Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hoàng Anh Gia Lai: Kiểm toán nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục
Duy Bắc - 29/08/2022 14:38
 
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG – sàn HoSE) công bố Báo cáo kiểm toán báo cáo bán niên năm 2022.

Kiểm toán nhấn mạnh, Công ty có khoản lỗ luỹ kế tới 30/6/2022 là 3.938,5 tỷ đồng và những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh 2.6 cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Theo thuyết minh 2.6, tính tới 30/6/2022, Hoàng Anh Gia Lai đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan.

Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai tiến hành lập báo cáo tài chính hợp nhập giữa trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tính tới 30/6/2022 đang ghi nhận tổng nợ là 9.021,3 tỷ đồng. Trong đó, 3.295,9 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 5.725,3 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Công ty thuyết minh, vay ngắn hạn ngân hàng 691 tỷ đồng tại Sacombank; 499,99 tỷ đồng Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng …; đối với trái phiếu, đang ghi nhận 5.876 tỷ đồng do BIDV và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thu xếp phát hành, 300 tỷ đồng do TPBank thu xếp phát hành, 300 tỷ đồng do Công ty TNHH Chứng khoán ACB thu xếp phát hành …

Nói thêm về kế hoạch tương lai, Hoàng Anh Gia Lai cho biết đang tiến hành nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại Gia Lai, dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11/2022. Trong năm 2023, Công ty sẽ sản xuất ra được 1 triệu con heo mang thương hiệu heo ăn chuối Bapi. Trong tương lai, doanh thu từ các sản phẩm chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để trả nợ và mở rộng kinh doanh.

Lỗ luỹ kế 3.938,5 tỷ đồng, bằng 42,5% vốn điều lệ 

Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu tăng 150,6% so với cùng kỳ lên 2.030 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 522,84 tỷ đồng, tăng thêm 514,53 tỷ đồng (cùng kỳ 8,31 tỷ đồng).

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 329,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 357,17 tỷ đồng lên 465,46 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 39,6%, tương ứng giảm 188,36 tỷ đồng về 287,8 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 174,9%, tương ứng tăng thêm 675,55 tỷ đồng lên 1.061,79 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp bất ngờ giảm 1.003,88 tỷ đồng về âm 813,07 tỷ đồng (cùng kỳ 190,81 tỷ đồng); lợi nhuận khác giảm lỗ 175,44 tỷ đồng về ghi nhận lỗ 40,79 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Thực tế, lợi nhuận gộp tạo ra 465,46 tỷ đồng, thấp hơn chi phí tài chính 1.061,79 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty có lãi chủ yếu ghi nhận chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp âm.

Công ty thuyết minh trong 6 tháng đầu năm bất ngờ ghi nhận hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu khó đòi 1.030,4 tỷ đồng so với cùng kỳ 266,1 tỷ đồng.

Mặc dù ghi nhận lãi trong 6 tháng đầu năm nhưng tới 30/6/2022, tổng lỗ luỹ kế vẫn là 3.938,5 tỷ đồng, bằng 42,5% vốn điều lệ của Công ty.

Cho ông Đoàn Nguyên Đức vay, Hoàng Anh Gia Lai bị xử phạt

Ngày 15/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 578/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Trong đó, phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông (trong năm 2021, Công ty có khoản giao dịch cho vay với bên liên quan là cổ đông cá nhân).

Mặc dù văn bản không thuyết minh giao dịch cụ thể, nhưng trong Báo cáo tài chính năm 2021, Công ty có thuyết minh cho ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT vay 102,2 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm.

Thêm nữa, trong Báo cáo thường niên năm 2021, Công ty cho biết ông Đoàn Nguyên Đức đang nắm giữ 34,5% vốn điều lệ tại Hoàng Anh Gia Lai và là cổ đông lớn của Công ty.

Thêm nữa, phạt tiền 60 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do công bố thông tin (CBTT) không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (Công ty CBTT không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM tài liệu sử dụng trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (Báo cáo tài chính năm 2021 riêng và hợp nhất đã được kiểm toán) và Nghị quyết Hội đồng quản trị số 0201/21/NQHĐQT-HAGL ngày 02/01/2021 thông qua chủ trương thực hiện các hợp đồng/giao dịch giữa Công ty với các bên liên quan, nhóm công ty liên quan trong năm 2021).

Và phạt tiền 60 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật (báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021 của Công ty chưa trình bày đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật về giao dịch giữa Công ty với người có liên quan của Công ty hoặc giữa Công ty với cổ đông lớn, người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ trong năm 2021).

Tổng hình phạt đối với Hoàng Anh Gia Lai là 245 triệu đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/8, cổ phiếu HAG tăng 150 đồng, lên 12.750 đồng/cổ phiếu.

BAF, FNF huy động cả ngàn tỷ đồng trái phiếu; FLC sẽ "cứu" cổ phiếu; Hoàng Anh Gia Lai bị phạt
Fuji Nutri Food bán thành công lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng; BAF huy động 600 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. FLC 'cứu' cổ phiếu. Tiếp tục kiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư