Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 14 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua:
Chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng; Giám sát chặt ngân hàng tái ký bảo hiểm thấp
H.T - 20/10/2024 10:00
 
Chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng; đề nghị không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào room tín dụng; trình phương án tăng vốn cho Vietcombank; giám sát chặt ngân hàng tái ký bảo hiểm thấp... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Đề nghị không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào room tín dụng của các ngân hàng

Để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề nghị giảm thêm lãi suất cho vay, không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào hạn mức tín dụng và mời gọi thêm các ngân hàng tham gia chương trình này.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. 

Liên quan đến kết quả triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội (hiện đã tăng lên 140.000 tỷ đồng) theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản công bố 83 Dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên Cổng thông tin điện tử.

Trong đó, đối với chủ đầu tư: Đã có 15 Dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.624 tỷ đồng; có 68 Dự án còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng (trong đó có 57 Dự án Chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn, 6 dự án đang được các NHTM thẩm định và 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay).

Đối với người mua nhà: Qua rà soát hiện nay đã có 151 người mua nhà đã được vay vốn Chương trình 120.000 tỷ đồng với số tiền khoảng 80 tỷ đồng

Bộ Xây dựng cho hay, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ còn chậm chủ yếu do một số vướng mắc. Thứ nhất, các ngân hàng tham gia chưa nhiều, ngoài nhóm ngân hàng Big 4 thì mới chỉ có thêm 4 ngân hàng (TPbank, VPBank, MBBank và TechcomBank) tham gia Chương trình. 

Thứ hai, nguồn cung nhà ở xã hội bước đầu còn hạn chế, Luật Nhà ở năm 2023 và các Nghị định hướng dẫn đã tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về nhà ở xã hội, tuy nhiên 01/8/2024 mới có hiệu lực thi hành.

Thứ ba, lãi suất và thời gian hạn hưởng lãi suất chưa thực sự thu hút người vay. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 02 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên do lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân).

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đề xuất giảm lãi suất và kéo dài thời gian vay ưu đãi). Để tháo gỡ các khó khăn hiện nay, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp. 

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đôn đốc các địa phương sớm công bố các danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.

Thứ hai, tiếp tục xem xét giảm lãi suất, nâng thời hạn vay ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở xã hội.

Thứ ba, nghiên cứu cho phép mở các chỉ tiêu/hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại theo hướng: Phần cho vay nhà ở xã hội không phải tính vào chỉ tiêu/hạn mức tín dụng của ngân hàng và được đánh giá, tổng kết hàng năm;

Cuối cùng, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Đề nghị bổ sung hơn 20.000 tỷ đồng cho Vietcombank: Chia cổ tức 49,5% bằng cổ phiếu để tăng vốn

Theo tờ trình của Chính phủ, nếu Vietcombank không được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn mà phải chia cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng sẽ giảm về 6,28%, thấp hơn quy định tối thiểu (8%).

Nguy cơ sụt giảm mạnh an toàn vốn (CAR) nếu không được chia cổ tức bằng cổ phiếu

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank (VCB) từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Theo báo cáo của Chính phủ, Vietcombank – cùng với các ngân hàng thương mại nhà nước khác- giữ vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, được xác định là “sếu đầu đàn” của ngành tài chính – ngân hàng.

Tuy nhiên, vốn điều lệ hiện nay của VCB là 55.891 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như: VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng) và không có sự cách biệt lớn so với một số NHTM cổ phần khác như MB (52.871) tỷ đồng, ACB (44.667 tỷ đồng), SHB (36.629 tỷ đồng).

Do đó, nếu VCB không được tăng vốn điều lệ thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để VCB mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong việc thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB nhằm tạo điều kiện để VCB đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định hiện nay. Mặc dù tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Vietcombank vẫn đảm bảo (CAR riêng lẻ là 11,05%, CAR hợp nhất là 11,39% tính tại thời điểm cuối năm 2023) song thấp hơn nhiều ngân hàng TMCP tư nhân ở Việt Nam (VPBank và MB là 12-13%, Techcombank là 13-15%). CAR của VCB cũng thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á (CAR trung bình của các ngân hàng Indonesia là 23,27%, Thái Lan là 20,24%, Myanmar là 18,9%, Singapore là 17,1%, Australia là 16,6%...).

Hơn nữa, CAR của Vietcombank phụ thuộc lớn vào phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ mà VCB đang giữ lại (chiếm khoảng 50% vốn tự có), trái phiếu tăng vốn (chiếm khoảng 5% vốn tự có) và không bền vững.

Cụ thể, vốn tự có riêng lẻ của Vietcombank tại thời điểm 31/12/2023 là 172.338 tỷ đồng. Tuy nhiên, trường hợp VCB phải chia cổ tức bằng tiền mặt đối với toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ này (74.425 tỷ đồng) mà không được trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng Vốn điều lệ thì Vốn tự có của VCB chỉ còn ở mức 97.913 tỷ đồng, tỷ lệ vốn cấp 1 và CAR giảm xuống mức 5,64% và 6,28%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu của NHNN và ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của VCB do không đảm bảo yêu cầu về an toàn vốn.

Ngoài ra, so với mục tiêu Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và hướng tới đáp ứng yêu cầu của Hiệp ước Basel III nêu trên thì tỷ lệ CAR của VCB vẫn còn rất thấp.

Như vậy, mặc dù hiện tại VCB vẫn đảm bảo về tỷ lệ an toàn vốn nhưng phần Vốn tự có chưa bền vững. Ngoài ra với định hướng tiếp tục mở rộng quy mô tín dụng trong các năm tiếp theo thì VCB rất cần được giữ lại lợi nhuận còn lại sau thuế và sau trích lập các quỹ để tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR.

Tăng vốn, Vietcombank có thêm tiềm lực để hỗ trợ nền kinh tếtái cơ cấu hệ thống ngân hàng 

Không chỉ tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn, theo báo cáo của Chính phủ, việc tăng vốn cho Vietcombank sẽ giúp cho ngân hàng có tiềm lực để tiếp tục phát huy trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế.

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước là cơ sở để VCB nâng cao năng lực tài chính, có nguồn lực để cấp tín dụng cho nhiều Dự án quan trọng Quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn. Theo quy định tại Điều 136 Luật Các TCTD năm 2024, giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người liên quan phụ thuộc vào vốn tự có. Do vậy, trường hợp VCB không được đầu tư bổ sung vốn nhà nước thì với mức vốn tự có hiện tại của VCB sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia có nhu cầu vốn đặc biệt lớn như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng Quốc gia, cầu đường, cảng biển,…

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB cũng là điều kiện cần thiết để VCB có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, NHNN giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ sẽ giúp cho VCB nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á (về tổng tài sản) theo mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, đầu tư vốn nhà nước vào VCB sẽ mang lại hiệu quả cho nhà nước thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (NSNN). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân giai đoạn 2019-2023 của VCB ở mức cao và cao hơn so với bình quân thị trường (23%). Do vậy, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào VCB mang lại hiệu quả cho nhà nước thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ với NSNN.

Thực tế, trong 10 năm qua (2014-2023), tổng số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của VCB đạt trên 71.000 tỷ đồng, trong đó thuế nộp NSNN đạt khoảng 53.000 tỷ đồng, tổng cổ tức bằng tiền mặt nộp vào NSNN đạt khoảng 18.500 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ tính riêng 3 năm 2021, 2022, 2023, VCB đã nộp vào NSNN khoảng 29.000 tỷ đồng.

Đề nghị bổ sung vốn nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng cho Vietcombank: Chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 49,5%, tăng vốn lên 83.557 tỷ đồng 

Theo tờ trình của Chính phủ, Vietcombank đang thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng và Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, ngân hàng cũng hướng tới đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo chuẩn mực Basel III, trong đó: CAR đạt 12% năm 2024, 13% năm 2025 và 13,5% năm 2026.  

Để đảm bảo mục tiêu CAR đạt 13,5% vào năm 2026 thì mức vốn tự có tại thời điểm 31/12/2026 là 300.801 tỷ đồng (tương ứng với quy mô tài sản có rủi ro dự kiến 2.228.158 tỷ đồng). Vốn tự có của VCB tại 31/12/2026 dự kiến là 182.635 tỷ đồng tăng 10.297 tỷ đồng so với 31/12/2023. Theo đó, mức vốn tự có thiếu hụt giai đoạn 2024-2026 để đảm bảo CAR mục tiêu là: 118.166 tỷ đồng. Trường hợp VCB phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì được chia bằng cổ phiếu để tăng vốn thì mức vốn tự có thiếu hụt còn cao hơn, khoảng 125.435 tỷ đồng.

Do vậy, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 là hết sức cần thiết để VCB đảm bảo được hệ số CAR theo Chiến lược nói trên.

 VCB xây dựng Kế hoạch tăng vốn tự có giai đoạn 2024-2026 thông qua tăng vốn điều lệ để bù đắp vốn tự có thiếu hụt 118.166 tỷ đồng từ hai nguồn: Nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2024-2026: 82.131 tỷ đồng (thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu) và nguồn phát hành cổ phần riêng lẻ: 32.689 tỷ đồng. Tuy vậy, phương án phát hành riêng lẻ mới đang ở giai đoạn xúc tiến do thị trường chưa thuận lợi, phương án tăng vốn khả thi nhất là chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo phương án mà Chính phủ đề xuất, Vietcombank sẽ phát hành 2.766.600.173 cổ phiếu để chia cổ tức, tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, Vietcombank sẽ có vốn điều lệ 83.557 tỷ đồng. Nguồn sử dụng để phát hành và tăng vốn điều lệ là lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Trong đó: Cổ đông Nhà nước: 20.695 tỷ đồng và cổ đông ngoài nhà nước là 6.971 tỷ đồng. Thời gian thực hiện: Năm 2024 và tiếp tục trong năm 2025 nếu chưa hoàn thành.

Đối với lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023: Hiện nay, trên cơ sở đề xuất của Người đại diện phần vốn nhà nước tại VCB, căn cứ quy định tại Luật 69/2014/QH13 và các văn bản có liên quan, NHNN đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư bổ sung vốn cho VCB.

Toàn bộ vốn điều lệ được bổ sung sẽ tiếp tục sử dụng làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh của VCB, đầu tư phát triển và chuyển đổi số; hướng tới mục tiêu chung là để nâng cao năng lực tài chính, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR theo Basel III; mở rộng quy mô hoạt động, hiện đại hóa ngân hàng; hoàn thành các mục tiêu theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đọan 2021-2025”; thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.  

Bổ sung 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank: Cần đánh giá kỹ tác động hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước

Cơ quan thẩm tra nhất trí bổ sung vốn nhà nước cho Vietcombank, song có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ về hiệu quả việc đầu tư vốn nhà nước và làm rõ ảnh hưởng của việc đầu tư này đến ngân sách nhà nước.

Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước cho ngân hàng Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Thời gian thực hiện là năm 2024 và tiếp tục trong năm 2025 nếu chưa hoàn thành.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank và cơ bản nhất trí với mức vốn, nguồn vốn đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đề xuất của Chính phủ.

Tuy vậy, để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nêu rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Mizuho Corporate Bank (đang nắm giữ 15% vốn điều lệ của Vietcombank), bảo đảm sự đồng thuận.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại Vietcombank trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn nhà nước, trong đó trọng tâm mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các Dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, thực thi các chính sách của Chính phủ, ngân hàng Nhà nước trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế; đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình quản trị hiện đại, đầu tư công nghệ số, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, thấu đáo hơn đối với hiệu quả việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, trong đó tác động tới chính ngân hàng, tới sự phát triển của ngành ngân hàng và hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư. 

Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ nhận định “nguồn vốn Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ không có tác động đến ngân sách nhà nước” nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Trong Tờ trình, Chính phủ cho rằng, việc bổ sung vốn 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank sẽ không có tác động đến ngân sách nhà nước.

Cụ thể, theo quy định Khoản 5 Điều 23 Nghị định 93/2017/NĐ-CP, đối với tổ chức tín dụng không phải là tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, việc phân chia phần lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ do tổ chức tín dụng tự quyết định.

Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn nhà nước tại ngân hàng phải xin ý kiến NHNN việc phân chia phần lợi nhuận còn lại trước khi biểu quyết tại ĐHĐCĐ. Ngân hàng Nhà nước phải lấy ý kiến thống nhất với Bộ tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại để chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại ngân hàng biểu quyết tại ĐHĐCĐ.

Trên cơ sở đề xuất của Vietcombank, ý kiến của Bộ Tài chính về việc phân phối lợi nhuận của Vietcombank, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietcombank đối với việc phân phối lợi nhuận hàng năm. Theo đó, Vietcombank đã nộp ngân sách nhà nước đúng quy định đối với phần cổ tức chia bằng tiền mặt cho cổ đông nhà nước, phần lợi nhuận còn lại sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt đang được giữ lại tại ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và đã trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính, phát huy vai trò quan trọng là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường trong ngành ngân hàng.

Khoản 1 Điều 13 và khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước quy định “Thu, chi ngân sách nhà nước được hạch toán bằng đồng Việt Nam (khoản 1 Điều 13); nguồn thu của ngân sách trung ương bao gồm “thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần” (khoản 1 Điều 35). Như vậy, phần cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền mặt tại công ty cổ phần được xác định là khoản thu của ngân sách nhà nước.

Phần lợi nhuận còn lại luỹ kế đến năm 2018 và năm 2021 của Vietcombank là lợi nhuận còn lại sau khi đã nộp thuế, trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, hiện được hạch toán, theo dõi tại Vietcombank và không phải khoản mục thu ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, Chính phủ cho rằng, nguồn vốn Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ không tác động đến ngân sách nhà nước.

Vàng nhẫn lại “nóng ran”

Giá mua mỗi lượng vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC gần triệu gần 1 triệu đồng, điều không mấy khi xuất hiện trên thị trường vàng. Hạn chế do cần đăng ký online, người dân không thể mua vàng miếng SJC ngày cuối tuần và cũng rất khó mua trong tuần.

Vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh trong ngày thứ Bảy (19/10) tại đồng loạt các hãng vàng.

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) - đơn vị thường xuyên neo giá vàng nhẫn khá thấp cũng đang công bố giá mua ở mức 84 triệu đồng/lượng và giá bán 85,3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Phú Quý tiếp tục là hãng yết giá mua vào cao nhất - 84,85 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 85,85 triệu đồng/lượng. Giá thu mua vàng tại các hãng khác thấp hơn nhưng cũng không chênh đáng kể như Tập đoàn DOJI (84,7 triệu đồng/lượng), Bảo Tín Minh Châu (84,68 triệu đồng/lượng)…

Ở chiều bán ra của các hãng vàng, giá vàng nhẫn vẫn ở dưới mức 86 triệu đồng/lượng, nhưng khoảng cách cũng đang tiến gần hơn với vàng miếng SJC. Nguồn cung vàng miếng SJC "đóng băng" trong cuối tuần, vàng nhẫn càng trở thành tâm điểm giao dịch. Ở trường hợp có vàng nhẫn để mua, người dân đang phải chi trả 85,6 - 85,85 triệu đồng mỗi lượng, tuỳ hãng.

Tính chung trong cả tuần, giá vàng nhẫn đã tăng thêm khoảng 1,85 triệu đồng/lượng. Sản phẩm vàng nhẫn 9999 tại hầu hết các hãng vàng đều đã vượt khá xa vàng miếng SJC. Nguyên nhân cũng bởi ngân hàng Nhà nước không bán vàng trực tiếp tới SJC và 4 ngân hàng thương mại lớn vào cuối tuần khiến vàng miếng SJC bất động. Giá vàng miếng bán ra tiếp tục được niêm yết ở mức 84 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 86 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Trong tuần, vàng miếng đã tăng tổng cộng 1 lần vào hôm 6/10 và đi ngang, thậm chí bất động cả khi vàng thế giới cán mốc 2.700 USD/ounce hôm thứ Sáu. Trong khi đó, nhịp tăng của vàng thế giới vẫn chưa dừng lại sau khi vượt được ngưỡng tâm lý quan trọng 2700 USD/oune đã ủng hộ xu hướng tăng của vàng nhẫn trong nước.

Giá vàng thế giới chính thức chạm ngưỡng lịch sử trên vào thứ Sáu, do căng thẳng leo thang ở Trung Đông cùng sự bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Mỹ. Trả lời hãng tin Reuters, ông Alexander Zumpfe, một nhà giao dịch kim loại quý tại Heraeus Metals Germany, cho biết việc xung đột ngày càng căng thẳng, đặc biệt là sau tuyên bố leo thang chiến tranh với Israel của Hezbollah, đã khiến các nhà đầu tư đang đổ xô vào vàng, như một tài sản trú ẩn an toàn truyền thống.

Thêm vào đó, kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn đã đẩy giá kim loại này xô đổ những kỷ lục cũ, nhất là sau động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần qua. ECB chính thức công bố quyết định cắt giảm lãi suất điều hành 25 điểm cơ bản, đánh dấu lần hạ lãi suất thứ ba trong năm sau lần giảm hồi tháng 6 và tháng 9 vừa qua.

Các số liệu công bố đầu tháng 10 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Eurozone chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 2,2% của tháng 8, do chi phí năng lượng giảm mạnh. Lạm phát đã chậm lại và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Do đó, các chuyên gia và giới đầu tư kỳ vọng ECB có thể cắt giảm lãi suất thêm lần nữa tại cuộc họp tháng 12/2024 trừ khi có biến động lớn về dữ liệu kinh tế.

Khép lại tuần giao dịch, giá vàng thế giới đóng cửa tại 2.721 USD/ounce, ghi nhận mức tăng 2,4% trong tuần vừa qua. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York cũng nhích nhẹ lên 2.736,4 USD/ounce.

Công bố quyết định chuyển giao bắt buộc CB cho Vietcombank và Oceanbank cho MB

Ngày 17/10/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt; ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và các cơ quan liên quan chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Phương án chuyển giao bắt buộc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Còn đối với Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng chỉ đạo cơ quan này tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, xây dựng hiệu quả các công cụ điều hành về lãi suất, tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 15% của năm 2024, ổn định lãi suất cho vay, tăng cường kiểm tra giám sát, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh thanh toán số...

Dưới sự quản lý của Vietcombank, MB trong vai trò chủ sở hữu đối với CB, OceanBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật. Vietcombank, MB là ngân hàng thương mại hàng đầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để VCB, MB mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới.

Phát biểu tại Họp báo quý III/2024 diễn ra chiều nay, ông Nguyễn Đức Long, Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được hưởng một số cơ chế ưu đãi trên cơ sở tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác. Riêng phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng còn lại là GPBank và DongA Bank đang tiếp tục được hoàn thiện. 

Quy mô tín dụng đang vượt quy mô huy động vốn

Tính tới thời điểm này, tín dụng tăng 9%, đạt quy mô 14,7 triệu tỷ đồng trong khi huy động vốn tăng khoảng 5,28%, quy mô khoảng 14,5 triệu tỷ đồng.

Chiều nay 17/10, ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2024.  Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến nay, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023, đạt quy mô khoảng 14,7 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, huy động vốn tăng 5,28%, quy mô khoảng 14,5 triệu tỷ đồng (nguồn cho vay vượt huy động sử dụng từ vốn điều lệ của các ngân hàng).

NHNN khẳng định, thanh khoản hệ thống dồi dào. Với thanh khoản tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.

Năm nay, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD ngay từ đầu năm và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.  

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, có TCTD tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo, ngày 28/8/2024, NHNN đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của TCTD.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản…Đặc biệt ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Về lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế; chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.

Về tỷ giá, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.

Về hoạt động kinh doanh vàng, NHNN cho hay đến nay nhờ các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp

Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT. ​Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Với các tổ chức tín dụng, NHNN chỉ đạo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, TTCP; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”…  

Phát hành trái phiếu phi ngân hàng giảm 26,3%, ngân hàng áp đảo thị trường trái phiếu

Giá trị phát hành trái phiếu phi ngân hàng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 80.000 tỷ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 9 tháng vẫn chứng kiến sự thống trị của trái phiếu ngân hàng.

Trong báo cáo tình hình trái phiếu doanh nghiệp tháng 10/2024 "Triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước những quy định pháp lý mới" vừa công bố, các chuyên gia Công ty Cổ phần FiinRatings đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhưng chủ yếu ở nhóm trái phiếu ngân hàng. Phát hành TPDN ở nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng tiếp tục ảm đạm.

Cụ thể, giá trị phát hành của nhóm phi ngân hàng trong tháng 9/2024 chỉ đạt 5.400 tỷ đồng, nâng tổng giá trị phát hành 9 tháng đầu năm lên 80.000 tỷ, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Phần lớn các trái phiếu này được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp do thiếu sự tham gia của các định chế tài chính khác.

Tỷ lệ chậm trả có xu hướng tăng chậm lại, ở mức 18,9% trong 9 tháng đầu năm, chuyên gia FiinRatings lý giải do tình hình vĩ mô cải thiện và room tín dụng được mở rộng gần đây đã tiếp tục hỗ trợ hoạt động cân đối dòng tiền của doanh nghiệp. "Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề thuộc về các doanh nghiệp chậm trả từ trước, sức khỏe tài chính vốn đã suy yếu trong vài năm gần đây", FiinRatings nhận định.

Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9/2024 đạt gần 11.800 tỷ đồng, giảm 26% so với tháng trước, nâng tổng giá trị mua lại trong 9 tháng đầu năm lên 138.000 tỷ đồng (giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, trái phiếu mua lại của ngân hàng chiếm 69% giá trị trong tháng 9/2024 và 77% của 9 tháng. Nhóm trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính chứng kiến hoạt động mua lại giảm trong quý III/2024 so với giai đoạn đầu năm dù đối mặt với áp lực dư nợ đáo hạn lớn ở cuối năm.

Cùng với các ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân là lực lượng nắm giữ TPDN riêng lẻ lớn nhất hiện nay (khoảng 30%). Tuy nhiên, Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi đang đưa ra các quy định mới nhằm thắt chặt sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường này (chỉ cho phép cá nhân giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành).

Theo quan điểm của FiinRatings, việc hạn chế sự tham gia của nhóm nhà đầu tư cá nhân vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là hợp lý. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như do đặc thù sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có tính chuẩn hóa thấp, dẫn đến mức độ rủi ro tín dụng cao.

Dẫn chứng thông lệ tại một số nước Châu Á, FiinRatings cho biết tại Trung Quốc, nhà đầu tư cá nhân hầu như không tham gia sở hữu trực tiếp trái phiếu doanh nghiệp. Thay vào đó, họ đầu tư qua việc ủy thác và mua chứng chỉ quỹ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ.

Trong khi đó, tại Thái Lan, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư cá nhân ở mức cao do áp dụng định nghĩa nhà đầu tư giàu có “High-net-worth investors”, tức nhà đầu tư có tài sản ròng 30 triệu Bath (khoảng 22 tỷ đồng trở lên); thu nhập hàng năm ít nhất 2,2 tỷ đồng; hoặc tổng danh mục chứng khoán 8 triệu Bath, (khoảng 6 tỷ đồng).

Theo ghi nhận, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu riêng lẻ Việt Nam còn hạn chế. Tại cuối năm 2023, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 3% tổng giá trị trái phiếu lưu hành. Như vậy, tiềm năng mở rộng quy mô thị trường Việt Nam từ dòng vốn nước ngoài là rất lớn.

Tuy nhiên, để tránh việc dòng vốn bị “nghẽn” khi nhà đầu tư cá nhân bị hạn chế tham gia thị trường, FiinRatings cho rằng cần sớm rà soát những hạn chế đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư tổ chức như: công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… để thị trường có thể duy trì sự liên tục và tránh gián đoạn do tác động của quy định mới.

"Ngoài việc công nhận nhóm nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cần nâng cao niềm tin của nhóm này bằng việc nâng cao tính minh bạch thị trường và chất lượng công bố thông tin, như đẩy mạnh áp dụng xếp hạng tín nhiệm, phát triển cơ sở dữ liệu về đường cong lãi suất và lịch sử chậm trả…", FiinRatings đề xuất.

Đối với quy định về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP và quy định xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành trái phiếu tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, FiinRatings để xuất cần xem xét áp dụng xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu và duy trì trong suốt vòng đời lưu hành của trái phiếu thay vì chỉ yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành.

Sản phẩm mà nhà đầu tư mua chính là lô trái phiếu cụ thể và thực tế xếp hạng tín nhiệm của lô trái phiếu có thể cao hơn rất nhiều với mức xếp hạng của tổ chức phát hành nếu lô trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán toàn bộ bởi một doanh nghiệp tốt hơn, một ngân hàng lớn hoặc các tổ chức quốc tế như CGIF, GuarantCo…

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu cũng là thông lệ trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN, nhằm đồng bộ phát triển cả chất lượng hàng hóa (phía cung) và khai thông cơ sở nhà đầu tư (phía cầu). "Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tại ASEAN là hơn 50%, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam gần như bằng không", FiinRatings nêu rõ.

Việc xếp hạng tín nhiệm cho toàn bộ trái phiếu cần được đẩy mạnh để hướng đến nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sôi nổi hơn. Đây sẽ là cơ sở để nhà đầu tư phân bổ tài sản theo rủi ro, qua đó hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường thuận lợi và hiệu quả.

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu cũng sẽ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và hiệu quả hơn cho nhóm nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài mà Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang hướng đến.

Vốn ngoại rót vào ngân hàng: Kẻ ra đi, người chờ đến

Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng nội - ngoại vẫn hết sức sôi động khi chứng kiến nhiều thương vụ chia tay, song cũng có nhiều thương vụ tỷ USD đang được đàm phán.

Theo công bố của TPBank, cập nhật đến ngày 30/9/2024, Công ty tài chính quốc tế (IFC) không còn là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng này. Trước đó, IFC nắm 25,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,17% vốn tại TPBank.

Trong khi đó, cuối tháng 9/2024, Commonwealth Bank of Australia (CBA) cũng xác nhận đã bán gần 5% vốn điều lệ của VIB, thu về khoảng 160 triệu USD (khoảng 2.700 tỷ đồng). Ý định thoái vốn của CBA đã hé lộ từ cách đây 5 năm, khi rút khỏi HĐQT VIB và cho biết việc đánh giá lại các khoản đầu tư trên toàn cầu.

Sau thương vụ bán gần 5% vốn, CBA chỉ còn nắm dưới 15% vốn VIB, cổ đông chưa thông báo các đợt thoái vốn tiếp theo, song nhiều khả năng sẽ tiếp tục thoái vốn về mức bằng hoặc thấp hơn 4,99% để VIB tuân thủ room vốn ngoại mới. Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/6/2024, VIB đã thông qua việc hạ room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống 4,99%.

Trong quý II/2024, ABBank cũng chứng kiến sự ra đi của cổ đông ngoại IFC sau 14 năm gắn bó. Cụ thể, cuối tháng 5/2024, IFC bán hơn 84 triệu cổ phiếu của ABBank, tương đương 8,2% cổ phiếu đang lưu hành, thu về khoảng 739 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 3/2024, quỹ ngoại Whistle Investment Limited bán hết 193,9 triệu cổ phiếu ACB, thu về tổng cộng hơn 5.471 tỷ đồng sau 6 năm gắn bó.

Việc chia tay ngân hàng nội - ngoại không còn là vấn đề mới. Từ năm 2005 đến năm 2011 là giai đoạn ngân hàng ngoại ồ ạt rót vốn vào Việt Nam, bắt đầu bằng một loạt thương vụ đình đám như Standard Chartered mua hơn 8,5% cổ phần ACB, HSBC mua 10% cổ phần Techcombank, ANZ mua 10% cổ phần Sacombank. Tiếp đó, một loạt ngân hàng như VPBank, OCB, ABBank, Eximbank, VIB, SeABank… cũng tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Tuy vậy, kể từ sau khi hệ thống ngân hàng Việt rơi vào khủng hoảng (năm 2011), nhiều cuộc “chia tay” đã diễn ra. Đáng chú ý phải kể đến các cuộc chia tay giữa Sacombank và ANZ, VPBank và OCBC, Techcombank và HSBC, OCB và BNP Paribas, ACB và Standard Chartered.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc một loạt cổ đông ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng Việt không có nghĩa là thị trường ngân hàng Việt Nam kém hấp dẫn, mà chủ yếu do các tập đoàn tài chính, ngân hàng quốc tế cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Chẳng hạn, với CBA, việc thoái vốn khỏi VIB không chỉ để cải thiện hệ số an toàn vốn, mà còn để thực hiện chiến lược tập trung vào mảng ngân hàng tại khu vực Australia và New Zealand. Hay với IFC, việc thoái vốn tại ABBank là động thái cơ cấu lại danh mục với khoản đầu tư có thể thấy là không mấy hiệu quả.

Riêng với trường hợp ACB, mặc dù cổ đông Whistle Investment Limited thoái vốn, song nhóm cổ đông ngoại khác lại ngay lập tức thay thế và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ACB vẫn ở mức 30%.

Trong khi nhiều ngân hàng nội chia tay với đối tác ngoại, thì nhiều ngân hàng khác lại đang trong quá trình chào bán.

Tương tự, kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài của SHB đến nay vẫn chưa thành công, dù trước đó, ngân hàng này đã thay đổi chiến lược từ tìm kiếm đối tác dài hạn sang trung hạn.

Trong khi đó, việc chào bán vốn cho đối tác ngoại của LPBank, NamABank, HDBank… cũng mới dừng lại trong giai đoạn tìm kiếm.

Với HDBank, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quan hệ đầu tư cho hay, thời gian qua, Ngân hàng nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác đến từ châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc. “HDBank đã có sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, sẽ thực hiện khi điều kiện thị trường thuận lợi và tìm được đối tác phù hợp. Ngân hàng dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn”, ông Tùng chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT Techcombank. tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024. cũng cho biết việc xem xét phát hành cho cổ đông chiến lược và kỳ vọng tìm được đối tác xứng tầm, tương tự thương vụ VPBank “kết duyên” với SMBC.

Theo các chuyên gia phân tích, khẩu vị của các nhà đầu tư ngoại đã chọn lọc hơn. Thay vì đầu tư tài chính dài hạn, nhiều nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các khoản đầu tư trung hạn. Do đó, yếu tố mà nhà đầu tư ngoại quan tâm là các ngân hàng có nền tảng quản trị rủi ro tốt và khả năng sinh lời khả quan.

Tất nhiên, một số ngân hàng có room ngoại lớn vẫn giành được sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Theo đó, với khả năng được nới room lên tới 49% nhờ tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, VPBank, MB và HDBank sẽ là những cái tên đáng chú ý.

Ngay cả với các ngân hàng vừa chia tay đối tác ngoại như VIB hay ABBank, cơ hội gọi vốn ngoại vẫn rất lớn. Theo Công ty chứng khoán DNSE, việc hạ room ngoại của VIB sẽ tạo cơ hội chọn đối tác chiến lược ngoại mới.

Trong khi đó, ABBank cũng chia sẻ, sau khi IFC thoái vốn, ABBank sẽ xem xét phương án lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu phát triển của Ngân hàng khi có cơ hội.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư ngoại, song khẩu vị của nhà đầu tư đã chọn lọc hơn. Theo đó, nhiều nhà đầu tư ngoại không còn “tham” về room sở hữu nữa, mà chú trọng các ngân hàng chất lượng tài sản tốt, bộ máy lãnh đạo quản trị tốt và có khả năng sinh lời tốt.

Vietcombank bất ngờ trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank

Với việc mua vào 78,79 triệu cổ phiếu EIB (tương ứng 4,51% vốn điều lệ), Vietcombank trở thành cổ đông lớn thứ hai của Eximbank, chỉ sau Gelex. Thương vụ này ước có giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, được cập nhật đến ngày 10/10/2024. 

So với danh sách công bố ngày 13/8, danh sách mới này ghi nhận sự xuất hiện của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB). Với việc mua vào hơn 78,79 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 4,51% vốn. Như vậy, Vietcombank trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank, sau Gelex (nắm 10% vốn). Thời điểm Vietcombank mua 4,51% vốn của Eximbank không được tiết lộ, theo thị giá hiện tại, giá trị thương vụ ước khoảng 1.400 tỷ đồng.

Ngoài hai cổ đông lớn nhất này, Eximbank còn 3 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ là: CTCP chứng khoán VIX, bà Lương Thị Cẩm Tú và bà Lê Thị Mai Loan. 

Vietcombank là ngân hàng thương mại có giá trị vốn hóa và lợi nhuận lớn nhất Việt Nam, đây cũng là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất Việt Nam. Trong khi đó, Eximbank sau khi chia tay đối tác ngoại gắn bó nhiều năm SMBC đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quyết liệt với sự xuất hiện của nhiều cổ đông mới.

Cổ phiếu EIB có chuỗi tăng giá mạnh kể từ ngày 23/9 sau đó bị bán tháo mạnh phiên 14/10. Việc bán tháo diễn ra sau khi xuất hiện thông tin lan truyền trên các hội nhóm chứng khoán về văn bản kiến nghị liên quan đến nhân sự mới của ngân hàng. Những thông tin này đã gây lo lắng cho các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Eximbank đang củng cố bộ máy quản trị với nhiều thay đổi quan trọng.

Mới đây, trên mạng lại phát tán tài liệu liên quan đến Eximbank.  Theo Eximbank, tài liệu lan truyền trên mạng xã hội vừa qua về “Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank” (chỉ có 1 trang đầu và không có chữ ký, không có con dấu), Eximbank khẳng định tài liệu lan truyền trên mạng xã hội nêu trên không phải là văn bản của Ban Kiểm soát Eximbank và không xuất phát từ ngân hàng

Eximbank khẳng định, đây là tài liệu chưa được xác thực, không rõ nguồn gốc. Hiện nay, "Eximbank đang đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh, làm rõ động cơ của hành vi phát tán tài liệu này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, khách hàng, cổ đông và đối tác", Eximbank khẳng định. 

Theo Eximbank, Ngân hàng vẫn đang hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng và đối tác. Các số liệu tài chính của Eximbank luôn được công khai minh bạch và được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn quốc tế. Các chỉ số tài chính quan trọng hiện đang ở mức an toàn cao và ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu về vốn, thanh khoản và hoàn toàn có khả năng chịu đựng trước các rủi ro thị trường. Ngân hàng luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo sự minh bạch trong mọi hoạt động. 

Nguồn tin từ Eximbank cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể, tổng tài sản tăng 11% so với đầu năm, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Tổng huy động tăng 9,1% so với đầu năm; tăng 12.2% so với cùng kỳ. Dư nợ tăng 15,1% so với đầu năm, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đều tăng qua các quý (trong đó lợi nhuận trước thuế quý III tăng 39% so với cùng kỳ).

Ép mua bảo hiểm khi vay vốn: Giám sát chặt các ngân hàng có tỷ lệ tái ký năm thứ hai thấp

Ngân hàng Nhà nước vừa trả lời kiến nghị của cử tri Khánh Hòa về việc thời gian qua người dân bị ép mua các loại bảo hiểm khi đi vay vốn ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể: Khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nghiêm cấm hành vi “đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”; khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nghiêm cấm “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng đã có chế tài xử lý trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi này.

Hiện nay, Bộ tài chính là cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm.  

Về phía ngành Ngân hàng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và đối tượng quản lý, liên quan đến vấn đề này, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên có văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng, theo đó yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp tổ chức tín dụng, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.

Đồng thời, tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh tổ chức tín dụng có tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ hai thấp...

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng vào kế hoạch tiến hành thanh tra  một số ngân hàng thương mại cổ phần.

Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng có trụ sở trên địa bàn, thuộc đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của tNgân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thành phố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; nghiêm túc, khẩn trương xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm qua đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước theo Quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã trao đổi, làm việc và thống nhất thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng…

Dân than khổ vì doanh nghiệp siết chặt mua bán vàng

Hiện nay, người dân muốn mua vàng miếng, vàng nhẫn SJC hầu như chỉ còn cách duy nhất là qua “chợ đen”. Trong khi đó, việc bán vàng cũng không hề dễ dàng, nếu không có hóa đơn.

Nhà vàng khắt khe mua bán, chợ mạng nhộn nhịp 

Khảo sát một loạt cửa hàng vàng tại Hà Nội cuối tuần qua cho thấy, hầu như tất cả cửa hàng vàng đều không còn vàng nhẫn và vàng miếng SJC. Nhân viên cửa hàng vàng DOJI trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết, không chỉ vàng SJC, mà vàng nhẫn của DOJI cũng không còn hàng để bán. Tương tự, nhân viên Bảo Tín Minh Châu cho hay, Công ty không nhận đặt trước vì chưa biết khi nào mới có hàng trở lại.

Trong bối cảnh người dân mua vàng rất khó khăn, BIDV vừa công bố triển khai thêm 6 điểm bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù vậy, theo phản ánh của người dân, việc săn được “slot” mua vàng tại các ngân hàng là rất khó.

“Tôi đã nhiều lần đăng ký vào app của ngân hàng để đăng ký mua vàng, nhưng đều nhận được thông báo hết vàng chỉ sau vài phút mở cửa. Có lần hoàn thành gần bước cuối cùng, thì nhận được thông báo lỗi. Do cần gấp để trả nợ, nên tôi mua vàng trên mạng, chấp nhận giá cao hơn giá niêm yết tại các ngân hàng gần 1 triệu đồng/lượng”, chị Hoàng Minh Phượng (Hà Nội) cho biết.

Đóng cửa cuối tuần qua, giá vàng miếng SJC bán ra tại các ngân hàng Big 4 là 84,5 triệu đồng/lượng, song theo chị Phượng, chị đã phải mua ở “chợ đen” với giá 85,3 triệu đồng/lượng.

Hiện các group mua bán vàng miếng, vàng nhẫn trên mạng hoạt động nhộn nhịp. Theo đó, giá vàng nhẫn, vàng miếng thường được rao bán cao hơn giá bán của các ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 600.000 - 1 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, hầu hết người mua đều đòi hỏi phải có hóa đơn. Ngoài ra, nhiều người cũng rao bán các slot đặt mua vàng hàng ngày.

So với mua vàng, việc bán vàng dễ thở hơn với vàng các thương hiệu lớn. Các cửa hàng như DOJI, SJC, Bảo Tín Minh Châu… đều chấp nhận mua lại vàng miếng, vàng nhẫn SJC không có hóa đơn, nhưng phải sau khi kiểm định chất lượng vàng.

Tuy vậy, riêng với vàng không có thương hiệu và vàng nữ trang, việc bán không dễ. Bà Nguyễn Thị Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mới đây, bà mang một chiếc lắc vàng tuổi đời 30 năm đi bán tại một cửa hàng vàng trên đường Trần Nhân Tông, song bị từ chối vì không có hóa đơn.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM cho biết, lâu nay, các tiệm kinh doanh vàng mua vàng trôi nổi để làm nguyên liệu, nhưng với quy định hiện nay, vàng không có nguồn gốc rõ ràng dễ bị quy vào “vàng lậu”, nên các cửa hàng vàng thường đòi hỏi người bán phải có hóa đơn mới dám mua.

Thị trường vàng vẫn chưa ổn 

Thanh khoản thị trường vàng giảm đột ngột suốt 4 tháng qua, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai bán vàng miếng qua nhóm ngân hàng Big 4 và Công ty SJC. Đồng thời, các cơ quan quản lý tiến hành một loạt giải pháp đồng bộ để siết chặt quản lý thị trường này.

Cụ thể, NHNN yêu cầu các doanh nghiệp và ngân hàng được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi…, gây mất ổn định thị trường vàng.

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của Chính phủ đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của SJC, PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, TPBank và Eximbank. Qua kiểm tra, một số doanh nghiệp bị phạt vì chưa tuân thủ đúng quy định về phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý…

Trước đó, từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý thị trường các địa phương cũng tiến hành thanh tra hàng trăm cơ sở kinh doanh vàng và tiến hành xử phạt, thu giữ nhiều vàng, trang sức không rõ nguồn gốc.

Hoạt động thanh kiểm tra mạnh tay khiến từ đầu năm đến nay, hàng loạt cửa hàng vàng đóng cửa, thậm chí ngay cả SJC cũng thu hẹp hoạt động tại một số địa phương, gây khó khăn cho hoạt động mua bán vàng của người dân.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, các giải pháp quản lý thị trường vàng mà NHNN và các bộ, ngành thực hiện thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả tích cực, song thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, chưa thông suốt.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, sự đóng băng thị trường vàng dẫn tới tình trạng vàng hai giá như hiện nay, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và gây rủi ro cho thị trường. Một khi giá vàng tăng nóng, giá vàng chợ đen quá cao (thực tế đã có thời điểm giá vàng chợ đen cao hơn 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng được niêm yết tại SJC) có thể dẫn tới hệ lụy khó lường. Vì vậy, vẫn cần các giải pháp dài hơi cho thị trường vàng.

Đề nghị không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào room tín dụng của các ngân hàng
Để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề nghị giảm thêm lãi suất cho vay, không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư