Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cổ phiếu giảm sàn liên tục, Hoàng Anh Gia Lai trấn an nhà đầu tư
Duy Bắc - 13/10/2022 07:32
 
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) ra thông báo trấn an cổ đông về hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường và con gái Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu.

Hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai vẫn bình thường

Tối ngày 12/10, Hoàng Anh Gia Lai ra thông báo liên quan đến một số tin đồn thất thiệt về hoạt động của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT và tình hình kinh doanh cũng như các thông tin về trái phiếu do Công ty phát hành.

Cụ thể, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn trực tiếp chỉ đạo hoạt động sản xuất tại các nông trường/nông trại của Tập đoàn; trực tiếp chủ trì các cuộc họp của HĐQT, các cuộc họp với Ban Tổng giám đốc và các cấp quản lý.

Thêm nữa, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường, hoạt động xuất khẩu chuối và kinh doanh heo ăn chuối vẫn đang diễn ra tại các nông trường/nông trại, cảng biển.

Và cuối cùng liên quan tới trái phiếu, Công ty cho chỉ đang có 2 khoản trái phiếu gồm dư nợ 5.271 tỷ đồng, phát hành ngày 30/12/2016 và đáo hạn ngày 30/12/2026; dư nợ 300 tỷ đồng, phát hành ngày 18/6/2012 và đáo hạn ngày 30/9/2023. Hiện tại, cả 2 khoản trái phiếu nêu trên đều có đầy đủ tài sản bảo đảm cho dư nợ hiện tại.

“Hoàng Anh Gia Lai khẳng định các tin đồn hiện nay trên mạng xã hội và các hội nhóm chứng khoán là sai sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín cá nhân của Chủ tịch HĐQT, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh”, văn bản này nhấn mạnh.

Ở một diễn biến khác, bà Đoàn Hoàng Anh, con gái ông Đoàn Nguyên Đức vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HAG để nâng sở hữu từ 0,97% lên 1,08% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 17/10 đến 15/11.

Nếu tính theo giá thị trường là 9.630 đồng/cổ phiếu, ước tính con gái ông Đoàn Nguyên Đức sẽ phải bỏ ra khoảng 9,63 tỷ đồng để mua vào 1 triệu cổ phiếu HAG.

Kiểm toán nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục

Trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2022, Kiểm toán nhấn mạnh, Hoàng Anh Gia Lai có khoản lỗ luỹ kế tới 30/6/2022 là 3.938,5 tỷ đồng và những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh 2.6 cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Theo thuyết minh 2.6, tính tới 30/6/2022, Hoàng Anh Gia Lai đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan.

Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai tiến hành lập báo cáo tài chính hợp nhập giữa trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tính tới 30/6/2022 đang ghi nhận tổng nợ là 9.021,3 tỷ đồng. Trong đó, 3.295,9 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 5.725,3 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Công ty thuyết minh, vay ngắn hạn ngân hàng 691 tỷ đồng tại Sacombank; 499,99 tỷ đồng Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng…; đối với trái phiếu, đang ghi nhận 5.876 tỷ đồng do BIDV và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thu xếp phát hành, 300 tỷ đồng do TPBank thu xếp phát hành, 300 tỷ đồng do Công ty TNHH Chứng khoán ACB thu xếp phát hành.

Nói thêm về kế hoạch tương lai, Hoàng Anh Gia Lai cho biết đang tiến hành nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại Gia Lai, dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11/2022. Trong năm 2023, Công ty sẽ sản xuất ra được 1 triệu con heo mang thương hiệu heo ăn chuối Bapi. Trong tương lai, doanh thu từ các sản phẩm chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để trả nợ và mở rộng kinh doanh.

Giá thị trường đã thấp hơn giá phát hành riêng lẻ để huy động gần 1.700 tỷ đồng

Hoàng Anh Gia Lai thông qua kế hoạch đăng ký chào bán 161.904.760 cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và dự kiến triển khai trong năm 2022.

Số tiền huy động, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến dùng gần 800 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai; 400 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang; và 500 tỷ đồng trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do Công ty phát hành ngày 30/12/2016 với mã HAGLBOND16.26.

Được biết, tại Đại hội cổ đông thường niên, Hoàng Anh Gia Lai thông qua kế hoạch sử dụng vốn khi dùng 700 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với hai công ty là CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Gia súc Lơ Pang; 500 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai; và 500 tỷ đồng trả nợ trái phiếu.

Như vậy, thay đổi mục đích sử dụng vốn lớn nhất là không còn bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với CTCP Chăn nuôi Gia Lai.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/10, cổ phiếu HAG tiếp tục giảm sàn 720 đồng về 9.630 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý trong 5 phiên gần nhất, cổ phiếu HAG đã có 4 phiên giảm sàn. Cụ thể, cổ phiếu giảm sàn hai phiên liên tiếp ngày 6/10 và ngày 7/10, sau đó hồi phục nhẹ phiên 10/10 và tiếp tục chuỗi giảm sàn trong hai phiên ngày 11/10 và ngày 12/10.

Hoàng Anh Gia Lai tạo sự hoài nghi về chiến lược dài hạn
Kể từ khi quyết định rút lui khỏi lĩnh vực bất động sản (năm 2012), Hoàng Anh Gia Lai liên tục xoay trục sang mía đường, cao su, chăn nuôi bò, trồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư