Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cổ phiếu ngân hàng sàn UpCom bứt phá
T.V - 29/05/2021 08:55
 
Không chỉ cổ phiếu ngân hàng niêm yết sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) và sàn Hà Nội (HNX) mà ngay cả cổ phiếu “vua” giao dịch trên UpCom cũng bứt phá.

Cổ phiếu ngân hàng nhỏ dậy sóng

Hầu hết cổ phiếu ngân hàng nhỏ đang giao dịch trên sàn UpCom dậy sóng trong tuần rồi, vốn hoá toàn ngành đồng loạt tăng mạnh.

Kết phiên 28/5, toàn bộ mã cổ phiếu ngân hàng trên sàn UpCom như: mã NAB của Nam A Bank; BVB của Ngân hàng Bản Việt; VBB của VietBank; KLB của Kienlongbank đã ó sự tăng trưởng mạnh. Hay ngay cả mã PGB của PGBank mới lên sàn UpCom sau quyết định dừng M&A với HDBank và SGB của Saigonbank cũng có sự khởi sắc.

Giá cổ phiếu của các nhà băng kể trên đều tăng lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu, trong đó nhiều mã tăng trần, duy chỉ có SGB gần chạm ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu.

Cụ thể, giá cổ phiếu NAB đạt 23.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 28/5 và tăng gần 20% chỉ trong một tuần qua. Còn nếu tính trong 1 tháng qua, mã này tăng trên 38% và tăng hơn 64% trong một quý qua.

Trong khi đó, với BVB, tính từ phiên 20/5 đến kết phiên 28/5, giá cổ phiếu ngân hàng này đạt 23.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 60% và tăng hơn 88% chỉ trong 1 tháng qua.

Hay như mã VBB và SGB, mức tăng lần lượt là 53% và 49% cũng trong hơn 1 tuần. Bên cạnh đó, thanh khoản của nhóm cổ phiếu này cũng tăng đột biến trong những phiên gần đây.

Nếu như trước đây, thanh khoản của cổ phiếu BVB chỉ quanh mức trung bình 1,5 triệu đơn vị/phiên, thì con số này trong hơn một tuần trở lại đã tăng lên gần 7 – 8 triệu đơn vị/phiên. Riêng phiên 21/5 đạt kỷ lục hơn 12 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, đà tăng giá của cổ phiếu BVB được duy trì gần như liên tục, nhiều thời điểm tăng trần trong khi các cổ phiếu ngân hàng khác giảm điểm.

Tương tự, khối lượng giao dịch cổ phiếu VBB của Vietbank trong hai phiên phần nhất 27 - 28/5 đều đạt trên 400.000 đơn vị, cao nhất kể từ phiên IPO tháng 7/2019 đến nay.

Trong khi đó, mã PGB, giá cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây, đạt 20.800 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 28/5 so với mức giá chào sàn UpCom hồi cuối tháng 12/2020 là 15.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch của PGB cũng đạt trên 800.000 đơn vị trong phiên ngày 27/5.

Còn với KLB của Kienlongbank đã có sự bứt phá mạnh trong thời gian qua và duy trì 28.200 đồng/cổ phiếu kết phiên ngày 28/5.

Nhóm ngân hàng quy mô vừa cũng có mức tăng từ 18 - 28% như LPB, EIB, ABB, SSB... Mặt khác, cũng so sánh trong cùng khoảng thời gian này, những mã ngân hàng bluechip như MBB, CTG hay TCB chỉ tăng quanh mức 5 - 10%.

Mục tiêu nào cho 2021?

Quý I/2021, Ngân hàng Bản Việt đạt lợi nhuận 152 tỷ đồng, gấp ba cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản Ngân hàng đạt gần 62 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Tổng huy động vốn đạt hơn 55 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ. Đối với hoạt động cho vay, ngân hàng bám sát yêu cầu NHNN, với mức dư nợ cho vay đạt gần 42 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và tăng 5% so với đầu năm. Năm 2021, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 290 tỷ đồng, tăng 44% so năm 2020. 

Kết thúc quý đầu năm nay, tổng tài sản Nam A Bank đạt hơn 137.000 tỷ đồng (tăng 2,41% so với thời điểm cuối năm 2020); huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 111.000 tỷ đồng (tăng 5,53%), cho vay khách hàng đạt hơn 93.000 tỷ đồng (tăng hơn 5%). Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 460 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế Nam A Bank đưa ra năm nay ở mức 1.400 tỷ đồng.

Trong khi đó, nguyên nhân đóng góp vào tỷ trọng lợi nhuận cao của Kienlongbank quý đầu năm nay là do Ngân hàng tất toán xong khoản nợ xấu được thế chấp bởi 176 triệu cổ phiếu STB của Sacombank.

Tổng tài sản hợp nhất Kienglongbank đạt 61.942 tỷ đồng (tăng 8,14% so với năm 2020); tổng nguồn vốn huy động đạt 55.933 tỷ đồng (tăng 7,42% so với năm 2020); tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 35.747 tỷ đồng (tăng 2,97% so với năm 2020).

Tính đến ngày 31/3, tỷ lệ nợ xấu Kienlongbank là 1,19%, giảm 3,22% so với tỷ lệ nợ xấu ngày 31/12/2020. Lãi phải thu là 509 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lãi phải thu/tổng tài sản là 0,82% và tỷ lệ lãi phải thu/tổng dư nợ là 1,42%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 702,62 tỷ đồng.

Mặc dù cả tín dụng, huy động vốn tăng trưởng âm quý đầu năm, song Saigonbank vẫn đạt gần 59 tỷ đồng và gần 54 tỷ đồng lợi nhuận trước – sau thuế quý đầu năm nay, tăng lần lượt 21%, 22% so với cùng kỳ.

Với mục tiêu lợi nhuận 135 tỷ đồng trước thuế mà Saigonbank đưa ra cho năm nay là lợi nhuận sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.  

Kế hoạch tăng mạnh vốn

Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ vừa qua, Ngân hàng Bản Việt dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.050 tỷ đồng trong năm 2021 và 2022.

Giai đoạn một dự kiến sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 4.221 tỷ đồng, thông qua phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15%.

Giai đoạn hai, ngân hàng tiếp tục tăng vốn điều lệ tối đa 501 tỷ đồng theo 2 phương thức: phát hành hơn 35 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12%) cho cổ đông hiện hữu; đồng thời phát hành 15 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Tính tới cuối quý I/2021, vốn điều lệ hiện tại của Ngân hàng Bản Việt là gần 3.671 tỷ đồng và ngân hàng vẫn chưa hoàn tất kế hoạch tăng vốn giai đoạn hai mà ĐHĐCĐ đã phê duyệt tại cuộc họp bất thường ngày 26/8/2020.

Theo kế hoạch này, ngân hàng sẽ còn tăng vốn thêm 404 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 11%.

Như vậy, nếu hoàn thành tất cả các kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của Ngân hàng Bản Việt dự kiến đạt hơn 5.125 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với hiện tại).

Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT Lê Anh Tài là 3,24%; Tổng Giám đốc Ngô Quang Trung là 3,53%; Thành viên HĐQT Nguyễn Nhất Nam và người nhà là 2,08%; ba Phó TGĐ là ông Phạm Anh Tú, ba Nguyễn Thị Thu Hà, ông Lê Văn Bể Mười mỗi người sở hữu xấp xỉ 1,05%; Kế toán trưởng Lý Công Nha sở hữu 0,96%.

Tổng cộng các lãnh đạo cấp cao của VietCapitalBank nắm giữ khoảng 13% vốn cổ phần của ngân hàng. Trong thời gian gần đây, nhóm những cổ đông trên chưa có bất kỳ động thái nào về việc giao dịch cổ phiếu.

 Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra cuối tháng 4/2021 đã thông qua việc tăng vốn điều lệ trong giai đoạn tiếp theo lên 8.564 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ.

Trong đó, ĐHCĐ Nam A Bank đã thông qua mức chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 14,68%. Đồng thời, Nam A Bank cũng sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 12,48%.

Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức mà cổ đông có thể nhận được trong năm nay tối đa là 27,16%. Cổ tức được chia từ nguồn tiền 1.240 tỷ đồng lấy từ lợi nhuận giữ lại các năm trước.

Tương tự, ĐHCĐ thường niên 2021 của Kienlongbank cũng thông qua tỷ lệ chia cổ tức 2020 dự kiến 17% bằng cổ phiếu tăng vốn. Trong khi đó, Saigonbank không được chia cổ tức, vì đang giai đoạn tự tái cấu trúc.

Giá cổ phiếu ngân hàng nhỏ bứt phá gần đây được cho là vốn hoá còn thấp là động lực tăng trưởng chính của các ngân hàng nhỏ, trong bối cảnh các cổ phiếu vốn hoá lớn cùng ngành đang bứt tốc và có xu hướng tạo lập mặt bằng giá mới.

Ngân hàng tăng trích dự phòng bao phủ nợ xấu
Được giãn thời gian tái cơ cấu nợ đến hết 2021 và có thể trích lập dự phòng trong 3 năm với các khoản nợ xấu do Covid-19, song các nhà băng đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư