Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cổ phần hóa - động lực phát triển mới cho Vinalines
Anh Minh - 02/05/2018 15:18
 
Việc chuyển đổi mô hình hoạt động được kỳ vọng sẽ đem lại động lực, sức sống mới cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải.

Tái cơ cấu thành công

Ngày 29/4/2018 vừa qua, Vinalines tròn 23 tuổi. Trong 23 năm trưởng thành và phát triển đó, có đến gần một nửa thời gian về sau, Vinalines phải gồng mình để vượt qua cơn bão khủng khoảng vận tải biển. 

Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải này đang đứng trước cơ hội phát triển mới, khi thực hiện IPO và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào nửa cuối của năm 2018. 

Vinalines đang nắm cổ phần của nhiều công ty kinh doanh có lợi nhuận cao trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hàng hải
Vinalines đang nắm cổ phần của nhiều công ty kinh doanh có lợi nhuận cao trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hàng hải

Tại Văn bản số 658/TTr-HHVN do ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines ký gửi Bộ Giao thông - Vận tải, Vinalines đề xuất Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ, tương đương 912.993.770 cổ phần; bán cho nhà đầu tư chiến lược 207.896.970 cổ phần, tương đương 14,8% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên 2.293.900 cổ phần, tương đương 0,16% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn 0,04% vốn điều lệ.

Vinalines muốn bán đấu giá công khai 280.921.160 cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần; tỷ lệ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là 14,8%. Mặc dù vậy, nếu thắng đấu giá toàn bộ lượng cổ phần chào bán ra công chúng, nhà đầu tư chiến lược vẫn có thể sở hữu khoảng 34,8% vốn điều lệ của Vinalines.

Tính đến quý I/2018, ngoài việc sở hữu đội tàu biển 92 chiếc, với tổng trọng tải 1,8 triệu DWT, Vinalines đang có vốn góp tại 14 doanh nghiệp cảng biển, khai thác 67 cầu cảng, quản lý 9 lô đất với tổng diện tích hơn 1 triệu m2 tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Hậu Giang. Sau thời điểm cổ phần hóa, Vinalines sẽ nắm giữ vốn tại 19 công ty con, 15 công ty liên kết.

“Sau thời gian tái cơ cấu toàn diện thành công, Vinalines sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình mới - công ty cổ phần. Công ty mẹ sẽ giữ vai trò chủ đạo và là đầu mối trung gian để các đơn vị thành viên phối kết hợp bình đẳng, cùng có lợi, đẩy mạnh sự hỗ trợ, liên kết giữa các khối vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Cảng biển vẫn là “mỏ vàng”

Mặc dù vận tải biển vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, nhưng Vinalines lại nắm trong tay cổ phần của nhiều công ty kinh doanh có lợi nhuận cao trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hàng hải. Kết quả kinh doanh của các công ty con này được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Vinalines, góp phần giảm lỗ của mảng vận tải biển. 

Cụ thể, trong năm 2017, khối cảng biến thuộc hệ thống của Vinalines đã mang lại lợi nhuận trước thuế hơn 1.100 tỷ đồng. 

Bên cạnh việc quyết định giữ quyền chi phối tại Công ty mẹ, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép Vinalines nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng.  Vinalines sẽ được tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic, đồng thời, thoái vốn tối đa tại các doanh nghiệp vận tải biển. 

Có khá nhiều lý do khiến Vinalines quyết giữ quyền chi phối tại một số cảng biển trọng yếu, ngoài việc hoạt động kinh doanh khởi sắc của khối cảng biển và dịch vụ đã gánh đỡ các khoản thua lỗ của mảng vận tải biển, giúp cân bằng thu chi. 

Về dài hạn, Vinalines sẽ tập trung phát triển, khai thác hiệu quả các cảng chiến lược, đóng vai trò quan trọng tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam và giữ vai trò huyết mạch trong mạng lưới giao thông vận tải quốc gia. Các dự án cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế được ưu tiên đầu tư gồm cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng quy mô 2 bến container và tổng hợp có thể tiếp nhận tàu có sức chở đến 8.000 TEU; Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu quy mô 2 bến, có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải đến 100.000 tấn. 

Bên cạnh đó, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ được hoàn thiện, đưa vào khai thác và tiếp tục được đầu tư thêm giai đoạn 2. Việc nâng cao hiệu quả kinh doanh các cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, phát triển cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, Cần Thơ, Cam Ranh… cũng sẽ được Vinalines chú trọng.

“Các cảng biển với giá trị tiềm năng trong cả ngắn hạn và dài hạn, sẽ làm tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư khi cổ phần hóa công ty mẹ”, ông Tĩnh khẳng định.

Xoay “hải trình” cổ phần hóa Vinalines
“Hải trình” IPO công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vẫn chưa thể chốt, dù tín hiệu “rời bến” đã được phát đi từ 4 năm trước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư