Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Có cơ sở giảm thuế TNDN dưới 23%
Mạnh Bôn - 08/04/2013 16:22
 
Tại Phiên họp thứ 17 khai mạc vào ngày mai (9.4.2013), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi. Nhiều khả năng thuế TNDN sẽ được đề xuất giảm xuống dưới 23%.
TIN LIÊN QUAN

Bởi tại Phiên họp thường kỳ tháng 3.2013, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính tính toán phương án tiếp tục giảm TNDN về mức 20%.

files/2013/04/08/co-co-so-giam-thue-tndn-duoi-23-1.jpg

Xu hướng giảm thuế TNDN diễn ra rất mạnh ở khắp các nước trên thế giới.

Ảnh: Đức Thanh

Còn trước đó, tại Phiên họp thứ 16, khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để giải quyết khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phù hợp với xu hướng giảm thuế TNDN trên thế giới cần phải hạ ngay thuế TNDN xuống 20% thay vì mức 23% như đề xuất của Bộ Tài chính.

Theo khảo sát của Bộ Tài chính, trong vòng 5-7 năm trở lại đây, xu hướng giảm thuế TNDN diễn ra rất mạnh ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Cụ thể, nếu như năm 2005, thuế suất thuế TNDN của Anh quốc vẫn ở mức 30%, Nhật Bản là 30%, Hàn Quốc là 25%, Ba Lan là 30% và Czech là 31% thì đến năm 2012, Anh quốc đã cắt giảm thuế TNDN xuống còn 24%, Nhật Bản còn 25,5%, Hàn Quốc 22%, Ba Lan và Czech còn 19%.

Các nền kinh tế trong khu vực cũng thực hiện cắt giảm mạnh thuế TNDN, từ mức từ 30% trở lên xuống còn ở mức tối đa là 20% như Thái Lan cắt giảm từ mức 30% trong năm 2011 xuống 23% vào năm 2012 và 20% vào năm 2013. Singapore và Đài Loan đã áp dụng thuế TNDN 17% từ năm 2010. Trong khi đó, thuế TNDN của Hongkong hiện tại chỉ có 16,5%.

Trước sự cắt giảm mạnh thuế TNDN của nhiều nước trên thế giới để tăng sức cạnh tranh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu thật kỹ vì sao các nước trên thế giới mạnh dạn cắt giảm thuế TNDN, trong khi Việt Nam lại khá dè dặt.

Không chỉ kiến nghị giảm thuế TNDN phổ thông xuống dưới mức 23%, ông Giàu còn đề nghị phải giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) xuống dưới mức 20%.

“Chênh lệch giữa thuế suất phổ thông và thuế áp dụng cho SME tại nhiều nước trên thế giới đều là 5%, thậm chí mức chênh lệch này của Thái Lan lên tới 8%. Còn tại Hàn Quốc, doanh nghiệp có doanh thu đến 20 triệu USD/năm cũng chỉ phải nộp thuế 20%. Vì thế, mức chênh lệch giữa thuế suất phổ thông với thuế ưu đãi cho SME của Việt Nam theo đề xuất của Bộ Tài chính chỉ có 3% và chỉ áp dụng cho doanh nghiệp đáp ứng đồng thời cả 2 điều kiện là sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm (chưa đến 1 triệu USD) là không hợp lý”, ông Giàu lập luận.

Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc tính toán, năm 2003, thuế TNDN giảm từ 32% xuống 28% với tỷ lệ giảm tương đối là 12,5%. Năm 2008, thuế TNDN tiếp tục được giảm xuống 25% với tỷ lệ giảm tương đối là 10,7%. Và đến bây giời, nếu giảm thuế xuống 23% thì tỷ lệ giảm tương đối giảm xuống chỉ còn 9,2%.

Tốc độ giảm thuế đang chậm dần kể cả về số tuyệt đối lẫn tương đối, theo bà Cúc sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tích lũy vốn để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

“Nếu chưa thể giảm ngay thuế TNDN xuống 20% thì trước mắt có thể giảm xuống mức 22% để vừa bảo đảm giảm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp, thu ngân sách cũng không quá căng thẳng (ngân sách chỉ giảm thêm 6.000 tỷ đồng/năm) đồng thời bảo đảm được tốc độ giảm thuế tương đối và tuyệt đối bằng những lần giảm thuế trước đây (giảm tương đối 12% và giảm tuyệt đối 3 điểm phần trăm: từ 25% xuống còn 22%)”, bà Cúc đề xuất.

Bà Cúc cũng đề xuất giảm thuế mạnh hơn nữa đối với SME. Bởi hiện tại, khu vực này chịu thuế 25% nhưng trong nhiều năm gần đây, năm nào Quốc hội cũng giảm 30% thuế TNDN phải nộp nên trên thực tế khu vực SME chỉ còn phải chịu thuế 17,5%.

“Ngoài ra có thể thực hiện phương án giảm thuế TNDN xuống khoảng 20 - 22% và áp dụng chung cho SME. Đồng thời, để hỗ trợ cho SME, tùy thuộc vào tình hình thực tế, Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế cho đối tượng này”, bà Cúc đề xuất thêm phương án.

Quan điểm giảm thuế suất thuế TNDN xuống dưới mức 23% cũng nhận được sự ủng hộ của đại diện hội doanh nghiệp của nhiều địa phương.

Theo ông Đường Trọng Khang, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, trong lúc doanh nghiệp, đặc biệt là SME đang gặp rất nhiều khó khăn, trong giai đoạn 2014 - 2019 nên giảm thuế TNDN phổ thông xuống mức 20% và áp thuế 17% đối với SME.

Trong khi đó, Tổng thư ký Hội doanh nghiệp Gia Lai, ông Nguyễn Tuấn đề xuất, nên mở rộng tiêu chí đối SME. Cụ thể, tiêu chí sử dụng dưới 200 lao động và có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm được coi là SME được hưởng thuế suất ưu đãi thay bằng tiêu chí sử dụng dưới 300 lao động và có doanh thu không quá 100 tỷ đồng/năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư