Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Cơ cấu lại hàng chục ngàn tỷ đồng gắn với xử lý nợ xấu
Vân Linh - 19/07/2023 08:54
 
Trong bối cảnh thị trường khó khăn khiến sức khỏe của doanh nghiệp yếu đi, ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.

Cơ cấu nợ hàng chục ngàn tỷ đồng

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Argibank, ông Phạm Toàn Vượng, thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, trong nửa đầu năm, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, triển khai các chính sách cơ cấu lại nợ (đến hết tháng 6/2023, đã cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng), hỗ trợ lãi suất (với doanh số cho vay là 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 57,4 tỷ đồng).

Trong khi đó, tại BIDV, đến ngày 30/6, dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là hơn 20.000 tỷ đồng. VietinBank cũng đang trong quá trình tái cơ cấu nợ cho khách hàng, với dư nợ tái cơ cấu đến thời điểm này là hơn chục ngàn tỷ đồng trên tổng dư nợ.

Theo lãnh đạo VietinBank, nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số khách hàng là có, song Ngân hàng cũng có sự chọn lọc. Ngược lại, một số khách hàng cũng thận trọng khi chọn phương án tái cơ cấu nợ, vì lo ngại các thủ tục về sau.

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 5/2023, số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 6.800 tỷ đồng cho khoảng 1.300 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ngành ngân hàng TP.HCM cũng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh sau đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trọng tâm là chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM cũng triển khai thực hiện đề án, phương án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, các quỹ tín dụng nhân dân thuộc trách nhiệm quản lý của NHNN TP.HCM đã xây dựng và thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Nợ xấu tăng, mạnh tay trích dự phòng

Tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 và áp lực gia tăng thời gian tới là rất lớn. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐQT Agribank cho biết, Ngân hàng đang triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Về hoạt động kinh doanh, đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản Agribank đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng; các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định. Agribank tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư cho khu vực “tam nông” chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, việc cơ cấu nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN phải được thực hiện bài bản nhằm tránh dồn nợ xấu cho năm sau. Tính đến hết tháng 6/2023, huy động vốn, tín dụng của Vietcombank tăng trưởng lần lượt 6,6%, 2,6%; đạt quy mô tương ứng 1,3 và 1,2 triệu tỷ đồng; chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu trên 350%.

Cái khó hiện nay là quy định chỉ cơ cấu nợ cho doanh nghiệp có khả năng phục hồi, trong khi nhiều khách hàng mất khả năng trả nợ trước bối cảnh thị trường khó khăn, nên nguy cơ nợ xấu tăng. Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), thời điểm cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,9% từ mức 1,6% cuối 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1%. Tỷ lệ nợ ngoại bảng VAMC ở mức 1,1%. Các ngân hàng tích cực trích lập trước thời hạn cho các khoản nợ xấu tiềm tàng trong các quý trước.

Các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay. Tuy nhiên, hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng và bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích tại VCBS, rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại vào cuối năm 2023, trong năm 2024 và có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu, nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt rủi ro nợ xấu, áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.

Nợ xấu khó bán, tài sản thế chấp có nguy cơ “bốc hơi”
Không chỉ khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, một số ngân hàng đang đứng trước nguy cơ tài sản thế chấp bỗng dưng bốc hơi do khách hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư