Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Cơ hội cho những dự án đầu tư nông nghiệp quy mô, bài bản
Nguyễn Hương - 13/01/2020 14:30
 
Sau nhiều biến cố, ngành chăn nuôi đang có nhiều thay đổi hướng đến sự quy mô và chuyên nghiệp, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Dịch bệnh tả lợn châu Phi đang đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam vào những khó khăn lớn, bao gồm thiếu thịt lợn, khó tái đàn gia súc. Trong những ngày cận Tết, giá thịt lợn hơi ở nhiều nơi đã lên đến 95.000-100.000 đồng/kg, tăng 35% so với tháng trước đó, và tăng gấp 3 lần so với thời điểm giữa năm tháng 5 và 6, đẩy giá lợn bán ở các chợ lên khoảng 200.000 đồng/kg. 

Việc tăng giá liên tục đối với loại thịt được yêu thích nhất của người dân Việt Nam trong vài tháng qua chủ yếu đến từ sự sụt giảm nguồn cung. Dịch bệnh tả lợn châu Phi hoành hành hơn 10 tháng qua tại 63 tỉnh thành đã tiêu huỷ gần 6 triệu con lợn, chiếm khoảng 10% tổng đàn lợn của cả nước. Trong đó, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước hiện đã giảm gần 50% so với thời điểm tháng 4.

Hơn nữa, hầu hết các cơ sở chăn nuôi chưa thể tái đàn, chủ yếu do chưa có vắc xin chống dịch, và cơ sở chuồng trại không đảm bảo an toàn vệ sinh, khả năng nhiễm bệnh trở lại khá cao, đặt ra thách thức lớn về việc thiếu hụt trầm trọng nguồn cung thịt lợn - nguồn cung protein động vật chủ yếu trong các bữa ăn của người dân Việt Nam trong thời gian tới.

Cơ hội phát triển các dự án quy mô, chuyên nghiệp

Thách thức từ việc thiếu thịt lợn đồng thời cũng mở ra cơ hội cho những người chăn nuôi chuyên nghiệp, nghiêm túc, quan tâm và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học, tìm hiểu các nguồn giống tốt, và tái đàn đúng quy trình. 

Thực tế cho thấy, dịch bệnh gần như đã quét sạch các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, đa số là chăn nuôi hở, điều kiện vệ sinh kém, không thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. 

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các biện pháp an toàn sinh học, khử trùng, bảo vệ trang trại khỏi sự xâm lấn của virus, dịch bệnh là điều cấp bách hiện nay để có thể tái đàn và ổn định nguồn cung thịt lợn. Điều này cần sự đầu tư lớn, tập trung, bài bản từ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, hiểu biết và tầm nhìn dài hạn trong lĩnh vực chăn nuôi.  

Chia sẻ về tiêu chuẩn lựa chọn đối tác để phát triển trang trại chăn nuôi lợn, ông Đỗ Hoàng Long, giám đốc phát triển và bán hàng của Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty chăn nuôi 100% vốn Indonesia, top 3 Công ty hàng đầu về sản xuất thức ăn chăn nuôi và cung cấp con giống cho biết, việc đảm bảo an toàn sinh học là một yêu cầu bắt buộc.

Toàn bộ trang trại của Công ty và các trang trại gia công đều ở xa khu vực dân cư và nằm trong quy hoạch chăn nuôi của các tỉnh. Bên cạnh đó, các trang trại này phải có ba vòng an toàn, bao gồm hàng rào cứng, khu vực nhà ở cho công nhân, đội ngũ kỹ thuật, và trang trại. Mỗi vòng được lắp đặt bởi hệ thống khử trùng nghiêm ngặt 48 tiếng. Vào thời điểm cao điểm của dịch bệnh, không ai trong các trang trại được phép ra ngoài.

Japfa cũng thực hiện nghiêm ngặt các quy trình quản lý vật nuôi ra - vào trại, bao gồm đóng kín đàn vật nuôi, cách ly vật nuôi mới nhập trại, xác minh nguồn gốc lứa mới, kiểm tra tình trạng bệnh dịch và các biện pháp tiêm phòng trước đó. 

“Cùng với giải pháp khử trùng chung, một loạt các trại gia công của Japfa đã áp dụng thêm phương pháp hút thuốc tím gentian, đây là giải pháp chi phí thấp nhưng rất hiệu quả,” ông Long cho biết. 

Ngoài các biện pháp an toàn sinh học, việc lựa chọn và duy trì những giống lợn tốt với sức đề kháng vượt trội, cũng là yếu tố quan trọng để hạn chế rủi ro xảy đến trong quá trình chăn nuôi. Vào giữa tháng 12, Công ty Japfa đã nhập thêm 100 con lợn giống từ Đài Loan và 300 con lợn giống từ Canada để phục vụ cho việc tái đàn vào năm 2020. Được biết đây là giống lợn cụ kỵ Genesus, được đánh giá là một trong những con giống tốt nhất và phù hợp nhất trong điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam với các ưu thế sinh sản nhiều, nuôi con tốt, ngoại hình đẹp, tăng trọng nhanh, miễn dịch tốt và dễ thích nghi với điều kiện môi trường Việt Nam.

Nhờ các biện pháp an toàn sinh học triệt để, hoạt động chăn nuôi của Japfa đã được duy trì ổn định trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh mẽ vừa qua và trở thành điển hình về mô hình chăn nuôi an toàn trước cơn bão dịch bệnh.

Chia sẻ thành công 

Hiện nay, các công ty chăn nuôi lớn như Japfa đang đẩy mạnh mô hình chăn nuôi gia công và khuyến khích các nhà đầu tư, hộ gia đình tham gia với những quy mô nhất định để đảm bảo an toàn vật nuôi, đồng thời mang lại lợi ích tối đa cho nhà đầu tư.  

Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần xây dựng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sinh học, còn Japfa sẽ cung cấp toàn bộ con giống chất lượng tốt, khả năng chống chịu bệnh dịch cao, và thức ăn đạt tiêu chuẩn HACCP của WHO được giám sát theo tiêu chuẩn ISO. Đồng thời cử kỹ thuật viên túc trực tại trại để kiểm soát việc thực hiện quy trình và ngăn ngừa tối đa sự lây nhiễm bệnh dịch.  

Ngoài ra, Japfa đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra từ những trang trại này. Mô hình này mang lại lợi ích kép cho nhà đầu tư. “Tại Japfa, cùng với tiền lương cho chăn nuôi lợn, nhà đầu tư sẽ nhận được tiền thưởng dựa trên tỷ lệ chuyển đổi thức ăn của họ (FCR). Bên cạnh đó, nó sẽ giảm thiểu rủi ro và thiệt hại cho người chăn nuôi vì họ được đảm bảo thu nhập ổn định ngay cả khi dịch bệnh bùng phát và biến động giá cả trên thị trường,” ông Đỗ Hoàng Long cho biết.

Với việc phát triển mô hình chăn nuôi quy mô lớn, đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể là gia công chăn nuôi có khả năng sinh lời lớn hơn đầu tư bất động sản

Anh Nguyễn Hoàng, chủ một trang trại nuôi lợn gia công cho Công ty Japfa ở tỉnh Hòa Bình cho biết: “Japfa là một công ty chăn nuôi đáng tin cậy với những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định an toàn sinh học. Điều này không dễ dàng với những đối tác chăn nuôi, nhưng đã mang lại hiệu quả thực sự đối với công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời đảm bảo doanh thu, lợi nhuận nhất định trong dài hạn cho nhà đầu tư.”

Những nỗ lực của các công ty chăn nuôi lớn như Japfa, cùng với việc phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh, xây dựng đội ngũ các nhà chăn nuôi chuyên nghiệp từng bước cùng nhau phát triển ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng một cách bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư