Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hoàng Anh Gia Lai muốn tách bạch nghĩa vụ nợ với HAGL Agrico tại BIDV
Duy Bắc - 25/08/2022 08:03
 
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) công bố thông qua nội dung và chấp thuận việc ký kết thoả thuận cam kết với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã - HNG) và BIDV.

Thoả thuận cam kết giữa HAG, HNG, BIDV bao gồm: Thực hiện xử lý tách bạch, giải chấp/ giải trừ nghĩa vụ đảm bảo đối với toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của HNG và công ty con của HNG ra khỏi nghĩa vụ trái phiếu HAGL 2016; thoả thuận việc xử lý tách bạch, giải chấp nghĩa vụ bảo đảm đối với toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của HAG và bên liên quan của HAG ra khỏi nghĩa vụ của nhóm HNG tại các tổ chức tín dụng (bao gồm BIDV) để tài sản thuộc sở hữu của nhóm HAG chỉ đảm bảo cho nghĩa vụ trái phiếu HAGL 2016.

Được biết, tính tới 30/6/2022, Hoàng Anh Gia Lai đang vay tổng cộng 9.021 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 6.440 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, cuối năm ngoái, khoản dư nợ trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai chủ yếu nằm ở chủ nợ BIDV với tổng số tiền 5.876 tỷ, đáo hạn vào cuối năm 2026. Khoản vay này nhằm mục đích bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của tập đoàn.

Về phía HAGL Agrico, tổng nợ vay của công ty tính tới 30/6/2022 là 6.165 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ từ ngân hàng là 3.009 tỷ còn lại 2.084 tỷ vay từ Hoàng Anh Gia Lai, 1.072 tỷ đồng vay từ công ty mẹ CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico). Trong đó, BIDV là chủ nợ ngân hàng lớn nhất của HNG với gần 1.223 tỷ.

Thagrico dừng đầu tư vào HAGL Agrico

Trước đó, ngày 23/7/2021,  HAGL Agrico cho biết phía Thaco, đại diện là Thagrico sẽ dừng việc đầu tư sở hữu 741,5 triệu cổ phiếu HNG như đã thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường trước đó.

Đây là số cổ phiếu HAGL Agrico dự kiến phát hành cho Thagrico nhằm hoán đổi khoản nợ 5.500 tỷ đồng và huy động vốn sử dụng cho việc thanh toán các khoản phải trả ngắn hạn và dài hạn.

Tuy nhiên sau khi cân nhắc, Thagrico cho biết có 3 lý do khiến công ty này dừng việc đầu tư sở hữu cổ phiếu HNG.

Thứ nhất, nhằm mục đích hỗ trợ HAGL Agrico trả nợ ngân hàng, doanh nghiệp này đã chi ra 7.623 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 3 công ty con từ HAGL Agrico (bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương, Công ty TNHH Đông Pênh và Công ty TNHH MTV Cao Su Trung Nguyên) với tổng diện tích 22.462ha tại Campuchia và Gia Lai. Dù đã hoàn tất việc thanh toán, nhưng đến nay (thời điểm ra thông báo tháng 7/2021) đã quá 2 năm mà Thagrico vẫn chưa nhận được giấy tờ đất của các công ty này, do các giấy tờ đất đang bị giữ lại ở BIDV.

Đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021, HAGL Agrico tiếp tục chuyển nhượng cho Thagrico thêm 4 công ty con, với tổng diện tích 20.744ha tại Koun Mom (Campuchia) và tại Đắk Lắk, Gia Lai. Tuy nhiên, giấy tờ đất của các công ty này đang thế chấp để bảo đảm cho các khoản nợ của HAGL tại BIDV.

“Trong khi đó, Thagrico đã đầu tư xây dựng hạ tầng, trồng mới cây ăn trái trên diện tích đất của các công ty đã chuyển nhượng, nhưng đến nay do không có giấy tờ đất, Thagrico không huy động được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho các dự án này”, Thagrico cho hay.

Thứ hai, trong điều kiện khó khăn của HAGL Agrico và phương án phát hành cổ phiếu chưa được thực hiện, thì từ đầu năm 2021 đến nay Hoàng Anh Gia Lai liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu HNG. Qua đó, đã giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông HAG tại HNG xuống còn 16,34% và sẽ còn giảm xuống 11,43% như thông tin Hoàng Anh Gia Lai đã công bố. Trong khi đó, theo phương án phát hành đã được ĐHĐCĐ thông qua, sau khi thực hiện, nhóm cổ đông Hoàng Anh Gia Lai phải duy trì tỷ lệ sở hữu tại HAGL Agrico là 25,24%. Việc này đã làm giảm giá trị cổ phiếu HNG xuống dưới mệnh giá.

Thứ ba, những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Thagrico, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp cho các nông trường tại Lào, Campuchia và xuất khẩu trái cây đến thị trường nước khác. Khó khăn này buộc Thagrico phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư và phát triển kinh doanh trong điều kiện mới.

Cho ông Đoàn Nguyên Đức vay, Hoàng Anh Gia Lai bị xử phạt

Ngày 15/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 578/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Trong đó, phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông (trong năm 2021, Công ty có khoản giao dịch cho vay với bên liên quan là cổ đông cá nhân).

Mặc dù văn bản không thuyết minh giao dịch cụ thể nhưng trong Báo cáo tài chính năm 2021, Công ty có thuyết minh cho ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT vay 102,2 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm.

Thêm nữa, trong Báo cáo thường niên năm 2021, Công ty cho biết ông Đoàn Nguyên Đức đang nắm giữ 34,5% vốn điều lệ tại Hoàng Anh Gia Lai và là cổ đông lớn của Công ty.

Thêm nữa, phạt tiền 60 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do công bố thông tin (CBTT) không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (Công ty CBTT không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh tài liệu sử dụng trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (Báo cáo tài chính năm 2021 riêng và hợp nhất đã được kiểm toán) và Nghị quyết Hội đồng quản trị số 0201/21/NQHĐQT-HAGL ngày 02/01/2021 thông qua chủ trương thực hiện các hợp đồng/giao dịch giữa Công ty với các bên liên quan, nhóm công ty liên quan trong năm 2021).

Và phạt tiền 60 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật (báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021 của Công ty chưa trình bày đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật về giao dịch giữa công ty với người có liên quan của công ty hoặc giữa công ty với cổ đông lớn, người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ trong năm 2021).

Tổng hình phạt đối với Hoàng Anh Gia Lai là 245 triệu đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/8, cổ phiếu HAG tăng 300 đồng lên 12.650 đồng/cổ phiếu.

Chứng khoán Việt hồi phục, xáo động nhân sự ngành chứng khoán, đình chỉ giao dịch của HAGL
VN-Index tăng 4,9% và nằm trong top 5 thị trường giao dịch tích cực nhất toàn cầu tuần qua bất chấp các thông tin tiêu cực liên quan đến nhân sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư