Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Nền tảng IoT của VNPT thuộc Top 5 Thế giới
Tú Ân - 20/05/2017 07:29
 
Tại cuộc Gặp mặt các nhà khoa học ngành thông tin và truyền thông nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) do Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức, VNPT cho biết sẽ xây dựng nền tảng IoT hoàn toàn mở để phát triển ứng dụng cho Smart city.

"Trong những năm qua, Tập đoàn VNPT đã và đang đẩy mạnh sang lĩnh vực ICT, chuẩn bị nền tảng hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà trụ cột là IoT. Hiện VNPT đã có nền tảng IoT mà theo đánh giá của Intel là thuộc Top 5 thế giới", ông Ngô Hùng Tín, Phó tổng giám đốc VNPT chia sẻ tại cuộc gặp mặt.

Theo ông Tín, VNPT đã nghiên cứu và phát triển nền tảng IoT Smart Connected Platform (SCP). SCP là một nền tảng mở và duy nhất kết nối vạn vật cung cấp dịch vụ End - to - End. Với SCP và bộ giao diện lập trình ứng dụng (API) mở được VNPT Technology cung cấp, các nhà phát triển ứng dụng có thể chủ động phát triển ứng dụng trong mọi lĩnh vực chạy trên các thiết bị đã chứng thực.

“Nền tảng IoT của VNPT hoàn toàn mở, cho phép tất cả những thành viên trong xã hội truy cập vào và có thể phát triển ứng dụng cho smartcity gồm nhiều lĩnh vực như giao thông thông minh, giáo dục thông minh, môi trường thông minh... Trên thực tế smartcity chỉ là ứng dụng của IoT nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đảm bảo phát triển bền vững. Do đó, muốn phát triển thành công smartcity thì đương nhiên phải lấy nền tảng IoT làm nền tảng phát triển”, ông Tín nhấn mạnh.

Hiện nay, xu hướng đô thị hóa trên thế giới đang diễn ra ở tốc độ nhanh và có phạm vi khá rộng lớn. Dự báo đến năm 2050, gần 70% dân số thế giới sẽ sinh sống ở các đô thị. Các đô thị lớn là động lực kinh tế của quốc gia nhưng ngày nay, các đô thị đang tạo ra khoảng 70% lượng khí nhà kính và 60-80% tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Quá trình đô thị hóa gia tăng tạo ra nhiều sức ép về ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực như nước sạch, đất đai, không gian, giao thông, năng lượng…

Ở Việt Nam, các đô thị chỉ chiếm 10% diện tích cả nước nhưng đóng góp tới hơn 70% tổng thu ngân sách toàn quốc, trong đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương chiếm 50% GDP cả nước. Theo xu thế phát triển chung của thế giới, đến nay ở Việt Nam đã có gần 20 tỉnh, thành phố đang khởi động các đề án về đô thị thông minh, trong đó các doanh nghiệp ICT lớn đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác xây dựng đô thị thông minh với các tỉnh, thành phố trải đều từ Bắc vào Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát”.

Tuy nhiên, đây là một vấn đề mới, phức tạp, ngay cả trên thế giới cũng còn đang trong giai đoạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước xây dựng các tiêu chuẩn liên quan, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng chia sẻ tại Hội nghị Khoa học Công nghệ ngành TT&TT năm 2017, chuyên đề ICT trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam diễn ra sáng 18/5.

Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm chia sẻ phương pháp tiếp cận và định hướng của VNPT trong xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm chia sẻ phương pháp tiếp cận và định hướng của VNPT trong xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.


Liên quan tới vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho rằng: “Cách tiếp cận chúng tôi rút ra từ kinh nghiệm trong việc triển khai smartcity cho gần 10 tỉnh thành phố. Từ những kinh nghiệm này, chúng tôi đưa ra khung ứng dụng CNTT cho phát triển đô thị thông minh. Có rất nhiều giải pháp để xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên, những giải pháp này phải được xây dựng trên cơ sở bám vào định hướng phát triển chung của các tỉnh thành, trên cơ sở vấn đề bức thiết trong cuộc sống của người dân để xây dựng các khung ứng dụng tương ứng, đưa ra các giai đoạn phát triển cho phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Đồng thời cần xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông, phân tích dữ liệu lớn để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, cũng như điều hành từ trung ương tới địa phương...”.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng rất quan trọng trong việc xây dựng đô thị thông minh chính là việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Về vấn đề này, ông Ngô Hùng Tín cho rằng, đối với tình hình thực tế của Việt Nam, để phát triển smartcity thành công và đảm bảo an ninh quốc phòng phải sử dụng platform của chính Việt nam.

“Nếu chúng ta sử dụng platform nước ngoài thì tất nhiên phải trả tiền liensce rất đắt và dân sử dụng tất cả các dịch vụ cũng phải trả tiền liensce. Do đó thông qua hội nghị này, tôi hy vọng các nhà khoa học sẽ cùng chung tay xây dựng platform IoT của Việt Nam thành một nền tảng quốc gia cũng như ủng hộ nền tảng IoT của VNPT”, ông Tín nói.

Hiện tại, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về VT-CNTT với 55 tỉnh/thành phố, đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng thành phố Thông minh với 7 tỉnh/thành phố gồm thành phố HCM, thành phố Đà Lạt, Phú Quốc, khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố Buôn Ma Thuột- tỉnh Đắk Lắk, Thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, VNPT cũng đang triển khai tư vấn và tham gia vào việc xây dựng đô thị thông minh của nhiều tỉnh/thành phố khác với các yêu cầu cụ thể như Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Bắc Giang...

VNPT hợp tác với Bình Dương xây dựng smart city
Ngày 4/4, Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Bình Dương đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai Đề án Thành phố thông minh cho tỉnh Bình Dương.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư