Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Có CEO mới, Đạm Hà Bắc không dễ thoát khỏi vòng xoáy nợ nần
Thế Hải - 15/10/2019 09:31
 
Động thái bổ nhiệm tổng giám đốc mới trong bối cảnh liên tục thua lỗ và đã âm vốn chủ sở hữu liệu có sớm đưa Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc khỏi vòng xoáy nợ nần?
.
Tổng lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc đến hết ngày 30/6/2019 là 2.876 tỷ đồng, cao hơn 108,6 tỷ đồng so với vốn góp chủ sở hữu.

Gánh nặng dồn vai tân lãnh đạo

“Sức khỏe” tài chính của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc), một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương đang trong tình trạng báo động khẩn do hiệu quả kinh doanh sa sút, liên tục thua lỗ và đã âm vốn chủ sở hữu.

Bởi vậy, trong một động thái mới, HĐQT Đạm Hà Bắc đã bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Ninh, Phó tổng giám đốc giữ chức Tổng giám đốc trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 5/10/2019, nhằm dồn lực đưa doanh nghiệp này vượt khó.

Trước đó, ông Đỗ Doãn Hùng, cựu Tổng giám đốc Đạm Hà Bắc bị miễn nhiệm trước thời hạn từ đầu năm 2019 do những sai phạm trong quá trình triển khai Dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc.

Theo báo cáo hợp nhất bán niên được soát xét của Đạm Hà Bắc, trong nửa đầu năm nay, công ty này đạt doanh thu 1.594 tỷ đồng, tăng 35 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại bị lỗ đến 220,4 tỷ đồng, tăng hơn 30,9% so với mức lỗ của cùng kỳ năm 2018.

Như vậy, tổng lỗ lũy kế của Công ty đến hết ngày 30/6/2019 là 2.876 tỷ đồng, cao hơn 108,6 tỷ đồng so với vốn góp chủ sở hữu. Tổng tài sản sau nửa đầu năm “bốc hơi” gần 224 tỷ đồng so với cùng kỳ, chỉ còn 9.362,18 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh lỗ nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2018 có nhiều nguyên nhân. Cụ thể, theo ban lãnh đạo Đạm Hà Bắc, giá bán các sản phẩm nửa đầu năm 2019 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2018, chưa kể chi phí đầu vào tăng do giá than cám, giá điện đều tăng.

Ngoài ra, Công ty đang gặp khó do chi phí tài chính lớn, đặc biệt từ tháng 1/2019, không được kéo dài thời gian trả nợ, không thể cân đối được tài chính để trả đủ nợ gốc cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nên đang phải chịu lãi phạt quá hạn với lãi suất 18% trên nợ gốc quá hạn.

Dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc chính thức nghiệm thu và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 12/2015 đến nay. Không chỉ liên tục bị thua lỗ, trong quá trình hoạt động, hệ thống thiết bị của Nhà máy đã xảy ra nhiều sự cố, phải ngừng toàn bộ hệ thống, tốn thời gian vận hành và chi phí chạy thử.

Kết quả kinh doanh của Đạm Hà Bắc thua lỗ 3 năm liên tiếp, từ 2016 - 2018, kéo dài sang cả năm 2019 và chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Tương lai mờ mịt

Bước ngoặt đối với Đạm Hà Bắc bắt đầu vào năm 2010, khi Công ty thực hiện đầu tư Dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc từ 180.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm, với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2015, khi dự án này bắt đầu đi vào hoạt động, thì ngành phân bón bước vào giai đoạn bão hòa. Nhu cầu u-rê của Việt Nam chỉ khoảng 2 triệu tấn/năm, trong khi tổng công suất của 4 nhà máy chính trong nước đã lên đến 2,65 triệu tấn/năm.

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành cùng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã kéo giá phân đạm giảm sâu.

Nếu như trước đây, giá phân u-rê lúc đỉnh điểm có thể lên tới 11.000 - 12.000 đồng/kg, thì hiện giá bình quân chỉ vào khoảng 7.400 đồng/kg. Chưa kể, lượng phân bón nhập khẩu 8 tháng năm 2019 đã lên tới 2,8 triệu tấn các loại, trị giá 794 triệu USD, trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm u-rê ước đạt 366.000 tấn với giá trị 102 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 33,9% về giá trị so với cùng kỳ, càng khó cho Đạm Hà Bắc trong cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm. Công ty này thậm chí đã phải giảm giá bán thấp hơn giá sản phẩm nhập khẩu.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đánh giá, gánh nặng lớn nhất của Đạm Hà Bắc hiện là tái cơ cấu các khoản vay. Theo tính toán, năm 2019, tổng chi phí các khoản vay phải trả, lãi phải trả... của Đạm Hà Bắc khoảng 870 tỷ đồng, trên kế hoạch doanh thu khoảng 3.100 tỷ đồng, theo ông Cường, đó là “gánh nặng khủng khiếp”.

Thời gian qua, Đạm Hà Bắc đã nhiều lần lên tiếng cầu cứu Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó, mong muốn Chính phủ có chỉ đạo tác động Ngân hàng Phát triển Việt Nam hỗ trợ cho Công ty được hưởng ưu đãi lãi vay.

Song, trên thực tế, Đạm Hà Bắc có thể có lãi để trả nợ hay không còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực và cả yếu tố thị trường, bởi triển vọng kinh doanh của ngành phân bón được đánh giá là không mấy sáng sủa.

“Trong dài hạn, nhu cầu phân bón vô cơ cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm do xu hướng tăng hữu cơ và giảm vô cơ đang được khuyến khích, các kỹ thuật mới cũng làm giảm lượng phân bón 30 - 40%”, lãnh đạo một công ty phân bón lớn cho biết.

Với thể trạng sức khỏe tài chính bết bát, lỗ lũy kế lên đến gần 2.900 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 9.400 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 109 tỷ đồng và quá nhiều vấn đề tồn tại trong sản xuất, kinh doanh, có thể thấy, tân CEO không dễ dàng vực dậy Đạm Hà Bắc.

Số liệu tổng hợp từ Báo cáo tài chính giai đoạn 2015 - 2019 của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho thấy, vay nợ và thuê tài chính của Công ty luôn duy trì ở mức trên 7.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% trong cơ cấu nguồn vốn. Điều này cũng dễ hiểu, khi hoạt động kinh doanh thua lỗ, Đạm Hà Bắc không thể cân đối được nguồn tiền để giảm bớt nợ ngân hàng.
"Quả đấm thép" một thời Đạm Hà Bắc lỗ khủng hơn 2.330 tỷ đồng
Tính đến hết năm 2017, nợ ngắn hạn của Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 476,7 tỷ đồng, lỗ luỹ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư