Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cố cứu WeWork, SoftBank có thể mất cả chì lẫn chài
 
SoftBank Group Corp đã chấp nhận chi 9,5 tỷ USD để giải cứu WeWork khỏi phá sản, bất chấp việc “vị cứu tinh” này cũng đang gặp nhiều vấn đề.

SoftBank từng gây tiếng vang trên thị trường bởi các thương vụ đầu tư mạnh tay vào những công ty khởi nghiệp đình đám như Uber, Slack, WeWork…

Tới khi WeWork ngã ngựa gần đây, hãng đầu tư này vẫn tự tin đưa ra quyết định rót thêm vốn với kỳ vọng hồi sinh doanh nghiệp này.

Tính tới cuối tháng 6/2019, WeWork đang sở hữu số nợ trị giá 22 tỷ USD, chưa kể khoảng 47 tỷ USD các khoản phải trả.

Đáng chú ý, tình hình của SoftBank cũng đáng lo ngại không kém, với giá trị các khoản nợ khoảng 62 tỷ USD. Trong thời gian tới, người sáng lập SoftBank Masayoshi Son sẽ phải quản lý túi tiền của mình chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Theo giới chuyên gia, SoftBank đã thực thi rất tốt việc tái đầu tư vào chính bản thân mình. Tháng 12/2018, S&P Global Ratings đã gỡ bỏ triển vọng tiêu cực đối với SoftBank sau khi bộ phận viễn thông của hãng lên sàn.

Trong khi đó, Moody’s Investors Service quay lại gắn nhãn đây là một hãng đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư sẽ cân nhắc các khoản nợ của hãng trong tương quan so sánh với giá trị thị trường của các khoản đầu tư, thay vì dòng tiền của SoftBank.

So với giá trị danh mục đầu tư vào khoảng 26.600 tỷ yên (245 tỷ USD), số nợ 6.700 tỷ yên của hãng không quá lớn. Nhất là khi trong danh mục này, 26% là cổ phiếu của Alibaba Group Holding Ltd, hiện đang có giá trị khoảng 116 tỷ USD.

Cuối tháng 9/2019, Moody’s Investor Service đánh giá, ngay cả khi giá trị của We Company (công ty mẹ của WeWork) giảm 50%, giá trị của khoản đầu tư vào công ty này chỉ chiếm khoảng 1% danh mục đầu tư của SoftBank.

Tuy nhiên, việc tiếp tục rót vốn giải cứu WeWork lại là nước đi lật ngược thế cờ. Trong thông báo mới nhất vào cuối tuần trước, Moody’s Investors Service tỏ ra lo lắng về việc quản lý dòng tiền của SoftBank.

Hãng xếp hạng đình đám này sẽ cân nhắc khả năng hạ bậc xếp hạng với SoftBank nếu dòng tiền mặt không đủ khả năng chi trả cho các khoản nợ tới hạn trong 2 năm nữa. Cho tới nay, thông điệp này chưa gây ra lo lắng, bởi tính tới tháng 7/2019, SoftBank đang sở hữu 2.500 tỷ yên tiền mặt, dư sức trả số nợ hơn 550 tỷ yên sẽ đến hạn trong 2 năm tới.

Dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc SoftBank có thể dư dả để vung tiền đầu tư. Riêng khoản tiền mới rót cho WeWork đã tương đương 1.000 tỷ yên, các khoản nợ đến hạn trong năm 2021 của SoftBank là 1.300 tỷ yên và ông Masayoshi Son đã cam kết sẽ dành 54 tỷ USD cho 4 quỹ đầu tư, theo phân tích của chiến lược gia Stephen Flynn tại Bloomberg Intelligence.

Đáng chú ý, tương tự WeWork, SoftBank không giỏi trong việc quản lý và tạo ra dòng tiền mặt tích cực. Các công ty con như Sprint Corp (Mỹ), ARM Holdings Inc (Anh) không đóng góp đáng kể cho doanh thu của SoftBank.

Theo đó, SoftBank đang sống dựa vào việc bán trái phiếu mới và phần cổ tức từ việc sở hữu 66,5% cổ phần doanh nghiệp viễn thông tại Nhật.

Một điều đáng tiếc là SoftBank sở hữu lượng lớn cổ phần tại Alibaba, tuy nhiên, đây không phải doanh nghiệp niêm yết tại Đại lục, nơi diễn ra hoạt động kinh doanh chính và công ty này không chia cổ tức.

Hiện tại, SoftBank đang yêu cầu những cải tổ mạnh mẽ tại WeWork, bao gồm việc tìm cách cắt giảm chi phí và tăng doanh thu. Hai vị CEO mới là Sebastian Gunningham và Artie Minson được kỳ vọng sẽ giúp hồi phục và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi của hãng.

Nếu WeWork có thể đứng dậy sau cú ngã, các khoản đầu tư của SoftBank sẽ gia tăng giá trị. Tuy nhiên, các thành viên thị trường không có cái nhìn lạc quan vào kịch bản này.

Thậm chí, trong trường hợp WeWork đòi hỏi thêm các khoản hỗ trợ tài chính, SoftBank sẽ lâm vào thế khó và ít có khả năng tiếp tục rót vốn vào công ty này, dẫn tới mất cả chì lẫn chài.

SoftBank có thể nắm quyền kiểm soát Wework
Tập đoàn viễn thông đa quốc gia của Nhật Bản mong muốn kiểm soát công ty cho thuê không gian làm việc chung Wework (Mỹ).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư