Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuyện "tế nhị": Lương thưởng mùa đại hội
NQS (Tinnhanhchungkhoan.vn) - 04/04/2016 10:26
 
Lương thưởng là động lực nhưng cũng là vấn đề "tế nhị" khi Hội đồng quản trị (HĐQT) “bị” đem ra diễn đàn, các cổ đông mổ xẻ và phán xét cao, thấp.
.
Có vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ với cổ đông rằng, họ phải dùng nhiều phần trong thù lao, lương thưởng chi trả cho các quan hệ đối ngoại - các khoản chi “không nói nên lời”

Năm nay, chuyện thù lao, lương thưởng dường như không căng thẳng như nhiều năm trước, nhưng đâu đó vẫn đầy băn khoăn của cổ đông với lãnh đạo doanh nghiệp - xuất phát từ mối quan hệ lợi ích ông chủ - người làm thuê.

Tại ĐHCĐ mới đây, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đề xuất mức chi trả thù lao cho HĐQT là 1% lợi nhuận, tương đương với 35 tỷ đồng,  nhưng một số cổ đông đã phản ứng khi cho rằng, mức chi này cao hơn so với mặt bằng chung. Một số cổ đông khác chia sẻ với ban lãnh đạo khi cho rằng, hãy nhìn vào con số lợi nhuận 3.500 tỷ đồng HPG đạt được trong năm 2015 sẽ thấy, nỗ lực của người cầm lái rất lớn. Xét ở khía cạnh HPG là một trong số rất ít doanh nghiệp Việt Nam lãi lớn năm 2015, rõ ràng, HĐQT và Ban điều hành xứng đáng nhận thù lao, phần thưởng lớn.

Câu chuyện tại HPG dường như có những điểm tương tự câu chuyện tại ĐHCĐ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) nhiều năm trước, khi Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức nhận mức lương thưởng và thù lao cao nhất: gần 4,2 tỷ đồng trong năm 2013. Nhiều cổ đông đã “giật mình” khi nhẩm tính Chủ tịch HAG nhận khoảng 350 triệu đồng/tháng. Bên cạnh những đề xuất phải giảm thù lao của Chủ tịch xuống, thì một luồng ý kiến khác cho rằng, so với những gì ông Đức đang làm cho HAG thì khoản thù lao, thưởng mà ông nhận vẫn… nhỏ.

Tại nhiều đại hội, chuyện thù lao, lương thưởng không kém phần bi hài. Để cổ đông thông qua mức thù lao, có vị lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết đã phải “nói thật” rằng: khoản đó không phải “vào túi” riêng các thành viên HĐQT, mà đó chỉ là “túi tạm”, vì họ phải dùng nhiều phần trong đó chi trả cho các quan hệ đối ngoại vì doanh nghiệp và các khoản chi “không nói nên lời” khác.

Điểm mới của mùa đại hội năm nay là mức 1% tính trên lợi nhuận doanh nghiệp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm “mẫu” để định hình thù lao, thưởng cho HĐQT. CTCP Nhựa Tiền Phong vừa thông qua mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát năm 2015 là 3,5 tỷ đồng, tức khoảng 1% lợi nhuận (năm 2015, NTP lãi 366,5 tỷ đồng). Năm 2016, Nhựa Tiền Phong dự kiến mức thù lao 3,5 tỷ đồng, tương đương 1% lợi nhuận.

Dù chưa tổ chức ĐHCĐ nhưng một số doanh nghiệp như CTCP dược phẩm Imexpharm (IMP), CTCP Tasco (HUT)  cho biết sẽ trình Đại hội thông qua mức thù lao, thưởng cho HĐQT theo tỷ lệ khoảng 1% lợi nhuận của công ty…

Thực tế cho thấy, để chèo lái doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch hàng năm là áp lực lớn đối với người lãnh đạo, lại càng nặng nề hơn đối với các công ty niêm yết, với hiệu quả phải minh bạch bằng con số hàng tháng, hàng quý. Vì thế, bên cạnh việc chỉ quan tâm đánh giá đến thù lao - như một khoản chi phí các cổ đông - “ông chủ” phải trả cho người làm thuê - người lãnh đạo doanh nghiệp, thì cổ đông nên có cái nhìn rộng hơn về giá trị mà “người làm thuê” tạo ra cho doanh nghiệp, hiện tại và tương lai.

Người chèo lái doanh nghiệp xứng đáng nhận phần thưởng lớn nếu doanh nghiệp đạt kết quả tốt. Ngược lại, họ xứng đáng bị thay thế, chứ không phải trả thù lao thấp, nếu doanh nghiệp kém hiệu quả hoặc lỗ vốn, gây mất mát cho cổ đông.

Những cổ phiếu nào sắp chốt danh sách chia cổ tức cao?
Mùa ĐHCĐ 2016 đang diễn ra và những DN có chính sách chi trả cổ tức cao vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm, thu hút mạnh dòng tiền đầu tư.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư