Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hoàng Anh Gia Lai tạo sự hoài nghi về chiến lược dài hạn
Duy Bắc - 02/10/2022 08:22
 
Kể từ khi quyết định rút lui khỏi lĩnh vực bất động sản (năm 2012), Hoàng Anh Gia Lai liên tục xoay trục sang mía đường, cao su, chăn nuôi bò, trồng chuối và mới đây là heo ăn chuối.

Sau heo ăn chuối sẽ là gì?

Sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008, thị trường bất động sản Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn và tới năm 2012, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) đã có quyết định bước ngoặt khi chuyển từ lĩnh vực bất động sản sang cao su.

Thời điểm năm 2012, HAGL đang ghi nhận doanh thu bất động sản, xây dựng và bán khoáng sản lên tới 3.666,14 tỷ đồng, chiếm tới 83% tổng doanh thu. Như vậy, mặc dù đang là ngành cốt lõi, nhưng Công ty đã chuyển dịch toàn bộ sang lĩnh vực mới.

Tới năm 2014, doanh thu đã dịch chuyển khi nhóm nông nghiệp gồm mía đường, bán bắp, mủ cao su ghi nhận tới 1.473,3 tỷ đồng, chiếm 48% tổng doanh thu. Được biết, để có sự dịch chuyển đó, năm 2012, HAGL đã quyết định đầu tư 100 triệu USD vào trồng mía, đồng thời thực hiện trồng hàng loạt dự án cây cao su.

Tháng 6/2014, HAGL của bầu Đức chính thức nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng chiến lược nuôi bò ở cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Năm 2016, doanh thu từ chăn nuôi bò ghi nhận 3.465 tỷ đồng, chiếm 54% tổng doanh thu. Ngược lại, lĩnh vực mía đường, bán bắp, mủ cao su chỉ ghi nhận 718,63 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu năm đó.

Sau đó, doanh thu chăn nuôi bò có dấu hiệu suy giảm, ông Đức tiếp tục chuyển dịch sang lĩnh vực trái cây với kỳ vọng từ chanh leo, thanh long và chuối.

Năm 2017, khi chuyển dịch mô hình sang công ty nông nghiệp trồng cây ăn trái, HAGL từng kỳ vọng trái chanh leo sẽ tạo sự đột biến cho Công ty và thâm nhập được thị trường Trung Quốc, bên cạnh thanh long và chuối.

Trong năm 2018, doanh thu bán trái cây đạt 2.897,28 tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng doanh thu. Ngược lại, doanh thu nuôi bò chỉ đạt 126,83 tỷ đồng, chiếm 2% tổng doanh thu. Tới năm 2020, HAGL tiếp tục ghi nhận doanh thu trái cây giảm 21,2% so với thời điểm năm 2018 và ghi nhận 2.283,09 tỷ đồng, chiếm 71,9% tổng doanh thu, đồng thời không ghi nhận doanh thu nuôi bò.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ cấu doanh thu một lần nữa chuyển dịch khi doanh thu bán heo ghi nhận 453 tỷ đồng, chiếm 22,3% tổng doanh thu. Doanh thu bán trái cây chỉ ghi nhận 1.035,72 tỷ đồng, chiếm 51% tổng doanh thu.

Thời điểm dịch chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi heo, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết: "Tôi có thể khẳng định, HAGL đã sang trang mới và tỷ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp không hề thấp".

Ông Đức cho biết thêm, ông đã mất ngủ khi có được công thức chế biến thức ăn từ chuối giúp heo mau lớn. Sau nhiều năm vật lộn với trồng cây gì, nuôi con gì và chìm trong nợ nần, ông đã tìm ra con đường sáng trong kinh doanh.

Theo dự kiến, năm 2023, HAGL sẽ đưa ra thị trường 20 triệu con gà đi bộ ăn chuối, 1 triệu con heo ăn chuối, đồng thời phát triển mạnh thương hiệu Bapi Food - Heo ăn chuối với trên dưới 1.000 cửa hàng, trong đó 80% nhượng quyền.

Như vậy, từ năm 2012 tới nay, công ty của ông Đoàn Nguyên Đức liên tục thay đổi lĩnh vực cốt lõi từ bất động sản sang nông nghiệp mía đường, cao su, tiếp tục dịch chuyển sang lĩnh chăn nuôi bò, rồi sang lĩnh vực trái cây và mới nhất là chăn nuôi heo.

Liên tục xoay trục để tìm động lực tăng trưởng đã tạo ra sự hoài nghi về chiến lược dài hạn của HAGL. Việc theo đuổi heo ăn chuối, sắp tới là gà đi bộ ăn chuối không phải là công thức chắc chắn sẽ thành công. Thời điểm đầu tư chăn nuôi bò, ông Đoàn Nguyên Đức cũng rất tự tin, nhưng sau đó, doanh thu giảm dần và không còn ghi nhận.

Câu chuyện chỉ là game tăng vốn

HAGL bất ngờ tạm dừng kế hoạch chào bán 161,9 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động 1.700 tỷ đồng. Lý do được đưa ra là để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Công ty và mang lại hiệu quả đầu tư. Sau khi có phương án sử dụng vốn mới, Công ty sẽ nộp lại hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước theo quy định hiện hành và sẽ báo cáo việc điều chỉnh.

Theo kế hoạch ban đầu, Công ty dự kiến sử dụng 500 tỷ đồng trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do Công ty phát hành ngày 30/12/2016; 500 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai để hoạt động kinh doanh; 400 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái tại huyện Chư Sê, huyện Đăk Pơ, huyện Đăk Đoa, huyện Chư Prông (Gia Lai).

Gần 300 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là CTCP Chăn nuôi Gia Lai để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái tại huyện Mang Yang, huyện Đăk Pơ.

Với việc tạm dừng kế hoạch huy động vốn, HAGL sẽ gặp vấn đề về tài chính để trả nợ vay, cũng như bổ sung vốn cho các đơn vị thành viên. Được biết, tính tới 30/6/2022, HAGL chỉ sở hữu 117,7 tỷ đồng, chiếm khiêm tốn 0,61% tổng tài sản. Ngược lại, nghĩa vụ nợ vay vẫn còn 9.021,3 tỷ đồng, chiếm 46,8% tổng nguồn vốn.

Thêm nữa, hoạt động kinh doanh chính vẫn chưa có dấu hiệu tạo lợi nhuận, 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận âm 135,9 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020 ghi nhận âm 1.764,1 tỷ đồng và năm 2021 ghi nhận âm 640,3 tỷ đồng.

Có thể thấy, hoạt động cốt lõi chưa tạo ra tiền, dư nợ vay vẫn còn lớn, lên tới 9.021,3 tỷ đồng và đặc biệt kế hoạch bổ sung vốn bên ngoài bị tạm dừng, đó là thách thức lớn đối với HAGL trong thời gian tới.

Hoàng Anh Gia Lai: Nợ lớn, vẫn liên tục bảo lãnh vay vốn cho công ty con
Dù đang chịu áp lực nợ vay lên tới 9.021,2 tỷ đồng và bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, nhưng Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư