Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Ngoại giao có 28 đơn vị
Thanh Huyền - 16/10/2022 18:51
 
Theo Nghị định số 81/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao giảm từ 30 xuống còn 28 đơn vị.
Trụ sở Bộ Ngoại giao
Trụ sở Bộ Ngoại giao

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2022.

Nghị định nêu rõ, Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, theo Nghị định số 81/2022/NĐ-CP, Bộ Ngoại giao giảm từ 30 xuống 28 đơn vị, trong đó Cục Cơ yếu hợp nhất với Trung tâm Thông tin thành Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin; không còn Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao.

Ngoài ra, theo Nghị định số 26/2017/NĐ-CP trước đây, Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng theo quy định tại Nghị định mới, đơn vị này được tổ chức thành Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại và là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Cụ thể, 28 đơn vị gồm:

1. Vụ Châu Âu. 

2. Vụ Châu Mỹ. 

3. Vụ Đông Bắc Á. 

4. Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương. 

5. Vụ Trung Đông - Châu Phi. 

6. Vụ Chính sách đối ngoại. 

7. Vụ Tổng hợp kinh tế

8. Vụ ASEAN. 

9. Vụ các Tổ chức quốc tế. 

10. Vụ Hợp tác kinh tế đa phương. 

11. Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO. 

12. Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế. 

13. Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại. 

14. Vụ Thông tin Báo chí. 

15. Vụ Tổ chức cán bộ. 

16. Văn phòng Bộ. 

17. Thanh tra Bộ. 

18. Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin. 

19. Cục Lãnh sự. 

20. Cục Lễ tân Nhà nước. 

21. Cục Ngoại vụ. 

22. Cục Quản trị Tài vụ. 

23. Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh. 

24. Ủy ban Biên giới quốc gia. 

25. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. 

26. Học viện Ngoại giao. 

27. Báo Thế giới và Việt Nam. 

28. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Các tổ chức quy định từ khoản 1 đến khoản 25 là các tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ khoản 26 đến khoản 27 là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao.

Các tổ chức quy định tại khoản 28 là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý.

Theo Nghị định, Vụ Châu Âu được tổ chức 05 phòng; các Vụ: Tổ chức cán bộ, Luật pháp và Điều ước quốc tế được tổ chức 04 phòng; các Vụ: Châu Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Trung Đông - Châu Phi được tổ chức 03 phòng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia, Học viện Ngoại giao; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc bộ, trừ các tổ chức quy định từ khoản 24 đến khoản 26.

Việt Nam lần thứ hai trúng cử Hội đồng Nhân quyền thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế
Nhân dịp Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư