Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cổ đông bớt "nóng mặt" với phát hành ESOP
 
Mùa đại hội năm nay chứng kiến nhiều doanh nghiệp trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP lớn.
Kế hoạch phát hành 9,44 triệu cổ phiếu ESOP của VNM đã được ĐHCĐ 2016 thông qua
Kế hoạch phát hành 9,44 triệu cổ phiếu ESOP của VNM đã được ĐHCĐ 2016 thông qua

Không ít cổ đông phản đối, nhưng ở nhiều doanh nghiệp, kế hoạch này được cổ đông ủng hộ. Tạo động lực cho nhân viên qua ưu đãi cổ phiếu dường như đang được cổ đông các doanh nghiệp quan tâm hơn.

Trước Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016, tờ trình phát hành cổ phiếu ESOP của Tổng công ty Sữa Việt Nam (VNM) nhận được sự quan tâm của thị trường. Sở dĩ câu chuyện này thu hút sự chú ý là bởi năm 2013, cổ đông lớn SCIC đã phủ quyết tờ trình này và đến nay, VNM mới đề xuất lại kế hoạch ESOP.

Kết quả, cổ đông VNM đã thông qua kế hoạch bán gần 9,44 triệu cổ phiếu ESOP, trong đó gồm hơn 522.000 cổ phiếu quỹ bán cho người lao động và phát hành thêm 8,9 triệu cổ phiếu cho nhân viên của Tổng công ty theo danh sách được HĐQT phê duyệt.

Thông thường, các đợt phát hành ESOP không thành công do cổ đông không đồng thuận với mức giá bán khá ưu đãi so với thị giá của cổ phiếu trên sàn. Tuy nhiên, tại thời điểm diễn ra ĐHCĐ thường niên 2016, thị giá cổ phiếu này dao động quanh mức 145.000 đồng/CP, cổ đông vẫn có sự đồng thuận cao mặc dù giá bán cổ phiếu quỹ và phát hành cổ phần mới được xác định bằng 2 lần giá trị sổ sách được ghi nhận trên báo cáo tài chính gần thời điểm phát hành nhất đã được kiểm toán soát xét.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 sau kiểm toán, tại thời điểm 31/12/2015, giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu VNM vào khoảng 19.000 đồng/CP, như vậy, mức giá phát hành cổ phiếu ESOP sẽ vào khoảng 40.000 đồng/CP.

CTCP Xây dựng Coteccon (CTD), cổ phiếu có thị giá cao nhất trên hai sàn niêm yết trong năm 2015, cũng được cổ đông ủng hộ tờ trình phát hành cổ phiếu ESOP, thậm chí cổ đông còn đề nghị mở rộng đối tượng CBCNV gắn bó 2 năm với Công ty, thay vì 5 năm như tờ trình, mặc dù giá bán thấp hơn nhiều so với thị giá (thời điểm ĐHCĐ, thị giá CTD dao động quanh mức 170.000 đồng/CP).

Cụ thể, CTD sẽ phát hành  hơn 2,3 triệu cổ phiếu (tương đương 5% lượng cổ phiếu lưu hành), trong đó 50% số cổ phần ESOP được chào bán giá 42.000 đồng/CP và 50% còn lại được chào bán với giá dự kiến 70.000 đồng/CP.

Từng gặp nhiều ý kiến trái chiều về việc phát hành cổ phiếu ESOP, ĐHCĐ năm 2016 của CTCP Thế giới di động (MWG) lại được cổ đông thông qua tờ trình này một cách nhanh chóng. Niêm yết sau hai doanh nghiệp trên, nhưng MWG nhận sự quan tâm của NĐT với kết quả kinh doanh tốt, tốc độ mở cửa hàng nhanh, thị giá cổ phiếu từ lúc niêm yết đến ĐHCĐ 2015 dao động quanh 120.000 đồng/CP…

Những trường hợp trên chỉ là những ví dụ điển hình cho chương trình ESOP được ủng hộ. Để ý cả 3 doanh nghiệp trên, mỗi doanh nghiệp đều có những chiến lược riêng trong câu chuyện ESOP của mình.

Tại VNM, bên cạnh việc đề xuất phát hành ESOP, HĐQT cũng đề xuất phương án cổ tức năm 2015 cao nhất từ trước đến nay với tỷ lệ 60% bằng tiền mặt, thay cho kế hoạch năm 2015 là tối đa 50%, đồng thời VNM cũng trình phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20% (tương đương tỷ lệ phát hành 5:1).

Tương tự, tại CTD, HĐQT bên cạnh trình phương án ESOP cũng đề xuất phương án nâng cổ tức 2015 lên 55% bằng tiền mặt và phát hành thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1. Rõ ràng, với những chính sách này, cổ đông VNM và CTD cũng đều hưởng lợi. Đơn cử, cổ đông CTD nếu nắm giữ cổ phiếu trong suốt năm 2015 cũng đã gia tăng giá trị đầu tư hơn 230% nhờ hoạt động kinh doanh tốt của doanh nghiệp, nay tiếp tục được thưởng cổ phiếu trong khi thị giá CTD đang cao ngất ngưởng.

Với MWG, HĐQT cũng điều chỉnh tỷ lệ thưởng so với năm 2015, thay vì tối đa 5% thì tờ trình năm nay là 3%. Giá cổ phiếu cũng không còn ưu đãi ở mức 0 đồng và việc thưởng ESOP dựa trên lợi nhuận tăng trưởng so với thực hiện năm 2015, chứ không dựa trên kế hoạch đề ra. Thậm chí, HĐQT còn đưa phương án: nếu giá cổ phiếu trung bình MWG trong năm 2016 so với năm 2015 không tăng cao hơn mức tăng/giảm của chỉ số VN-Index của năm 2016 so với năm 2015 là 15% thì Công ty sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ ESOP còn 80% của tỷ lệ thưởng ESOP.

Chương trình ESOP đối với doanh nghiệp là điều cần thiết, là động lực để CBCNV tiếp tục cống hiến và giữ chân nhân viên giỏi. Tuy nhiên, vẫn thường thấy tại nhiều doanh nghiệp vấp phải sự phản đối của cổ đông bởi nhiều nguyên nhân, trong đó thường thấy là tỷ lệ thưởng ESOP cao, giá ưu đãi so với thị giá, đối tượng hưởng ESOP gói gọn trong thành viên HĐQT, ban điều hành, hay như kế hoạch không có sự tăng trưởng… Đặc biệt, tại các doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông tổ chức, NĐT nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn thì vấn đề ESOP lại càng được quan tâm và sẽ nhận được sự ủng hộ, với điều kiện tiên quyết: hài hòa lợi ích cổ đông và CBCNV. 

Cổ đông ngân hàng thất vọng với cổ tức bằng cổ phiếu
Trước đây, khi cổ phiếu ngân hàng được xem là cổ phiếu “vua”, được nhiều nhà đầu tư săn đón, thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư