Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cổ phiếu ngân hàng lan tỏa sức nóng
Vân Linh - 24/09/2018 09:07
 
Tuy không tránh khỏi những phiên điều chỉnh theo xu hướng thị trường, song cổ phiếu ngân hàng vẫn được giới phân tích chứng khoán đánh giá là nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt chính của thị trường, thu hút dòng tiền tốt nhất.

Dẫn dắt thị trường

Cùng với bất động sản, cổ phiếu ngân hàng được StoxPlus đánh giá là 2 nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường, đóng góp tới 40% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường trong nửa cuối năm. Hai nhóm này cũng thu hút một lượng lớn giá trị giao dịch hàng ngày là 47% so với đầu năm và hút 88% giá trị giao dịch ngoại tệ ròng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Diễn biến của 2 nhóm cổ phiếu này tác động rất lớn đến các chỉ số Index những tháng cuối năm. 

.

Theo StoxPlus, cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng 6,5% trong 9 tháng đầu năm 2018 và có xu hướng đi ngang trong vòng 3 tháng qua, song sẽ vẫn theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng phần lớn phụ thuộc vào sự phân hóa trong hệ thống. Các mã ngân hàng lớn, kinh doanh hiệu quả sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Đã có một số câu hỏi đặt ra cho kết quả kinh doanh cuối năm 2018 của ngân hàng, đặc biệt là khi room tín dụng được cơ quan quản lý siết lại. Song giới phân tích tài chính vẫn đưa ra nhận định khả quan về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng 2 quý còn lại của năm, nhất là trong quý IV/2018 khi nhu cầu vốn tăng cao. 

Ông Hoàng Huy, Trưởng phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, với tình hình tăng trưởng tín dụng tích cực trong 8 tháng đầu năm (tăng hơn 8%) so với đầu năm 2018 (song vẫn thấp nhất trong vòng 4 năm qua), tuy room tín dụng một số nhà băng gần cạn, song dư địa tăng trưởng tín dụng của toàn ngành trong những tháng cuối năm vẫn còn phân nửa. 

Trong khi NIM (biên lợi nhuận ròng) tăng, theo số liệu từ báo cáo tài chính của các nhà băng 2 quý đầu năm nay, chi phí vận hành và chi phí dự phòng của các ngân hàng giảm. Nợ xấu (gồm nợ bán cho VAMC) cũng ước giảm còn 3,67% cuối quý II/2018, thấp hơn mức 4,04% cuối năm 2017. Vì vậy, năm 2018, lợi nhuận các ngân hàng niêm yết vẫn được KIS Việt Nam ước tăng 30% nhờ thu nhập dịch vụ và thu nhập khác (thu hồi nợ xấu đã trích lập) tiếp tục tăng. 

Lan tỏa sức nóng

Thực tế, cổ phiếu ngành ngân hàng đã ấm lên từ cuối năm 2017 và lan tỏa sức nóng cho đến nay. Chính điều này đã thôi thúc không ít ngân hàng như VPBank, HDBank, Techcombank, TPBank và sắp tới là OCB lên sàn niêm yết; VIB, LienvietpostBank chuyển từ UpCom sang HoSE. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, OCB đang trong quá trình hoàn thiện các bước để niêm yết cuối năm nay. 

Với thông tin sắp niêm yết trên sàn chứng khoán, cổ phiếu OCB được giới đầu tư quan tâm. Điều này được thể hiện qua phiên đấu giá cổ phiếu OCB của Vietcombank mới đây, khi có 4 nhà đầu tư tranh mua, toàn bộ 1,4 triệu cổ phiếu đã được bán thành công cho 2 nhà đầu tư cá nhân, với giá trúng bình quân là 20.501 đồng/cổ phiếu.

Trong thời kỳ cổ phiếu ngân hàng “lên ngôi”, Vietcombank đang thu lãi lớn từ việc thoái vốn tại các ngân hàng từ cuối năm 2017 đến nay. Đó cũng là lý do Vietcombank dự định chào bán 53,4 triệu cổ phiếu MBB của MBBank, với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu. 

Theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đã góp phần giải quyết gần như toàn diện các vấn đề trong quá trình xử lý nợ, thu hồi tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng tích cực và việc khai thác kênh bảo hiểm sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào thu nhập từ phí của các nhà băng. 

Nửa đầu năm 2018, nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục với mức tăng trưởng 3 con số so với cùng kỳ 2017. Chính điều đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu. Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tăng giá 25-40%.

Sức nóng cổ phiếu “vua” đã thu hút sự trở lại của giới đầu tư, nhất là với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Trong đó, HDBank bán hơn 21% vốn, thu về trên 300 triệu USD đầu năm nay. Techcombank cũng hút được 370 triệu USD vốn ngoại trước khi niêm yết. Thế nhưng, không phải ngân hàng nào cũng được nhà đầu tư ngoại săn đón. Trong đó, các nhà băng nhỏ, yếu kém, khó xử lý được nợ xấu vẫn đối mặt với không ít khó khăn.

Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: TCB bật tăng 12%
Cùng VN-Index vượt thành công ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm, nhiều cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị mua, thậm chí khuyến nghị bán như HSG cũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư