Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cơ hội cho hàng Việt ở thị trường EEU
Phương Linh - 04/06/2015 09:42
 
Ngày 29/5 vừa qua, tại thủ đô Astana của Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan tham dự Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU). Như vậy là, sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EEU chính thức được ký kết. Đây cũng là Hiệp định đầu tiên mà EEU ký với một quốc gia ngoài thành viên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng 5 nước thành viên EEU tại Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng 5 nước thành viên EEU tại Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do

Sau khi hiệp định được ký kết, EEU sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan đặc biệt. Các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 0%. Thuế với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh khác như dệt may, da giày và đồ gỗ sẽ được giảm tới 80% và theo lộ trình cũng sẽ được miễn hoàn toàn trong thời gian tới. Đây có thể nói là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

EEU chính thức vận hành từ ngày 1/1/2015, gồm 5 nước thành viên: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Acmenia (gia nhập ngày 2/1/2015) và Công hòa Kyrgystan (gia nhập ngày 9/5/2015).

EEU có diện tích 20.286.152 km2, dân số 182 triệu người. Năm 2014, GDP của các nước EEU đạt 2,2 ngàn tỷ USD, chiếm 3,2% GDP toàn thế giới, kim ngạch thương mại năm 2013 đạt 1.075,7 tỷ USD, chiếm 3%  trị giá xuất nhập khẩu toàn thế giới. Dự đoán, tổng GDP của Nga, Belarus và Kazakhstan vào năm 2030 sẽ tăng thêm khoảng 900 tỷ USD, nhờ các tác động tích cực từ việc hội nhập kinh tế thông qua EEU.

Năm 2014, lúc đó EEU mới có 3 thành viên là Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng  hòa Kazakhstan, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 868,5 tỷ USD, chưa tính trị giá trao đổi hàng hóa giữa các nước thành viên với nhau. Trong đó, xuất khẩu đạt 556,5 tỷ USD, nhập khẩu 312 tỷ USD.

Các nước EEU sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, chiếm gần 20% trữ lượng khí đốt và gần 15% trữ lượng dầu mỏ của thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, Nga, Belarus và Kazakhstan có ngành công nghiệp phát triển, tiềm năng mạnh mẽ về nhân lực. Vị trí địa lý chiến lược cho phép Nga, Belarus và Kazakhstan thành lập những tuyến đường vận chuyển hậu cần thuận lợi, không chỉ mang ý nghĩa khu vực mà cả trên toàn cầu, kết nối về mình những dòng chảy thương mại lớn của châu Âu và châu Á.

Theo Giám đốc Viện Các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) Konstantin Zatulin, không thể phủ nhận tầm quan trọng của liên minh này cao hơn nhiều so với vai trò của từng quốc gia đơn lẻ. Điều này có nghĩa rằng những thành viên tham gia liên minh nhất trí, từ những quan điểm lập trường phối hợp, sẽ có thể tiến hành đàm phán với các hiệp hội kinh tế khác trên thế giới.

Với việc tăng cường hội nhập kinh tế trong không gian giữa EU và khu vực châu Á đang phát triển nhanh chóng, các nước thành viên EEU đã thành lập một khối kinh tế mới, có khả năng đem lại một mô hình hợp tác bình đẳng hơn và đa trung tâm cho nền kinh tế thế giới. EEU sẽ là khu vực tự do thương mại giữa châu Âu và châu Á và sẽ là một cấu trúc mở,  bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tham gia.

Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EEU sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng và ổn định để phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thành viên của Liên minh, từ đó, tăng cường quan hệ song phương và trao đổi các biện pháp nhằm triển khai cụ thể Hiệp định với từng nước. 

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Trưởng đoàn đàm phán cấp kỹ thuật của Việt Nam: “Chúng ta là nước đầu tiên ký FTA với EEU, được hưởng lợi thế cắt giảm thuế quan đầu tiên đối với một đất nước. Đồng thời, trong Hiệp định này, chúng ta đã đạt được những tiến bộ trong những quy định về “hàng rào kỹ thuật”, rồi kiểm tra, kiểm định chất lượng. Về phía bạn, Hiệp định cũng có những tác động rất tốt, bởi chúng ta cũng đã chú trọng đến những mặt hàng mà bạn ưu tiên cao. Hiệp định đã hài hoà lợi ích của cả hai bên và chú trọng những mặt hàng mà hai bên đều ưu tiên”.

Ý nghĩa của FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu
Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn xin giới thiệu tới quý độc giả một số nét khái quát về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư