối phó với những thách thức bên ngoài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ không vấp phải cuộc khủng hoảng kinh tế nào và về tổng thể, bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục khả quan.

Đánh giá hệ thống tài chính

Việt Nam đã và đang ở một quỹ đạo tăng trưởng khá ấn tượng trong hai thập kỷ gần đây kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và hiện được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Với mức tăng trưởng trên 6% trong 3 năm qua, Việt Nam - con hổ mới của châu Á - được tiếp sức bằng xuất khẩu, cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng (nhờ vị thế là một trong những điểm đầu tư, kinh doanh hấp dẫn nhất châu Á và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do).

Là một điểm sáng về sản xuất công nghiệp và đầu tư, Việt Nam đang nỗ lực tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao. Trong ảnh: Nhà máy Samsung Thái Nguyên
Là một điểm sáng về sản xuất công nghiệp và đầu tư, Việt Nam đang nỗ lực tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao. Trong ảnh: Nhà máy Samsung Thái Nguyên

Là một điểm sáng về sản xuất công nghiệp và đầu tư nhờ các ưu thế về nhân công giá rẻ và dồi dào, cùng với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, gần những tuyến đường giao thương lớn của thế giới, Việt Nam đang nỗ lực tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao. Việc duy trì tăng trưởng tín dụng 2 con số một cách liên tục, với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay là 17%, đã giúp đẩy mạnh tiêu dùng tư nhân và đầu tư tư nhân.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tín dụng trong nước đối với khu vực tư nhân tính theo tỷ lệ phần trăm trên GDP đã tăng vọt từ 94,8% năm 2012 lên 130,7% vào năm 2017. Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với các khoản vay có tính rủi ro cao để mở rộng sản xuất, kinh doanh và khi tăng trưởng tín dụng cho khu vực tư nhân ngày càng cao hơn so với tăng trưởng GDP, thì gánh nặng về các khoản nợ ngày càng cao của khu vực này đã và đang làm dấy lên các quan ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính, nếu như xu hướng này còn tiếp tục. 

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ của khu vực tư nhân (gồm các khoản vay và chứng khoán nợ) tính theo tỷ lệ phần trăm trên GDP đã tăng mạnh kể từ năm 2012, lên mức 123,8% vào năm 2016. IMF cho rằng, tăng trưởng tín dụng và giá tài sản cao có thể góp phần tạo nên rủi ro trong hệ thống tài chính.

Khi đánh giá phạm vi ảnh hưởng của nợ quốc gia có thể đem đến những rủi ro tiềm tàng đối với ổn định tài chính, vẫn có những tranh luận về việc liệu nợ tổng thể của một quốc gia, nếu không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính hay không. Nợ là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với việc xác định khả năng có xảy ra khủng hoảng hay không.

Bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn khả quan

Theo tác phẩm “Lý thuyết về bất ổn tài chính” của Hyman Minsky, nhà kinh tế học người Mỹ, trong những thời kỳ dài thịnh vượng về tài chính chứa đựng quá nhiều lạc quan, thì rủi ro và đầu cơ của các nhà đầu tư sẽ tăng đến một điểm mà việc tích trữ nợ có thể vượt quá những gì có thể đảo ngược và sẽ làm cho nền kinh tế trở nên bất ổn. Sự thiếu hụt vốn, đặc biệt là trong trường hợp có cú sốc bên ngoài như tăng lãi suất, khiến chi phí nợ tăng lên, buộc các nhà đầu tư phải bán tài sản để trả nợ và làm cho giá tài sản giảm sâu.

Tại Việt Nam, tốc độ tăng nợ của khu vực tư nhân và mức độ lạc quan ngày càng cao của doanh nghiệp có hàm ý rằng, “Thời điểm Minsky” (“Minsky moment” - là sự di chuyển chậm từ trạng thái ổn định sang khủng hoảng của hệ thống tài chính) không thể được loại trừ.

Mặc dù có những rủi ro xuất phát từ những yếu kém cố hữu trong khu vực tài chính, sự tăng trưởng tín dụng đối với khu vực tư nhân đang tăng và những quan ngại về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang dâng cao - yếu tố có thể gây bất ổn trên thị trường chứng khoán Việt Nam và làm cho các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi các thị trường đang nổi, nhưng về tổng thể, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn khả quan.

Việc giảm dần phụ thuộc vào các khoản nợ bằng ngoại tệ và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ được hỗ trợ bởi việc sử dụng lao động và vốn một cách hiệu quả trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế Việt Nam có thể vô hiệu hóa khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai gần. 

Ngoài ra, nhằm kiểm soát sự bùng nổ trong lĩnh vực bất động sản - nơi có quan ngại về bong bóng đang xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản. Việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện cho vay, cùng với việc tích lũy dự trữ ngoại hối đang ngày càng tăng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tránh được các cú sốc tiềm năng và ngăn chặn được các rủi ro đối với ổn định tài chính.

Kinh tế Việt Nam mở rộng chu kỳ tăng trưởng
Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng của chu kỳ tăng trưởng, tức là giai đoạn mà nền kinh tế phục hồi và phát triển sôi động.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư