Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn chiến lược của Đảng
Lê Quang - 30/04/2014 10:02
 
() Cách đây 39 năm, với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sức sống thanh xuân của Đảng, nhìn từ mùa Xuân đầu tiên
Đòn đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ

Thắng lợi oanh liệt đó đã tạo bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH.

  Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn chiến lược của Đảng, 30/4/1975, 39 năm giải phóng miền Nam  
  Đường lối độc lập, tự chủ, mềm dẻo của Đảng và Bác cũng phản ánh đúng đắn nguyện vọng, ý chí quyết tâm của người dân Việt Nam  

Một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là bài học sâu sắc nhất được rút ra từ chiến thắng vĩ đại của dân tộc, đó là bài học về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng trong đấu 0tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài học này vẫn còn nóng hổi, mang ý nghĩa thời đại.

Trước hết, Đảng ta đã sớm nhận rõ và đánh giá đúng kẻ thù, đưa ra chủ trương, đường lối phù hợp với từng thời điểm lịch sử, lãnh đạo đánh thắng kẻ địch từng bước, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Ngay từ trước khi Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết (tháng 7/1954), tại Hội nghị Trung ương 6 (từ ngày 15 đến 18/7/1954), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: Đế quốc Mỹ là trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở bán đảo Đông Dương và đang trở thành kẻ thù trực tiếp của nhân dân Đông Dương, nhân dân Việt Nam.

Thực tiễn trên chiến trường đã chứng minh, nhận định đó hoàn toàn chính xác. Mỹ đã sớm bộc lộ rõ dã tâm của chúng là biến miền Bắc Việt Nam cũng như Đông Dương thành bàn đạp mở rộng chiến tranh xâm lược. Thực hiện dã tâm đó, Mỹ đã hất cẳng Pháp khỏi miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và tiến hành nhiều chiến dịch “tố Cộng, diệt Cộng”, đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam; từ chối Hiệp thương Tổng tuyển cử theo quy định của Hiệp định Genève và công khai hô hào “lấp sông Bến Hải” để “Bắc tiến”.

Trong bối cảnh phức tạp đó, tại Hội nghị Trung ương 15 (năm 1959), Đảng ta chỉ rõ: Mỹ - Diệm chẳng những là kẻ thù của nhân dân miền Nam đang bị chúng trực tiếp đàn áp, thống trị, mà còn là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam, của nhân dân miền Bắc đã được giải phóng.

Tại Đại hội III của Đảng (tháng 9/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ – Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon, ngủ yên.

Với nhận định chính xác đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương, quyết sách phù hợp đối với từng thời điểm lịch sử, đánh thắng địch từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trong câu thơ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Quân và dân ta đã lần lượt đập tan các chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy, hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 – 1967 ở miền Nam; đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đặc biệt là trận “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt trên bầu trời Thủ đô.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1/1973), Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam, nhưng vẫn giữ vai trò tiếp sức, hà hơi cho quân Ngụy. Nhận định đã đến lúc “đánh cho Ngụy nhào”, Đảng đã ra Nghị quyết số 21 (tháng 7/1973) chỉ đạo cách mạng miền Nam kiên quyết phản công, giữ vững vùng giải phóng, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ và đón thời cơ để tiến lên giành thắng lợi quyết định bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mở đầu là trận then chốt Buôn Ma Thuột và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi hoàn toàn.

Thứ hai, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ xây dựng hậu phương lớn miền Bắc và đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đây là mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ mang tính chiến lược của cuộc Kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Với thực lực của Cách mạng, của quân đội, chỉ có vừa xây dựng tiềm lực, vừa chiến đấu thì quân và dân ta mới đủ sức chống lại kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần về mọi mặt. Chính vì thế, từ tháng 7/1954, Đảng ta đã xác định phải xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Tại Hội nghị Trung ương 7 (tháng 3/1955), nhiệm vụ cách mạng của hai miền được xác định rõ hơn, trong đó miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Đến Đại hội III (tháng 9/1960), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà”; “đồng bào ta ở miền Nam có nhiệm vụ trực tiếp đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng để giải phóng miền Nam”.

Miền Nam ruột thịt, với vị trí là tiền tuyến lớn, trực tiếp đương đầu với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã nhận được sự chi viện không ngừng nghỉ sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc.

Nhận ra nguồn sức mạnh đó, Đế quốc Mỹ đã nhiều lần tìm cách phá hoại miền Bắc, hòng đập tan, cắt đứt mối liên hệ đó với các đợt ném bom, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, tuyên bố đưa Hà Nội “trở lại thời kỳ đồ đá”. Nhưng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc vừa lao động sản xuất, xây dựng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục chi viện cho miền Nam ruột thịt, vừa chiến đấu anh dũng, đánh bại âm mưu của kẻ thũ.

Thứ ba, Đảng ta luôn giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, thực hiện đường lối đối ngoại mềm dẻo, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Đây là một trong những bài học lớn về sự lãnh đạo của Đảng, góp phần đưa tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Nhìn lại lịch sử, có thể nói, cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp. Nhìn về tương quan, kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn chúng ta mọi mặt, từ tiềm lực kinh tế, sức mạnh kỹ thuật, quân sự, với vị thế của một đế quốc – cường quốc hàng đầu thế giới.

Với vị thế đó, Mỹ đã lôi kéo, gây sức ép với nhiều bên, thực hiện bằng được âm mưu chiếm miền Nam, tiến tới xâm chiếm cả nước ta; thực hiện chia rẽ Bắc - Nam và chia rẽ các nước XHCN. Do đó, không quá khi nói rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đã trở thành cuộc đối đầu giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng.

Trong cuộc đối đầu ấy, nếu Đảng ta không nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong việc hoạch định đường lối kháng chiến, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế thì khó có thể đứng vững và tiến tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh ấy.

Đường lối ấy thể hiện ở chỗ, một mặt, chúng ta tập trung phát triển tiềm lực của mình; mặt khác, thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, mềm dẻo, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ và đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của hai nước Lào, Campuchia, sự giúp đỡ quý báu của các nước XHCN, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, Cuba...

Đường lối độc lập, tự chủ, mềm dẻo này cũng phản ánh đúng đắn nguyện vọng và ý chí quyết tâm của nhân dân ta, dân tộc ta, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, con người Việt Nam và xu thế tiến bộ của nhân loại, tạo sự đoàn kết nhất trí, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư