Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cơ hội đầu tư vào Nghệ An nhìn từ chiến lược quy hoạch
Đặng Hương - 07/10/2022 11:29
 
Nghệ An xác định rõ chiến lược đầu tư hạ tầng sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Nghệ An và trực tiếp là vào Khu kinh tế Đông Nam.
Dự án hạ tầng lớn nhất hiện nay Hameraj  khi hoàn thành sẽ là một 'bức tranh đẹp” của Nghệ An

Chiến lược “thay áo” hạ tầng

Theo UBND tỉnh Nghệ An, Quy hoạch tỉnh được xác định cần tập trung, phát huy tối đa các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm (phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược, hình thành 4 hành lang kinh tế, phát huy 5 lĩnh vực trụ cột, xây dựng 6 trung tâm đô thị).

Trong đó, cốt lõi là khu vực động lực tăng trưởng của địa phương (TP. Vinh và Khu kinh tế Đông Nam mở rộng). Để hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh Nghệ An đang hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An Nguyễn Xuân Đức, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch; nâng hạng các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI vào nhóm các địa phương dẫn đầu của Việt Nam để tạo đột phá phát triển.

Xây dựng nền hành chính số, thúc đẩy mọi hoạt động quản lý, điều hành được tiến hành nhanh, tiện lợi, chính xác, thông minh và minh bạch trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đang có những giải pháp để tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển. Với trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu để tạo sự kết nối, lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông, khu kinh tế và các khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trong đó, địa phương tập trung huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, nhất là các tuyến giao thông chiến lược; Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, nhất là một số khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Mai 1 từng bước được đầu tư đồng bộ, khẳng định vị trí, vai trò động lực trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch mới được triển khai, bước đầu hình thành cơ sở du lịch chất lượng cao, thu hút được đông đảo du khách.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An Nguyễn Xuân Đức cũng cho rằng, thực tế kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu (cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế) và hạ tầng khu vực miền Tây; hạ tầng và dịch vụ logistics phát triển chậm...

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ với một số công trình hiện đại, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững như: Hoàn thành đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; đường ven biển Nghi Sơn đến Cửa Lò, đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò giai đoạn II, đường nối Quốc lộ 7C với đường Hồ Chí Minh, tuyến đường Cửa Lò - Nam Đàn...; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua Nghệ An), tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An); tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...

Thực hiện nâng cấp, mở rộng Khu bến cảng Cửa Lò, một số bến cảng Đông Hồi đáp ứng cho các tàu tổng hợp, container có tải trọng lớn từ 30.000 - 50.000 DWT và trên 50.000 DWT; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh đạt cấp 4E. Ưu tiên và đa dạng các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính kết nối cao, lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cảng nước sâu và sân bay Vinh.

“Nghiêm túc lắng nghe, chủ động triển khai, nỗ lực hành động là những phương châm quan trọng để tỉnh Nghệ An sẵn sàng tâm thế đón dòng vốn mới”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chia sẻ về kế hoạch của địa phương này để thu hút đầu tư trong thời kỳ phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Cơ hội bứt phá

Tỉnh Nghệ An hiện có Khu kinh tế Đông Nam và 11 khu công nghiệp; trong đó có 5 khu công nghiệp thuộc khu kinh tế Đông Nam với diện tích quy hoạch là 4.650,2 ha và 6 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Đông Nam với diện tích quy hoạch là 1.660 ha.

Hiện tại, 5/11 khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó đã định hình và phát triển các khu công nghiệp mới với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại như KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai I đáp ứng quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư; tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp đã thành lập là 55,65%. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh quy hoạch phát triển 53 cụm công nghiệp, trong đó có 24/53 cụm công nghiệp đã thu hút được doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 81%.

Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An dự kiến sẽ mở rộng Khu kinh tế Đông Nam từ diện tích 20.776,47 ha hiện tại lên tổng diện tích 105.585 ha; trong đó, đến năm 2030 quy hoạch phát triển 23 khu công nghiệp (gồm 15 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam mở rộng và 8 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế) với tổng diện tích quy hoạch 8.036 ha; tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch 36 khu công nghiệp (gồm 23 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đông Nam mở rộng, 1 khu công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy và 13 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế) với tổng diện tích quy hoạch 21.136 ha.

“Những đô thị nào của Nghệ An đã được quy hoạch”, có lẽ luôn là từ khoá tìm kiếm một cách rõ ràng từ các nhà đầu tư khi nói đến Nghệ An trong thời gian gần đây. Từ cơ sở đó, một số ký kết về hợp tác đầu tư được Nghệ An thực hiện với các nhà đầu tư như: Vingroup, Euro Window Holdings, Ecopark…

Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, sau khi Chính phủ quyết định chuyển hướng ứng phó linh hoạt với Covid-19, tỉnh Nghệ An đã tiên phong thực hiện chủ trương này. Toàn tỉnh khẩn trương phục hồi phát triển kinh tế bằng các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và xúc tiến thu hút đầu tư với các dự án FDI.

Cụ thể, tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 24/1/2022 về việc phê duyệt Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.

Theo đề án này, Nghệ An sẽ tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 sẽ lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các khu công nghiệp VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1.

Song song, Nghệ An sẽ triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Hoàng Mai 2, Thọ Lộc, WHA giai đoạn II, tăng tỷ lệ lấp đầy 100% các cụm công nghiệp đang hoạt động và 60% các cụm công nghiệp đang xây dựng.

Nghệ An đã có những bước đi rất cụ thể. Tỉnh đã tiến hành rà soát, cập nhật để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh các nguồn lực phát triển kinh tế, từ tài nguyên thiên nhiên đến nguồn lực lao động và hạ tầng. Hiện nay, quy hoạch tỉnh đang được xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022. Đó là cơ sở để tỉnh phát triển kinh tế trong thời gian tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhờ chiến lược đó, tỉnh đã và đang thu hút rất tốt các doanh nghiệp nước ngoài như Tập đoàn Goertek, Tập đoàn Ju Teng... và các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA... nhờ đó đã tạo ra hạ tầng tương đối đồng bộ cho các nhà đầu tư thứ cấp vào Nghệ An.

Đơn cử, Tập đoàn Goertek là một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Nghệ An với tổng số vốn lên đến 500 triệu USD. Tập đoàn này đã quyết định lựa chọn Nghệ An thành tâm điểm đầu tư dự án sau một năm với dự án ban đầu 100 triệu USD, đã nâng dòng vốn lên đến 500 triệu USD.

Tập đoàn đang triển khai giai đoạn I dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An trên địa bàn huyện Nghi Lộc, thuộc địa phận Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam. Dự kiến cuối năm 2022 sẽ đi vào hoạt động.

Tổng giám đốc Công ty Goertek Vina, ông Yoshinaga Kazuyoshi (Tập đoàn Goertek) cho biết, kiểm tra dự án tại Nghệ An cho thấy, tiến độ đang triển khai đảm bảo, dự kiến vào đầu năm 2023 sẽ đưa vào vận hành sản xuất. “Ban đầu chúng tôi không tin rằng chỉ trong 10 - 15 ngày đã có thể hoàn thành các thủ tục cho các dự án rất lớn để chính thức đầu tư vào Nghệ An”, ông Yoshinaga Kazuyoshi nhận xét.

Ông Yoshinaga cũng chia sẻ định hướng phát triển trong vòng 5 năm tới, Tập đoàn Goertek quyết định chọn Việt Nam để “rót” vốn đầu tư thành “cứ điểm” sản xuất lớn nhất ở nước ngoài, trong đó Nghệ An là một trong những địa điểm quan trọng được lựa chọn để mở rộng sản xuất. Với kế hoạch trên của Goertek Vina, khi toàn bộ dự án đầu tư tại tỉnh này hoàn thành và đi vào sản xuất sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.500 dự án còn hiệu lực, với tổng mức đầu tư gần 351.500 tỷ đồng.

Lũy kế đến ngày 15/8/2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 77 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 18.051,78 tỷ đồng. Điều chỉnh 73 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 28 dự án (tăng 13.118,3 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 31.170,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số dự án cấp mới tăng 24,2%, tổng vốn cấp mới tăng 36,69%.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An
UBND tỉnh Nghệ An muốn gọi vốn PPP để nâng đời cảng hàng không quốc tế Vinh
Cảng hàng không quốc tế Vinh được đề xuất đầu tư nhiều hạng mục quan trọng bằng nguồn vốn tư nhân để đạt công suất 12 triệu hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư