Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Cổ đông có tức với cổ tức ngân hàng?
Thùy Vinh - 11/11/2014 13:05
 
Nợ xấu ngành ngân hàng vẫn tăng và cách xử lý nợ tốt nhất lúc này vẫn là hy sinh lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro. 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nhiều cổ đông ngân hàng sẽ lại... nhịn cổ tức
Cổ đông bức xúc với cổ tức ngân hàng
Cổ tức ngân hàng giảm mạnh do nợ xấu
   
 

Nợ xấu tăng, Eximbank khó có thể trả cổ tức 2014 theo kế hoạch - 8,5%

 

Các nhà băng lại tiếp tục “bài ca” “xin cổ đông thông cảm”, không chia cổ tức như kế hoạch đầu năm.

Cổ tức “chôn” vào dự phòng nợ xấu

Nợ xấu tăng nhanh kể từ khi áp dụng quy định phân loại nợ mới theo Thông tư 09, theo đó khoản dự phòng rủi ro của các NHTM gia tăng và lợi nhuận thu về teo lại. Kết quả lợi nhuận của các ngân hàng năm nay phụ thuộc hoàn toàn vào việc xử lý, thu hồi nợ.

Một thực tế đang khiến các NHTM đau đầu hiện nay là dù đã tích cực bán nợ xấu cho VAMC để làm “sạch” bảng cân đối kế toán, nhưng vẫn phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại từ VAMC cũng như phải chịu trách nhiệm xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, tại DongA Bank, 9 tháng đầu năm 2014, Ngân hàng đã bán gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, nhưng nợ quá hạn vẫn chiếm trên 13% tổng dư nợ, cho dù tín dụng vẫn tăng trưởng âm 0,54% trong 3 quý đầu năm. Trong quý III, DongA Bank trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu 139 tỷ đồng, cao gần gấp đôi lợi nhuận trong kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng phải trích 339 tỷ đồng dự phòng. Kết quả DongA Bank lỗ lũy kế đến 76 tỷ đồng trong 9 tháng. Đó cũng chính là lý do HĐQT DongABank đưa ra thông báo hoãn trả cổ tức đợt 1/2014 và mong cổ đông ủng hộ quyết định này.

Theo HĐQT DongA Bank, quyết định không chia cổ tức đưa ra nhằm đảm bảo các hoạt động của Ngân hàng hiệu quả và ổn định hơn trong tương lai. Nhưng việc lợi nhuận sụt giảm mạnh của DongA Bank được CTCK HSC đánh giá, là nguyên nhân khiến Ngân hàng thất bại trong việc tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

Đặt kế hoạch cổ tức 8,5%, nhưng đến thời điểm này, Eximbank vẫn chưa tạm ứng đợt nào cho cổ đông và nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh tỷ lệ cổ tức khi khoản dự phòng rủi ro nợ xấu được lãnh đạo nhà băng này cho biết tăng mạnh. Năm 2013, Eximbank đã cắt giảm cổ tức từ mức dự kiến 12% xuống 4% và mới thanh toán cho cổ đông vào cuối tháng 5/2014. Đến cuối tháng 9/2014, nợ xấu Eximbank là 2,86%, trong khi tăng trưởng tín dụng âm.

Tính đến cuối tháng 9/2014, Eximbank đã bán 2.155 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và kế hoạch từ nay đến cuối năm bán thêm 1.000 - 1.500 tỷ đồng. Eximbank đã kiến nghị được giảm dự phòng cho trái phiếu nhận lại của VAMC từ 20% hiện nay xuống còn 10%, để giảm áp lực về trích lập dự phòng và kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 1.800 tỷ đồng trước thuế. 

Nếu có cũng chỉ nhỏ giọt!

Lãnh đạo DongA Bank chia sẻ, đến thời điểm này, chưa thể khẳng định chỉ tiêu lợi nhuận 500 tỷ đồng trước thuế cả năm có hoàn thành được hay không. Tuy nhiên, chủ trương của DongA Bank là tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu nên  Ngân hàng vẫn dự phòng rủi ro đầy đủ. Kế hoạch cổ tức 5%, vì vậy, khó có thể thực hiện.

Trước bối cảnh nợ xấu gia tăng, chủ trương của NHNN là các NHTM phải trích lập dự phòng đầy đủ trước khi chi trả cổ tức cho cổ đông, nên theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đã hết thời ngân hàng trả cổ tức cao. 

Thực tế, trong 3 năm gần đây, không ít ngân hàng đã “ém” cổ tức của cổ đông, vì nợ xấu tăng đòi hỏi dự phòng rủi ro cao. Mặt khác, để gia tăng năng lực tài chính trước sức ép cạnh tranh của thị trường và làn sóng M&A, một số NHTM thường chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc cổ đông không nhận được một đồng cổ tức nào hoặc trả theo kiểu “cho có”.

Lãnh đạo của một NHTM có trụ sở tại TP. HCM cho biết, nếu thực hiện chính sách chi trả cổ tức trong năm nay, có chăng chỉ ở mức 1-2%. Hay Chủ tịch HĐQT nhà băng khi được hỏi về tỷ lệ cổ tức đã thẳng thắn: “Chúng tôi chưa biết có thực hiện được cổ tức 3,5% như kế hoạch hay không, vì ưu tiên hàng đầu lúc này là trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu”.

ABBank tập trung cho công tác xử lý và ngăn chặn nợ xấu phát sinh, phấn đấu kiểm soát nợ xấu dưới 3,5%. Cổ tức 2014 sẽ được HĐQT, Ban điều hành ABBank tính toán kỹ. Năm 2013, với vốn điều lệ 4.798 tỷ đồng, ABBank chỉ chi ra hơn 118 tỷ đồng để trả cổ tức, với tỷ lệ 2,46%.

Một số ngân hàng nhỏ trước áp lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nên chủ trương không chia cổ tức, hoặc giảm còn 1,5-2%.

Đánh giá về cổ phiếu ngân hàng, được lãnh đạo Phòng Phân tích CTCK KIS Việt Nam cho rằng, khó có thể kỳ vọng về sự cải thiện của giá cũng như cổ tức. Tuy nhiên, trong 1-2 năm tới, khi lộ trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đi đến chặng cuối, nội lực của các ngân hàng mạnh lên, lợi nhuận được cải thiện, cổ phiếu ngân hàng sẽ hấp dẫn trở lại.

Cổ tức ngân hàng xuống đáy

Cổ tức ngân hàng xuống đáy

(baodautu.vn) Lợi nhuận teo tóp, dẫn đến cổ tức chi trả cho cổ đông của các ngân hàng giảm mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư