Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cổ đông Thái cử thêm một thành viên vào HĐQT Nhựa Bình Minh
Hồng Phúc - 19/04/2019 11:52
 
Cổ đông kiếm soát, nắm 54,39% vốn Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã: BMP) là Nawaplastic Industries (Saraburi- NPI) Co,. Ltd vừa đề cử ông Poramate Larnroongroj (sinh năm 1963) tham gia HĐQT Công ty nhiệm kỳ 2018-2023, thay cho ông Sumphan Luveeraphan vừa có đơn từ nhiệm.

Ông Sumphan Luveeraphan được bổ nhiệm từ 04/2018, tham gia vào HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023, có đơn từ nhiệm vai trò Thành viên HĐQT từ ngày 19/04/2019.

Và ông Poramate Larnroongroj hiện là giám đốc điều hành NPI được bổ nhiệm thay thế vị trí trên.

Thay đổi lớn nhất trong năm 2018 là việc Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đã bán phần vốn Nhà nước tại nhựa Bình Minh cho Nawa Plastic Industrial Ltd,. (NPI). Hiện, BMP là công ty thành viên của NPI.

“Chúng tôi chưa thể trả lời câu hỏi, liệu có mua thêm cổ phần của nhựa Bình Minh không, nhưng đây một công ty có giá trị, cũng như thương hiệu tốt. Chúng tôi hài lòng với tỷ lệ sở hữu hiện tại”, ông Sakchai Patiparnpreechavud, Chủ tịch BMP nói.

Doanh thu thuần hợp nhất năm 2018 của nhựa Bình Minh đạt 4.130 tỷ đồng, tăng 1,8% với năm 2017 nhưng chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Lợi nhuận trước thuế của Công ty năm 2018 chỉ đạt 530 tỷ đồng, bằng 91% so với cùng kỳ, được lý giải do giá nguyên liệu tăng so với bình quân cùng kỳ. 

Ban lãnh đạo nhựa Bình Minh đánh giá, nhu cầu thị trường thấp hơn dự kiến và tình trạng dư cung đã dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2018 của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành không đạt dư kiến tăng trưởng, thậm chí nhiều doanh nghiệp giảm sâu so với kế hoạch.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT  kiêm Tổng giám đốc Công ty cho rằng, HĐQT năm 2018 có thay đổi lớn với 03/05 thành viên HĐQT là đại diện của cổ đông lớn NPI và 1 thành viên HĐQT độc lập từ bên ngoài.

Do HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 có đến 04/05 thành viên lần đầu tiên tham gia HĐQT của Công ty, trong đó có 03 thành viên là người nước ngoài và 1 thành viên HĐQT độc lập từ bên ngoài nên HĐQT cũng cần nhiều thời gian để các thành viên của HĐQT mới tiếp cận, nắm bắt tình hình Công ty.

HĐQT đã duy trì hoạt động các Tiểu ban nhưng do điều kiện làm việc của các Trưởng tiểu ban nên các tiểu ban chưa thật sự hoạt động có hiệu quả cao.

Tính đến ngày 31/12/2018, nhựa Bình Minh có 1 Công ty con 100% vốn là Công ty TNHH MTV Nhựa Bình Minh miền Bắc (Hưng Yên); 2 công ty liên kết nắm 29,05% Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng và 26% Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Bình Minh Việt (TP.HCM). 

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty được tổ chức sáng nay (19/04) tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Ngân đưa ra ba bất ổn trong quý I/2019 có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty.

Thứ nhất, thực trạng thị trường bất động sản, địa ốc đang rất bất ổn và có biểu hiện “đóng băng” do chính sách. Các Hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đều đang “kêu cứu” với địa phương và Chính phủ.

Thứ hai, chỉ riêng trong quý I/2019, giá điện tăng 8,36%, giá xăng dầu tăng 14,5% chắc chắn sẽ làm chi phí của doanh nghiệp tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

 Và cuối cùng, kết quả năm 2018 và kế hoạch kinh doanh 2019 của những “ông lớn” như Conteccons, Hoà Phát, Hoà Bình, Vinaconex,…trong ngành ở các Đại hội cổ đông được đặt ra thận trọng.

Đây là những lý do tác động đến việc đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng của ban lãnh đạo nhựa Bình Minh trong năm 2019, với doanh thu tăng khoảng 4,1%, đạt khoảng 4.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 540 tỷ đồng (tăng 1,9%).

Mặc dù dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức một con số trong năm 2019, tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM (HSC), nhựa Bình Minh sẽ vẫn là doanh nghiệp hưởng lợi chính từ nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tăng lên trong dài hạn tại Việt Nam, lợi thế kinh tế theo quy mô cộng với đội ngũ lãnh đạo đầy năng lực và sự tái cơ cấu ngành.

Ngoài ra, ống nhựa là sản phẩm cồng kềnh nên rủi ro cạnh tranh từ hàng nhập khẩu là ít. Trong khi đó Bình Minh vẫn là doanh nghiệp có chi phí sản xuất thấp nhất ngành. 

Sau thôn tính, đại gia SCG đến từ Thái Lan gia tăng chiếm thị phần xi măng Việt Nam
Tập đoàn Siam Cement Group (SCG), nhà sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng có quy mô lớn nhất Thái Lan vừa có những động thái mới nhằm củng cố, gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư