Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Cisco tham vọng dẫn đầu xu hướng 4.0 trên đất Việt
Thành Vân - 12/02/2018 06:34
 
Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng bền vững đối với Cisco Việt Nam với mức độ tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây. Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam chia sẻ về tầm nhìn và kế hoạch phát triển của Công ty trong thời đại công nghiệp 4.0.

Thị trường IoT Việt Nam đang phát triển nhanh nhờ mức thu nhập khả dụng và nhu cầu về giải pháp thông minh phục vụ cuộc sống ngày càng cao. Cisco được hưởng lợi gì từ điều này?

Internet vạn vật (Internet of Things) được xem là một lĩnh vực tăng trưởng trên toàn cầu và Việt Nam cũng nằm trong xu thế này. Theo một khảo sát gần đây, hơn 70% các tổ chức tại Việt Nam đang nghiên cứu phương thức áp dụng IoT một cách hiệu quả. Đa số tổ chức đều đồng ý rằng, áp dụng IoT có thể giúp họ cải thiện năng suất, giảm chi phí hoạt động về dài hạn và xây dựng mối quan hệ với khách hàng tốt hơn. Vì vậy, lĩnh vực này chắc chắn sẽ có những bước tăng trưởng vượt bậc tại Việt Nam.

.
Các tổ chức nhận thấy việc áp dụng IoT có thể giúp họ cải thiện năng suất, giảm chi phí hoạt động về dài hạn và xây dựng mối quan hệ với khách hàng tốt hơn.

Tuy nhiên, đi kèm với IoT, nguy cơ về an ninh mạng cũng tăng lên, đặc biệt khi các điểm cuối của mạng IoT thường là các thiết bị đơn giản, khiến các thiết bị này trở thành mục tiêu hấp dẫn của tin tặc. Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề này. Việt Nam đứng thứ năm trong số các quốc gia hàng đầu trên thế giới phải hứng chịu các cuộc tấn công vào thiết bị IoT từ năm 2016.

Là công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực mạng và các giải pháp bảo mật đầu cuối, Cisco có thể cung cấp những giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp, không chỉ liên kết nhiều thiết bị khác nhau, mà còn đảm bảo độ an toàn và bảo mật của mạng khi kết nối tất cả thiết bị.

Bà kỳ vọng thế nào về các xu hướng thị trường thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở Việt Nam năm 2018?

Chuyển đổi kỹ thuật số đang thay đổi các tổ chức theo cách thức mà ranh giới giữa thế giới thực và thế giới số đang dần mờ đi. Để việc chuyển đổi diễn ra thành công, các tổ chức cần tập trung phát triển 3 khả năng cốt lõi. Đầu tiên là khả năng chuyển đổi quy trình và mô hình kinh doanh một cách toàn diện và căn bản. Khả năng thứ hai là gia tăng trải nghiệm của khách hàng bằng cách cá nhân hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Khả năng thứ ba có tầm quan trọng không kém, đó chính là việc trao quyền lực và nâng cấp lực lượng lao động kỹ thuật số nhằm tăng năng suất và giữ chân nhân tài.

Nhằm hiện thực hóa tầm nhìn này, nhu cầu về các loại hình công nghệ sẽ tăng lên, bao gồm công nghệ IoT, băng thông rộng thế hệ thứ 5 (5G) - cho phép kết nối diễn ra với tốc độ cao hơn và điện toán đám mây vận hành tốt hơn. Tất cả các yếu tố này sẽ được củng cố bởi các cải tiến về mạng không những cho phép máy tính và thiết bị kết nối với nhau, mà còn cho phép các mạng có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm hiểu thêm về nhu cầu của người dùng, xác định các nguy cơ tiềm ẩn và khắc phục trước khi các nguy cơ ảnh hưởng đến người dùng và quan trọng nhất là xác định và ngăn chặn các vụ rò rỉ tiềm ẩn giúp mạng trở nên an toàn.

Việt Nam đã công bố lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện, bao gồm kết nối số hóa các lĩnh vực chủ chốt như dịch vụ công, y tế, giao thông - vận tải, giáo dục và năng lượng. Khi tất cả các lĩnh vực này hướng tới triển khai ứng dụng kỹ thuật số, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của nhiều thành phố thông minh trên khắp cả nước.

Bà có thể chia sẻ về kế hoạch của Cisco nhằm khai thác sự tăng trưởng của thị trường trong năm tới?

Cisco đã triển khai một số dự án chuyển đổi kỹ thuật số hàng đầu tại Việt Nam. Với việc Việt Nam chú trọng ưu tiên ứng dụng kỹ thuật số, chúng tôi tin rằng, nhiều cơ hội mới sẽ đến trong năm tới và giúp Cisco duy trì đà tăng trưởng.

Là một doanh nghiệp, chúng tôi hoạt động với tôn chỉ lấy đối tác làm trung tâm. Chúng tôi tin rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp là góp phần giải quyết các vấn đề lớn mà xã hội đang phải đối mặt. Chúng tôi có một sáng kiến chủ đạo đã được triển khai trong nhiều năm giúp thu hẹp khoảng cách về nguồn nhân lực ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp CNTT có nhu cầu tuyển dụng khoảng 400.000 nhân lực từ năm 2016 đến 2020, trong khi các cơ sở giáo dục đào tạo trên toàn quốc chỉ có thể đáp ứng được khoảng 250.000 người.

Chúng tôi đã khởi xướng Học viện Mạng Cisco (NetAcad) giúp các sinh viên phát triển các nguyên tắc cơ bản và khái niệm về mạng thông qua các hoạt động thực hành hoặc qua mô phỏng để phát triển các kỹ năng thực tế. Kể từ khi được thành lập tại Việt Nam, NetAcad đã có hơn 29.000 sinh viên, góp phần xây dựng lực lượng lao động kỹ thuật số chất lượng tại Việt Nam.

Khi ngày càng nhiều thành phố tại Việt Nam trên đà trở thành thành phố thông minh, làm sao để bà phân tích các cơ hội mời nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án thành phố thông minh tại đây?

Xây dựng thành phố thông minh nghĩa là mọi phương diện của thành phố, từ dịch vụ công đến các lĩnh vực then chốt như y tế, giáo dục, bán lẻ, sản xuất, vận tải, an ninh..., đều được kết nối với nhau trên phương diện kỹ thuật số. Thành phố thông minh cần một mạng hiện đại để có thể kết nối tất cả các lĩnh vực với nhau và đảm bảo việc kết nối được liền mạch. Quan trọng hơn hết, thành phố thông minh cần phải được củng cố bởi các tầng bảo mật khiến cho các tin tặc tiềm ẩn không thể tiếp cận và đảm bảo cho thành phố, người dân, dữ liệu và thông tin cá nhân của họ được an toàn.

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Việt Nam đặt mục tiêu tăng dân số thành thị từ 32,3 triệu lên khoảng 44 triệu vào năm 2020, chiếm 45% tổng dân số cả nước. Đô thị hoá diễn ra nhanh chóng đồng nghĩa với việc các thành phố cần phải theo kịp mức phát triển của hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ thực trạng trên, phát triển đô thị thông minh đã được đề cập trong Chương trình Quốc gia về Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong hoạt động của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2015.

Quyết tâm của Chính phủ và lãnh đạo các thành phố chính là động lực thúc đẩy chúng tôi huy động tối đa nguồn lực, đồng thời kêu gọi các đối tác tham gia các dự án thành phố thông minh tại Việt Nam.

Cisco là một trong những công ty hàng đầu chuyên cung cấp các giải pháp thành phố thông minh. Chúng tôi cùng với các đối tác đang làm việc với hơn 120 thành phố trên thế giới nhằm cung cấp các giải pháp và kinh nghiệm tốt nhất trong công tác triển khai xây dựng các thành phố thông minh nhất tại Việt Nam, giúp các thành phố áp dụng công nghệ thông tin như một phương tiện cung cấp các tiện ích cho chính quyền thành phố tích hợp, nâng cao chất lượng sống cho người dân và phục vụ phát triển kinh tế bền vững của thành phố.

Việc Việt Nam tập trung xây dựng các thành phố thông minh trên cả nước cần các nguồn đầu tư vào công nghệ để không chỉ triển khai công nghệ, mà còn đảm bảo các hoạt động diễn ra trôi chảy trong thời gian dài. Cisco đã cam kết với Việt Nam trong nhiều năm qua và đây là cơ hội lớn để chúng tôi củng cố hơn nữa sự hiện diện của chúng tôi tại đây bằng cách đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa các sáng kiến ​​thành phố thông minh.

Start-up IoT: Cơ hội nhiều nhưng cần có vốn
Tại sự kiện Hi-Tech Konec IoT do tiểu ban kết nối đầu tư TECHFEST 2017 vừa tổ chức, với vai trò diễn giả, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư