Thứ Tư, Ngày 30 tháng 04 năm 2025,
Cổ phiếu ngành thép nối sóng bất động sản
Hải bằng - 05/06/2013 07:52
 
Sau các công ty bất động sản, doanh nghiệp ngành thép cũng được đánh giá nằm trong đối tượng được hưởng lợi gián tiếp từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Nhờ đó, giá cổ phiếu thép có xu hướng tăng.

Cổ phiếu doanh nghiệp ngành thép đang có xu hướng tăng

Mặc dù không thuộc đối tượng được rót tiền trực tiếp trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho vay xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhưng các doanh nghiệp thép đang đứng trước cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, khi các dự án nhà xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, trong nhiều phiên giao dịch gần đây, một số cổ phiếu ngành thép đang theo đà đi lên. Sóng của các cổ phiếu ngành thép có xu hướng nối tiếp theo sóng của một số cổ phiếu bất động sản đã hình thành trước đó.

Cụ thể, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng từ mức hơn 26.000 đồng/cổ phiếu (cuối tháng 4) lên mức 32.800 đồng/cổ phiếu vào phiên ngày 31/5.

Tuy nhiên, một vụ cháy xảy ra chiều 31/5 tại nhà máy luyện thép giai đoạn 2 - Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn (Hải Dương) cũng làm cho cổ phiếu HPG có phần chao đảo chút ít, khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần này. Giá cổ phiếu HPG sụt nhẹ xuống mức 32.200 đồng/cổ phiếu.

Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho biết, thiệt hại của vụ cháy ước khoảng 1 tỷ đồng. “Tuy vậy, vụ cháy này không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của giai đoạn 1, cũng như tiến độ thi công của giai đoạn 2 - Khu liên hợp gang thép”, ông Hà khẳng định.

Trong khi đó, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng là một trong những tâm điểm của công chúng thời gian qua. Từ cuối tháng 4 đến nay, cổ phiếu HSG đã tăng mạnh từ mức chỉ khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu lên 52.000 đồng/cổ phiếu.

Việc tăng giá của cổ phiếu HSG có một phần nhờ từ hiệu ứng Hoa Sen tài trợ cho sự kiện đưa nhân vật Nick Vujicic đến Việt Nam. Sau khi sự kiện trên đã lắng xuống, cổ phiếu HSG vẫn tiếp tục tăng, cùng với nhịp đi lên chung của nhiều cổ phiếu ngành thép khác.

Bên cạnh đó, cũng có một số cổ phiếu thép ở mức giá “lẹt đẹt”, gần đây cũng đã bất ngờ bứt phá tăng khá mạnh.

Chẳng hạn, cổ phiếu BVG của Công ty cổ phần Thép Bắc Việt bật tăng mạnh, từ mức chỉ 2.700 đồng/cổ phiếu hồi giữa tháng 5 lên trên 3.700 đồng/cổ phiếu vào thời điểm hiện tại. Kết quả này cũng một phần nhờ vào kết quả sản xuất - kinh doanh khả quan trong quý I/2013 của Thép Bắc Việt.

Trong quý I vừa qua, Thép Bắc Việt đã có khoản lợi nhuận sau thuế hơn 6 tỷ đồng, một tiến bộ đáng kể so với mức lỗ hơn 13 tỷ đồng trong quý I/2012).

Đây cũng là lần đầu tiên sau 4 quý lỗ liên tiếp, Thép Bắc Việt có lãi.

Tương tự, cổ phiếu HLA của Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu cũng có mức tăng khá ấn tượng, từ mức chỉ khoảng 6.300 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 5 đã tăng lên tới gần 8.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ phiếu DNY của Công ty cổ phần Thép Dana Ý chỉ bắt đầu dậy sóng từ vài phiên giao dịch gần đây. Theo đó, tại phiên ngày 27/5, giá cổ phiếu DNY chỉ ở mức 8.900 đồng/cổ phiếu, nhưng nay đã chạm mốc 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng trên 10% chỉ trong vòng hơn 1 tuần.

Kỳ vọng của giới đầu tư vào các cổ phiếu ngành thép là hoàn toàn có cơ sở, bởi trong chủ trương chung của các ngân hàng trong việc giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng, thời gian đầu nguồn vốn sẽ được ưu tiên cho việc tạo sản phẩm.

Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, trong chương trình giải ngân gói tín dụng hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, BIDV đã xác định kề vai sát cánh với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Trong thời gian đầu, các ngân hàng sẽ tập trung nguồn tiền cho các doanh nghiệp để tạo nguồn hàng. Cụ thể, trong 2 - 3 năm đầu, tỷ lệ tiền cho vay dành cho đối tượng doanh nghiệp/người mua nhà là 60%/40%; từ năm thứ 4 trở đi, tỷ lệ mới thay đổi theo hướng giảm còn 30%/70%. Từ năm thứ 5 trở đi, đối tượng cá nhân mua nhà mới chiếm tỷ trọng áp đảo lên đến 90%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư