Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chuyện những nữ biệt động Sài Gòn năm xưa
Gia Huy - 01/05/2016 07:43
 
Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định hoàn thành nhiệm vụ và được giải thể, những chiến sĩ biệt động mỗi người một nơi. 41 năm sau, chúng tôi gặp lại họ, những con người anh hùng năm xưa giờ người còn người mất, nhưng họ vẫn nhớ như in thời kỳ anh hùng của lực lượng mình.

“Dame Hai Phiên”

Đó là tên một bài báo viết về người nữ biệt động Sài Gòn Dung Thị Phiên vào năm 1986, khi bà ra thăm Hà Nội. Bà sinh năm 1940, tại Củ Chi, đồng đội gọi bà là cô hai Phiên.

Từ Sài Gòn, chúng tôi đi theo Quốc lộ 22 về miền đất thép Củ Chi, gặp lại những người nữ biệt động Sài Gòn năm xưa. Lái xe cũng là con của một nữ biệt động. Anh nói với chúng tôi, đây là con đường vận chuyển vũ khí, tiền bạc mà mẹ anh cùng các đồng đội đi năm xưa.

Nữ biệt động thành Ngọc Huệ và hai Phiên (bên phải ảnh)
Nữ biệt động thành Ngọc Huệ và hai Phiên (bên phải ảnh)

Nhà cô hai Phiên ở xã Thác Mỹ. Cô kể, năm 1963, khi cô mới 23 tuổi, chồng đã hy sinh, cô nối chí chồng tham gia cách mạng, làm giao liên và trinh sát ở Đoàn A20, do ông hai Trí làm đội trưởng, dù lúc này hai đứa con của cô còn quá nhỏ. Cô đã cùng gia đình vận chuyển vũ khí để đánh trận tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968).

“Ông hai Trí giao nhiệm vụ cho gia đình tôi đi mua cây về cắt ra thành từng khúc, sau đó những người em tôi chẻ làm đôi, đục hết lõi ra và bỏ đạn B40, thuốc nổ… vào trong. Sau đó cha tôi ghép lại cẩn thận và bỏ xuống bùn vùi cho đen khúc cây để không bị địch phát hiện. Khi đã đủ số lượng vũ khí cần thiết, cha tôi cho chất củi lên xe bò đi ra đường tỉnh lộ 7, nơi có xe của chú Năm Lai (tức Mai Hồng Quế, là một tình báo lúc bấy giờ làm nội thất trong Dinh Độc Lập) đợi sẵn nhận vũ khí”, cô hai Phiên kể.

Sang năm 1969, cô hai Phiên chủ yếu vận chuyển vàng qua Campuchia để đổi ra đô la xanh và đưa về Củ Chi. Cô gói vàng vào những đòn bánh tét, rồi bỏ vào quang gánh, đem sang Campuchia.

Khi đã đổi được đô la, cô bỏ vào đáy thúng rồi trải lá chuối và mắm bên trên. Mỗi lần vận chuyển khoảng 20 lượng vàng, có nhiều đợt vận chuyển từ Củ Chi lên Trảng Bàng (Tây Ninh), cô đi bằng xe lam qua chợ Dầu tới đất Miên, còn lúc vào lại Sài Gòn có khi đi xe đò hoặc xe thồ.

Nữ biệt động thành hai Phiên bên những tấm ảnh đồng đội năm xưa và bằng khen chiến công của đơn vị.
Nữ biệt động thành hai Phiên bên những tấm ảnh đồng đội năm xưa và bằng khen chiến công của đơn vị.

“Hồi đó 45 đồng tiền Việt đổi được 100 USD. Mỗi tháng tôi đi từ 3 tới 4 lần. Cuối năm 1970, lúc mà Campuchia đang đánh nhau ác liệt, việc đi lại rất khó khăn vì một bên là lính quốc gia, một bên là lính của Campuchia nên việc kiểm soát giấy tờ căn cước chúng làm rất gắt gao. Phải bày mưu mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tôi hay nhặt lại những tờ giấy mà bọn chiêu hồi rải khắp đường, lúc tới cửa khẩu lính gác hỏi, tôi nói qua thăm chồng, muốn kêu chồng tôi về và đưa cho họ giấy kêu gọi chiêu hồi”, cô hai Phiên kể.

“Chúng hỏi bao giờ về, tôi nói,  nếu qua gặp được thì 3 hay 4 ngày về, nếu không gặp thì đợi khi nào tôi gặp được chồng tôi mới về. Về sau, thấy tôi đi nhiều, chúng cũng thắc mắc, tôi nói nhà nước có lệnh khoan hồng thì tôi phải qua kêu gọi chồng về bằng được”, cô Hai hồi tưởng thời ác liệt nhưng hào hùng nhất ấy.

Lần cuối cùng, cô vận chuyển tiền đô la xanh về vào năm 1970, với số lượng 400 USD, trên đường đi mới giao được 80 USD, còn hơn 300 USD giao ở điểm thứ 2 thì bị bắt, do địch đã nhặt được tờ biên nhận tiền bị mất của cô trên đường đi. Sau đó, chúng bắt giam cô 18 tháng.

Trong tù, chúng dùng nhục hình ép cung. Dù đau đớn, nhưng cô chỉ khai là qua thăm chồng. “Không những bắt tôi, mà chúng bắt cả hai đứa con tôi. Đứa con gái lớn của tôi lúc đó 11 tuổi, bị chúng đánh, bóp cổ ra máu họng, còn thằng con trai thì còn nhỏ, mới 9 tuổi nên chúng đánh ít hơn. Sau khi được thả về nhà, mẹ tôi quỳ lạy, than khóc, xin tôi đừng đi làm việc đó nữa, vì từ cha tôi tới các anh em đều đi theo cách mạng. Nhà cũng đã có hai người em hy sinh rồi. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm, tôi gửi con cho bà ngoại, hàng xóm rồi tiếp tục hoạt động”, cô hai Phiên nhớ lại.

Cô giao liên tên Ngọc Huệ

Cô có tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Huệ, sinh năm 1946, tham gia các mạng năm 1958 và vào bộ đội năm 1964.

Trí nhớ của cô đã giảm nhiều vì những trận đòn đau đớn của giặc năm xưa. Nhớ lại hồi mới tham gia cách mạng, cô làm giao liên, nhiệm vụ là đưa thư ở căn cứ Hố Bò, đôi khi là giao qua tới bên Miên để chuẩn bị đánh trận Mậu Thân. Cũng có lúc, cô được điều động để vận chuyển vũ khí như súng AK, lựu đạn, thuốc nổ TNT…

“Có hôm vận chuyển vũ khí, thấy tình hình yên tĩnh có thể tiến hành được, tôi cho xe bò chuyển vũ khí ra. Khi vừa đánh xe bò ra tới ngã ba thì lính ở đâu ập tới quá trời. Chúng hỏi cái gì đấy em gái, tôi nhanh nhảu nói nhà có bộ ván gỗ quý, mà để trong ấp sợ pháo bắn phải cháy uổng, thành ra tôi cho đem qua gửi bên nhà ngoại ở trong Sài Gòn. Các anh giúp em khênh qua xe ô tô chở vào Sài Gòn với, em biết ơn. Nghe vậy, chúng chẳng mảy may nghi ngờ mà còn giúp tôi khênh gỗ từ xe bò qua xe tải của ông Ba Bảo”, cô Ngọc Huệ nhớ lại.

Ngoài vận chuyển vũ khí, cô Huệ còn nhận nhiệm vụ chuyển tiền cho đồng chí Năm Lai. Khi ông bận công việc tại Dinh Độc Lập thì sẽ gọi cô vào lấy. Cũng có hôm, cô đi cùng ông để chuyển tiền từ Sài Gòn ra vùng giải phóng Hố Bò, Gò Nổi. Cô Huệ kể, tiền được chuyển toàn là đô la xanh và được chuyển cho ông Ba Đen tại căn cứ ở Củ Chi hoặc chuyển qua Campuchia.

Trong một lần đi trinh sát tại Trường đua Phú Thọ để chuẩn bị cho trận đánh lớn ở đây, cô cùng một nữ biệt động khác (chị Ba) chuẩn bị vào nhà để nghỉ, thì bên ngoài lính đã phục sẵn. Hai ba thằng giặc hung hãn đi qua, đi lại cứ nhòm vào cửa. Thấy kỳ cục, cô Ngọc Huệ thắc mắc hỏi, sao lính đi qua cứ nhòm vào nhà mình hoài vậy. Chị Ba trả lời, không sao đâu em, nó đi coi nhà ai có con trai tối sẽ tới bắt đi quân dịch.

“Khi chị Ba mới nói xong, quân giặc ập vào. Chúng lập tức còng tay chúng tôi rồi áp tải vào trại giam, nhưng sau thì giam mỗi người một phòng. Lúc đó, chị Ba trấn tĩnh, khuyên tôi ráng cắn răng chịu đựng, không được khai nghe em. Ngay sau đó, một tốp lính 5 thằng vác đám vũ khí của đội tôi vận chuyển vất trước mặt rồi cho biết, có một nữ biệt động bị bắt khác đã khai hết 7 cơ sở. Chúng tôi bị bỏ tù 3 tháng, bị đánh đập tàn bạo, nhưng nhớ nhất những lần bị chích điện lên người, thật đau đớn. Chúng còn đưa một tên chiêu hồi đi coi nhận mặt tù nhân. Tôi lo lắm, vì trong căn cứ nó biết mặt tôi. Anh em tù bảo nhau, nếu thấy thằng chiêu hồi, cứ lánh đi, không tránh được thì đánh thẳng mặt nó, mắng lớn “mày bị đánh nhiều quá khai tầm bậy hả?”.

Sau hơn 3 tháng giam cầm, cô Huệ được thả ra. Nhưng địch vẫn nghi ngờ, chúng cho một tên đảo ngũ đứng ở cửa phòng giam quan sát. Nếu không thấy quen biết nó mới thả, cô Huệ nhớ lại.

Thời gian sau đó, cô Huệ được đi học 6 tháng y tá và chính trị để lánh mặt giặc, rồi về hoạt động bình thường. Cô kể, có lần vác quả pháo cối nặng trĩu chạy trong rừng tràm, trong khi trên đầu máy bay địch bắn pháo sáng loạn xạ. Cô phải chạy liên tục, tới khi quá sức đành vất quả đạn lại để chạy. Khi gặp đơn vị, hai người đồng đội của cô là đồng chí ba Hải và ba Tâm hỏi quả đạn đâu, cô mới định thần lại. Thế là cả 3 người liền quay lại rừng tràm để tìm quả pháo cối, quyết không để mất vũ khí.

Sau chiến tranh, những người nữ biệt động giải ngũ, trở về với công việc làm ăn mưu sinh, chiến công năm xưa đã lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, nữ chiến sĩ biệt động Ngọc Huệ và cô hai Phiên vẫn đang phải bươn chải để lo cho cuộc sống thường ngày.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn chiến lược của Đảng
() Cách đây 39 năm, với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư