Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Có nên giao cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật?
Mạnh Bôn - 15/04/2015 14:48
 
Có nên trao cho cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hay không là nội dung được nhiều đại biểu tranh luận khi cho ý kiến vào Luật Ban hành văn bản pháp luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng nay (ngày 15/4/2015).

Cấp xã là cấp hành chính thấp nhất trong hệ thống chính quyền hiện nay, là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản QPPL.  

“Hơn nữa, qua khảo sát thực tế cho thấy, ở cấp xã chỉ chủ yếu sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản của cơ quan cấp trên... Do đó, không quy định thẩm quyền ban hành văn bản QPPL đối với cấp xã là phù hợp với thực tiễn”, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phát biểu.

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Mã Điền Cư cho rằng, việc Dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật giao HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết; UBND cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề mà luật, nghị quyết của Quốc hội giao là cần thiết, để bảo đảm chính quyền cấp huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương.

“Nhưng phải xác định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; đồng thời, quy định chặt chẽ quy trình ban hành nhằm khắc phục hạn chế hiện nay là cấp chính quyền này ban hành nhiều văn bản nhưng nội dung lại ít chứa quy định mới, hiệu lực, hiệu quả không cao”, ông Cư đề xuất.

Còn với cấp xã, việc ban hành văn bản QPPL, theo ông Cư, trên thực tế cấp hành chính cơ sở này không chỉ sao chép lại văn bản của cấp trên, mà còn có hiện tượng sao chép không đúng, không đầy đủ dẫn đến mỗi nơi hiểu một khác, thực hiện một khác vì thế không nên cho cấp xã được ban hành văn bản QPPL.

“Cấp xã chỉ là cấp thực hiện văn bản của cấp trên vì thế không nên trao quyền ban hành văn bản QPPL cho cấp này”, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng bày tỏ ý kiến đồng tình.

Tuy nhiên quan điểm trên không nhận được ý kiến đồng tình của nhiều Đại biểu Quốc hội khác.

“Nếu văn bản QPPL của cấp xã ban hành chất lượng không bảo đảm, tính chủ động sáng tạo kém, sao chép văn bản của cấp trên… thì phải khắc phục chứ không vì vậy mà cấm”, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Bùi Đức Thụ nêu quan điểm và đề nghị cho phép HDND cấp xã được ban hành nghị quyết, UBND được ban hành quyết định.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo lấy ví dụ xây dựng Chương trình nông thôn mới. Đây là chủ trương được thực hiện trên cả nước, nhưng khi xuống đến từng xã, mỗi xã có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, trình độ dân cư khác nhau, thu nhập bình quân đầu người khác nhau… nên khi triển khai ở địa phương, có địa phương trồng loại cây xanh ở ven đường, làm cả vỉa hè, xây dựng nhà vệ sinh… phù hợp với phong tục, tập quán, thói quen nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chí của nông thôn mới, không trái với các quy định của cấp trên.

“Muốn xây dựng nông thôn mới phù hợp thì chính quyền địa phương phải có văn bản yêu cầu cộng đồng người dân trên địa bàn thực hiện, vậy nếu không cho cấp xã ban hành văn bản QPPL thì xử lý vấn đề này thế nào?”, ông Mạo băn khoăn.

Ông Mạo cho rằng, tình trạng cấp xã chỉ sao chép lại văn bản của cấp trên, thậm chí sao chép còn không đúng thì cần phải khắc phục, chứ không vì lý do này mà cấm cấp xã đưa ra một số quy định không vi phạm các quy định của cấp trên để triển khai trong cộng đồng dân cư

Đại biểu Trần Du Lịch đồng tình với việc cho phép cấp xã được ban hành văn bản QPPL khi cho rằng, luật, pháp lệnh, nghị quyết… của cấp trên như “phép vua”. “Phép vua”, chỉ quy định những nội dung áp dụng chung trên cả nước. Về đến địa phương, muốn “phép vua” được thực hiện thì cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa, thói quen, lối sống của người dân được quy định bằng “lệ làng”. Vì thế, không nên triệt tiêu “lệ làng”, vì trong trừng mực nào đó, “lệ làng” phát huy tích cực trong cộng đồng dân cư.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Hồ Trong Ngũ, HĐND, UBND các cấp, trong đó có cấp xã ban hành văn bản QPPL là cần thiết, vì đây là bộ máy hành chính địa phương.

“Cấp xã phường quản lý hàng vạn con người, nếu không cho phép họ ban hành văn bản QPPL thì làm sao quản lý được tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Vấn đề là văn bản  của cấp xã phải tuân thủ Hiến pháp, luật, pháp lệnh và không được trái với quy định của cơ quan cấp trên”, ông Ngũ nhấn mạnh.

“Mình giao cho người ta quản lý hàng vạn dân mà lại không cho người ta ban hành văn bản QPPL thì làm sao người ta thực hiện được quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ với cấp trên, với người dân”, Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại băn khoăn.

Theo quan điểm của bà Thoại và Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Đình Quyền, vẫn nên giao cho các cấp chính quyền ban hành VBQP, nhưng ban hành cái gì phải quy định rõ, nếu không, ở địa phương cũn ban hành văn bản hướng dẫn luật.

“Chỉ có cơ quan Trung ương mới được ban hành văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết. Nếu mở rộng quyền này xuống tới cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì sẽ dẫn tới tình trạng mỗi nơi hiểu một cách, ban hành một cách thì hệ thống pháp luật không bảo đảm tính tuân thủ đồng bộ trong cả nước”, ông Quyền nói.

Trong khi đó bà Thoại cho rằng, tiếp tục cho UBND cấp xã ban hành văn bản QPPL không sợ bị “loạn văn bản”, vì trên thực tế, mỗi năm cấp xã cũng chỉ ban hành 2-3 văn bản nhằm hướng dẫn các văn bản của cấp trên cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

5 phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội
() Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII khép lại vào chiều nay (28/11). Báo Đầu tư điện tử -  điểm lại những phát ngôn ấn của đại biểu Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư