Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hoàng Anh Gia Lai: Nợ lớn, vẫn liên tục bảo lãnh vay vốn cho công ty con
Duy Bắc - 13/09/2022 10:25
 
Dù đang chịu áp lực nợ vay lên tới 9.021,2 tỷ đồng và bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, nhưng Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) vẫn thực hiện bảo lãnh vay vốn cho công ty con.

Tiếp tục bảo lãnh

Hoàng Anh Gia Lai vừa thông qua bảo lãnh cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai sở hữu 98% vốn điều lệ) vay vốn tại VPBank, kỳ hạn bảo lãnh 6 tháng và giá trị chưa được tiết lộ.

Trước đó, ngày 14/3/2022, Hoàng Anh Gia Lai cho biết, sẽ bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ nợ của Hưng Thắng Lợi Gia Lai tại VPBank với giá trị 400 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động, thời gian bảo lãnh 6 tháng. Và ngày 22/7/2022, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục bảo lãnh 500 tỷ đồng cho Hưng Thắng Lợi Gia Lai vay vốn tại Sacombank, hiệu lực 12 tháng để bổ sung vốn lưu động.

Theo tìm hiểu, được thành lập ngày 12/10/2016, Hưng Thắng Lợi Gia Lai liên tục kinh doanh lao dốc. Trong đó, năm 2019 ghi nhận lỗ 170,8 tỷ đồng và năm 2020 ghi nhận lỗ 188,7 tỷ đồng. Tính tới ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu giảm 247,1 tỷ đồng so với đầu năm, về 994,8 tỷ đồng và tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 2,35 lần (đầu năm 1,82 lần). Ngày 17/3/2018, Hoàng Anh Gia Lai đã nhận chuyển nhượng 98% vốn tại công ty này từ các cổ đông hiện hữu, với tổng giá trị 2.477,1 tỷ đồng.

Dư nợ bằng 1,95 lần vốn chủ sở hữu

Tính tới ngày 30/6/2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận tổng nợ ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 734,7 tỷ đồng so với đầu năm, lên 9.021,2 tỷ đồng và chiếm 46,8% tổng nguồn vốn. Ngoài ra, tỷ lệ nợ vay ngắn hạn và dài hạn trên vốn chủ sở hữu tăng từ 1,77 lần lên 1,95 lần so với đầu năm.

Trong đó, Công ty vay ngắn hạn ngân hàng gồm vay 691 tỷ đồng tại Sacombank (Gia Lai), 500 tỷ đồng tại VPBank và 23,7 tỷ đồng tại Sacombank (Lào); vay dài hạn ngân hàng bao gồm 597,8 tỷ đồng tại Eximbank, 294 tỷ đồng tại TPBank, 254,1 tỷ đồng tại Ngân hàng Liên doanh Lào Việt và 100 tỷ đồng tại Sacombank.

Đối với trái phiếu, Hoàng Anh Gia Lai đang có dư nợ 5.876 tỷ đồng do BIDV và Công ty Chứng khoán BSC thu xếp phát hành, dư nợ 300 tỷ đồng do TPBank thu xếp và còn lại 300 tỷ đồng do Công ty Chứng khoán ACB thu xếp.

Được biết, từ năm 2018 tới nay, Hoàng Anh Gia Lai liên tục thâm hụt vốn và phải bán tài sản, tăng huy động vốn từ bên ngoài để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh. Cụ thể, tính từ năm 2018 đến bán niên năm 2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính ghi nhận âm 7.995,57 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư dương 5.366,72 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 2.605,06 tỷ đồng.

Đỉnh điểm trong bán tài sản là việc giảm sở hữu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG). Thời điểm 31/12/2016, Hoàng Anh Gia Lai sở hữu tới 75,02% vốn điều lệ tại HAGL Agrico, tới ngày 30/6/2022 chỉ còn sở hữu 9,44% vốn điều lệ và ghi nhận đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Chia sẻ trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cho biết, năm nay, Công ty vẫn còn nợ. Không chỉ phát hành 1.200 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ để đầu tư vào ngành chuối và chăn nuôi heo, Công ty cũng sẽ bán luôn cổ phiếu HNG để có thể trả hết nợ.

Dù đã và đang đẩy mạnh cơ cấu, bán tài sản để trả nợ, nhưng dư nợ của Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn tới 9.021,2 tỷ đồng, bằng 1,95 lần vốn chủ sở hữu. Quan trọng hơn, hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa cho thấy dấu hiệu tạo tiền trở lại, tiếp tục thâm hụt vốn.

Tất cả mới ở kỳ vọng

Trong Báo cáo kiểm toán bán niên năm 2022 được thực hiện bởi Công ty TNHH Erst & Young Việt Nam, kiểm toán nhấn mạnh, Hoàng Anh Gia Lai có khoản lỗ lũy kế tới ngày 30/6/2022 là 3.938,5 tỷ đồng (bằng 42,5% vốn điều lệ) và những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh 2.6 cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Theo thuyết minh 2.6, tính tới ngày 30/6/2022, Hoàng Anh Gia Lai đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Hiện Hoàng Anh Gia Lai đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan.

Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai tiến hành lập báo cáo tài chính hợp nhất trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

Mặc dù vậy, Hoàng Anh Gia Lai vẫn kỳ vọng, Công ty sẽ có bức tranh sáng hơn trong tương lai. Công ty đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại Gia Lai, dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11/2022. Trong năm 2023, sẽ sản xuất 1 triệu con heo mang thương hiệu heo ăn chuối Bapi. Trong tương lai, doanh thu từ các sản phẩm chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để trả nợ và mở rộng kinh doanh.

Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn quá sớm để đánh giá xem thử nghiệm của Hoàng Anh Gia Lai có thể thành công hay Công ty tiếp tục gặp khó khăn với khối nợ khổng lồ chưa được xử lý xong. Thực tế, riêng trong lĩnh vực chăn nuôi heo, đang có dấu hiệu cạnh tranh gia tăng khi hàng loạt ông lớn nhảy vào lĩnh vực này.

Có thể thấy, trong bối cảnh bức tranh tài chính thâm hụt vốn kéo dài, dư nợ vay lớn, tiếp tục phải bán tài sản để cơ cấu nợ vay và chưa cho thấy dấu hiệu hoạt động kinh doanh tạo ra tiền, việc Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục bảo lãnh cho công ty con vay vốn sẽ tăng thêm rủi ro nợ cho Công ty.

Hoàng Anh Gia Lai muốn tách bạch nghĩa vụ nợ với HAGL Agrico tại BIDV
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) công bố thông qua nội dung và chấp thuận việc ký kết thoả thuận cam kết với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư