Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chuyện hai cha con cựu chiến binh xây nghĩa trang liệt sĩ
Quý Hưng - 27/07/2015 10:31
 
Đây là công trình tâm đức có một không hai của cha con cựu chiến binh Đinh Văn Đình. Sau gần 4 năm trùng tu, tân tạo, nghĩa trang liệt sỹ 4 xã Hòa Bình, Đình Phùng, Quang Minh, Quang Bình (huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã được khoác lên tấm áo mới diệu kỳ.

Một gia đình bộ đội Cụ Hồ

Cựu chiến binh, thương binh Đinh Văn Đình quê ở xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Gia đình ông có 3 anh em tham gia quân ngũ chiến đấu trên các chiến trường. Ông Đinh Văn Đình là lính thông tin. Ông có một vinh dự để đời, là một trong 12 chiến sĩ được đi đón Bác Hồ. Sau gần 2 năm chiến đấu giúp bạn Lào, ông được xuất ngũ. Rồi ông lại tái ngũ tham gia làm đường chiến lược suốt từ Bắc vào Nam. Người em trai tiếp là Đinh Văn Đĩnh chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Người lính trinh sát mưu trí dũng cảm Đinh Văn Đĩnh có những trận đánh không kém trận chiến đấu trên “Đồi không tên” của anh hùng dũng sỹ Bùi Ngọc Đủ. Người em trai tiếp là Đinh Đăng Định – một tay lái  xe quân đội cừ khôi đêm ngày chở hàng ra tiền tuyến. 

Còn Đinh Quốc Vương là con trai thứ hai của cựu chiến binh Đinh văn Đình. Vương chỉ có một ý nguyện tham gia quân ngũ tiếp bước cha anh. Nhưng khổ nỗi, người đèo đẹt chưa nổi 42 kg, nên trượt ngay vòng đầu .

Cuối cùng, Vương đành phải nhờ người quen làm hồ sơ giúp đỡ mới trở thành chiến sỹ hải quân. Cũng như người cha, trong huấn luyện, Vương hoàn thành xuất sắc, được thưởng phép và được đón Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê. 

Vương tiếc là mình không đủ điều kiện để được gắn bó lâu dài với quân đội. 3 năm dãi dầu cùng sóng gió Trường Sa, Vương càng hiểu thêm sự hy sinh cao cả của thế hệ cha chú, cũng như tinh thần vượt qua khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, con sóng của người chiến sỹ hải quân.

Có lẽ, đó là giá trị lớn nhất mà những tháng ngày trong quân ngũ và đã cho Vương và đã tạo cho Vương động lực, sức mạnh vượt qua bao khó khăn thách thức, nhất là với một chàng thanh niên bước vào con đường lập nghiệp kinh doanh từ hai ban tay trắng.

Bắt đầu từ việc đưa người  thân liệt sỹ về

Ngày 10/10/2010, hai cha con ông Đinh Văn Đình đưa người em ruột là liệt sỹ Đinh Đăng Định hy sinh ở đèo Đá Đẽo, xã Hòa Tiến, Minh Hóa, Quảng Bình về nghĩa trang của 4 xã Hòa Bình, Đình Phùng, Quang Minh, Quang Bình, thuộc huyện Kiến Xương, Thái Bình. Thấy cảnh nghĩa trang giữa mưa nắng lâu ngày tường dậu nứt vỡ, cỏ mọc ngút mộ, ao làng lở đến chân tường…, hai cha con đều cảm thấy xót xa.

.
Cựu chiến binh Đinh Văn Đình cùng con trai Đinh Quốc Vương (người bế cháu nhỏ)

Ý định công đức tu sửa lại nghĩa trang chợt đến và Vương liền bày tỏ với người cha. Ông  Đình không một giây chần chừ, đồng ý ngay.

Đồng ý rồi, con đi rồi, đêm nằm, ông mới cồn cào lo lắng. Một cá nhân đứng ra nâng cấp sửa chữa một nghĩa trang liệt sỹ, hơn nữa đây lại là nghĩa trang của 4 xã với hàng trăm gia đình thân nhân liệt sỹ không hề đơn giản. Hay việc trông nom quản lý công trình, tuổi ông đã cao, nhà lại xa nghĩa trang... Tuy vậy, những việc này ông có thể thay con được. Nhưng còn tiền bạc thế nào…

Qua thực địa, ông cùng con trai Vương đã liệt kê những hạng mục của nghĩa trang phải sửa chữa, nâng cấp: nâng cao mặt sân rồi lát gạch; xây bệ và lát gạch xung quanh đài Tổ quốc ghi công; xây cổng mới cùng hệ thống tường bao quanh; kè ao, đổ cát, làm con đường trước nghĩa trang; lắp hệ thống điện bảo vệ, điện trang trí... gần như là xây mới lại, nên sơ sơ cũng phải tới 600 triệu đồng.

Ông Đình đem trăn trở này  trao đổi với con trai. Lắng nghe lo lắng của bố, Đinh Quốc Vương bộc bạch: “Nhiều tiền thì mình sẽ làm dần, có đến đâu làm đến đó, 1 năm, 2 năm, 3 năm. Con sẽ cố gắng dành dụm để cùng bố hoàn thành công trình tâm linh này”.

Thực hiện tâm nguyện này, cuối năm 2011, ông Đình cùng con trai bắt đầu thực hiện giai đoạn 1: cắt cỏ, nâng cốt và đổ bê tông bề mặt nghĩa trang, xây dựng bệ tượng đài liệt sỹ, đặt lọ hoa tất cả 108 mộ liệt sỹ. Mới xong ngần ấy công việc, gương mặt nghĩa trang và phần mộ các liệt sỹ đã khang trang, sáng sủa hẳn lên.

Năm 2012, hai cha con tiếp tục thực hiện “Giai đoạn 2” tát ao, kè ao, bơm cát làm con đường rộng 4 m chạy dài trước mặt nghĩa trang. Vương kể, đây là công việc rất phức tạp, đòi hỏi quyết tâm lớn và cuối cùng đã hoàn thành.

Tháng 3/2014, hai cha con thực hiện “Giai đoạn 3” tổng lực, hoàn thành các hạng mục công trình chính như lát gạch đỏ Giếng Đáy toàn bộ mặt sân quanh các phần mộ liệt sỹ; đổ bê tông con đường phía trước nghĩa trang; xây cổng và gần 250 m tường bao quanh cùng 32 cột đèn; dựng cột cờ, đặt lư hương, bàn thờ đá. Và cuối cùng là lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng cũng như điện trang trí. Và tin vui đã đến, công trình đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2014. 

Hai cha con ông Đình xác định: “Công trình nâng cấp, tân tạo nghĩa trang liệt sỹ giống như việc xây nhà mới, xây mồ mả cho người thân, nên phải được tổ chức khánh thành trang trọng, chu đáo, đúng với văn hóa của địa phương”.

Được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền, đoàn thể, người thân, bà con làng xóm, hai cha con ông Đình đã chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ. Ngày thứ nhất, tổ chức lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ. 108 học sinh Trường THCS xã Hòa Bình thắp nến tri ân. Hàng ngàn thân nhân liệt sỹ, đại diện chính quyền, đoàn thể của huyện, của 4 xã, các tăng ni phật tử và nhân dân trong vùng tới dự. Ngay thứ hai là lễ cắt băng khánh thành và liên biểu diễn văn nghệ. Đoàn văn nghệ của cựu chiến binh, đoàn ca múa của tỉnh, đội kèn đồng trong vùng mang những bản nhạc, những bài ca về người chiến sỹ, về quê hương đất nước tới  phục vụ. Bữa cơm liên hoan ấm tình người được đông đảo thân nhân các liệt sỹ, các cấp chính quyền đoàn thể 4 xã và nhân dân trong xóm làng về dự đông vui như một ngày lễ hội.

Những câu chuyện cảm động

Hiểu vị trí quan trọng của chiếc cổng, nên trước khi xây, ông Đình cùng con trai đã đi hàng mấy trăm cây số, đến thăm nhiều nghĩa trang của các tỉnh để lấy ý tưởng.

Trong gần 4 năm với 3 đợt sửa chữa, tân tạo, xây dựng lại nghĩa trang liệt sỹ giữa cánh đồng, có đợt dài tới hơn 2 tháng, biết bao khó khăn vất vả, nhưng hai cha con (một là thương binh tuổi 80, một đang bươn trải kinh doanh) đã không quản nắng mưa, đêm sớm chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện.

Trong cả 3 đợt xây dựng, buổi sáng Vương đưa con đến trường rồi  tự lái xe từ Hà Nội về, chiều tối lại lên Hà Nội. Công việc kinh doanh chỉ đạo qua email, điện thoại và giao cho các cộng sự, Vương cho biết: “Hơn 2 tháng trong đợt xây dựng lần 3, riêng một chiếc ô tô của Vương đã đi hơn 5.000 km từ Hà Nội - Thái Bình”.

Một sự việc nữa cũng thật cảm động là, vừa khởi công xây cổng nghĩa trang, thì người con trai cả của ông Đình, anh trai của Vương bị u não. Ông Đình cùng con trai Vương một mặt tập trung cứu chữa cho người thân, một mặt tiếp tục chỉ đạo, động viên đội ngũ thợ đẩy nhanh tiến độ công trình.

Tôi còn được một thân nhân liệt sỹ kể lại một việc làm cảm động nữa của cha con cựu chiến binh Đình. Trong lễ cầu siêu, hai cha con ông đã sắm cho 108 liệt sỹ, mỗi người 3 bộ quân phục theo phong tục dân gian cùng đầy đủ trang thiết bị của người lính. Riêng 3 liệt sỹ nữ, mỗi người còn có thêm 3 bộ quần áo thường. Trong 3 tháng 10 ngày sau khi khánh thành, các ngày Rằm, mồng Một, hai cha con đều ra thắp hương, dâng hoa các liệt sỹ theo đúng phong tục của cha ông.

Xây cho đẹp nơi yên nghỉ của các liệt sỹ

Tôi đã có những cuộc trò chuyện với thân nhân liệt sỹ, ai cũng cảm kích và trân trọng việc làm của hai cha con ông Đình. Một thân nhân đã khóc và nói: “Sao gia đình ông ấy tốt, chu đáo thế”. Gia đình chúng tôi rất vui mừng, vì từ nay, người thân của chúng tôi đã được ở trong “ngôi nhà mới” khang trang, sạch sẽ, cây xanh, điện sáng. Có một vị tướng cảm nhận: "Tôi chưa thấy một nghĩa trang nào đẹp như nghĩa trang này”. Còn người dân trong vùng, đều tấm tắc khen: “Nghĩa trang mà sạch đẹp hơn cả công viên”. Nhất là vào các buổi tối, khi hệ thống đèn chiếu sáng và đổi màu bật sáng.       

Một cựu chiến binh phát biểu: “Tiền bạc bỏ ra đã rất quý, nhưng  tâm huyết, tình cảm, công sức của bố con ông Đình càng làm cho bà con kính nể”. Được biết, trong 3 năm, cha con ông Đinh Văn Đình đã dành 670 triệu đồng để trùng tu, tân tạo nghĩa trang này.  

Khi được hỏi về tâm sự của mình, Đinh Quốc Vương bày tỏ: “Các liệt sỹ đã hy sinh, chẳng thể sống lại mà ở trong ngôi nhà đẹp được nữa, nên cha con tôi muốn xây dựng lại cho đẹp nơi yên nghỉ vĩnh hằng của chú tôi cùng các anh hùng liệt sỹ quê nhà”. 

Kình ngư Ánh Viên đi vào lịch sử Quân đội nhân dân VN
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được ghi nhận là Đại úy quân nhân chuyên nghiệp trẻ tuổi nhất (phong hàm lúc 18 tuổi) của Quân đội nhân dân Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư