Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cổ phiếu nhà băng điều chỉnh, VN-Index chỉ tăng nhẹ cuối phiên
Thanh Thủy - 12/10/2021 17:03
 
Cổ phiếu ngân hàng chưa thể duy trì được đà tăng. Mất đi trụ cột này, VN-Index có lúc giảm sâu từ mức đỉnh 1.400 điểm, nhưng rồi vẫn đóng cửa trong sắc xanh.

Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán châu Á khi hàng loạt chỉ số giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,35%; sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến lần lượt bốc hơi 1,25% và 1,62%. Thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong số ít chỉ số đóng cửa trong sắc xanh. VN-Index kết phiên tăng 0,71 điểm (+0,05%) lên 1.394,8 điểm. HNX-Index tăng 0,36% lên 375,68 điểm. UPCoM-Index tăng 0,01% lên 98,81 điểm.

Dù vẫn giữ được sắc xanh, áp lực bán đã tăng mạnh, đặc biệt trong phiên chiều. Đà tăng liên tục 6 phiên trước kéo VN-Index vượt qua mốc 1.400 điểm vào đầu giờ sáng nay. Tuy nhiên, chỉ số sàn HoSE đã không thể vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng này, có thời điểm giảm gần 10 điểm từ đỉnh về 1.390 điểm.

VN-Index chạm mốc 1.400 điểm đầu phiên sáng
VN-Index chạm mốc 1.400 điểm đầu phiên sáng nhưng không thể duy trì - Nguồn: Pinetree

Nhóm cổ phiếu tài chính – động lực thúc đẩy đà tăng của chỉ số phiên liền trước quay đầu điều chỉnh mạnh. 4/10 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index nằm ở nhóm này, gồm VCB, CTG, TPB, SSI.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ được đà tăng đầu phiên sáng và là một trong các động lực kéo VN-Index vượt 1.400 điểm. Tuy nhiên, đến cuối phiên, dòng cổ phiếu này đã phân hóa với sắc đỏ áp đảo. Chỉ một vài cổ phiếu tăng điểm đáng kể như NVB (+3,55%), VIB (+1,26%).

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, MWG hay DGC trở thành trụ cột nâng đỡ chỉ số. Tương tự, HNX-Index có thể giữ được sắc xanh trong phiên hôm nay nhờ vào một số cổ phiếu chính như tân binh KSF tiếp tục tăng kịch trần hay NVB, PVS. Trên sàn UPCoM, ACV và BSR là những trụ cột chính nâng đỡ thị trường.

Nhóm cổ phiếu dầu đã có phiên giao dịch bứt phá khi giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức cao, dầu Brent tiến sát đỉnh ba năm (84,6 USD/thùng). Cổ phiếu BSR tăng 4,1% hay PVD, PVC đều tăng trên 3%. Trong khi đó, cổ phiếu một số doanh nghiệp phân phối khí như GAS và các công ty con lại điều chỉnh giảm.

Trên sàn HoSE, VN30-Index giảm nhẹ 0,05%. Nhóm chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (VNSML-Index) trong khi đó tăng 0,57%. Một số cổ phiếu có liên quan đến nhómLouis liên tục giảm mạnh thời gian qua lại tăng biên độ trong phiên này như BII, TDH, VKC hay APG, SMT cũng tăng mạnh. Trái với sự thất thường của cổ phiếu đầu cơ trên, cổ phiếu của Louis Capital (TGG) “bền bỉ” giảm kịch sàn 10/12 phiên giao dịch gần đây, qua đó bốc hơi gần 62% từ đỉnh.

Trừ sàn UPCoM, số lượng mã cổ phiếu giảm giá áp đảo trên hai sàn niêm yết. Sàn HoSE có 228 mã giảm trong khi chỉ 175 mã tăng giá. Sắc đỏ cũng áp đảo trên HNX với 122 mã giảm và 101 mã tăng.

Thanh khoản trong phiên hôm nay giảm nhẹ nhưng vẫn giữ được ở mức cao, một phần còn bởi phiên hôm qua ghi nhận giao dịch thỏa thuận lớn với quy mô hơn 2.000 tỷ đồng tại cổ phiếu MML. Giá trị giao dịch trên ba sàn phiên nay xấp xỉ 26.970 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị khớp lệnh đạt 24.779 tỷ đồng, tăng 1,2% so với hôm qua. Hai cổ phiếu có giá trị chuyển nhượng trên nghìn tỷ là SHB (1.143 tỷ đồng) và HPG (1.035 tỷ đồng).

Khối ngoại tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng nhưng giá trị bán ròng hôm nay khá khiêm tốn (chỉ hơn 50 tỷ đồng). Trong khi cổ phiếu HPG bị bán ròng gần 120 tỷ đồng, cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao ta được giải ngân thêm tới 270 tỷ đồng. Cổ phiếu Vincom Retail (VRE) cũng được mua ròng mạnh (81 tỷ đồng). Khối ngoại mua ròng cổ phiếu FMC 6 phiên liên tiếp, đặc biệt giải ngân mạnh đều trên 200 tỷ đồng trong 2 phiên đầu tuần vừa qua.

[Infographic] Cuộc sống "bình thường mới" tại một số quốc gia châu Á
Chấp nhận sống chung với COVID-19 và thiết lập trạng thái “bình thường mới”, các nước trên thế giới đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư