Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Cổ phiếu nhà Vingroup bật tăng, dòng tiền giao dịch sôi động
Tùng Linh - 30/03/2023 18:21
 
Ba cổ phiếu VIC, VHM, VRE cũng là các trụ cột chính giúp VN-Index xác lập chuỗi tăng phiên thứ 8 liên tiếp.
TIN LIÊN QUAN

Sắc xanh lan tỏa

Chỉ số hai sàn niêm yết giao dịch trong sắc xanh ở toàn bộ phiên. VN-Index đã vững vàng vượt qua ngưỡng tâm lý 1.050 điểm sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp. Trong phiên 30/3, VN-Index có lúc tiến sát 1.066 điểm nhưng sau đó kết phiên chỉ còn tăng 3,11 điểm (+0,29%), lên 1.059,44 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 0,36 điểm (+0,17%), lên 205,95 điểm. Riêng chỉ số sàn UpCoM giảm 0,24 điểm (-0,31%), xuống 76,49 điểm sau phiên bứt lên mạnh mẽ (+1,52%) liền trước.

Phiên tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam chung nhịp với đa phần các sàn chứng khoán châu Á. Một số ít thị trường như Nhật Bản đóng cửa trong sắc đỏ.

Các trụ cột chính đóng góp vào phiên tăng điểm hôm nay có sự xuất hiện của cả ba cổ phiếu nhà Vingroup. VHM tăng 3,23% và là cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất (1,73 điểm). Phiên tăng hôm nay cũng giúp vốn hóa của Vinhome tiến sát vị trí thứ hai của BIDV trong bảng xếp hàng tổ chức niêm yết có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán. Không riêng VHM, VRE cũng tăng 2,2%; VIC tăng 0,37%.

Reuters hôm nay đã đưa tin về việc Vincom Retail Việt Nam đang đàm phán bán cổ phần với nhà đầu tư chiến lược. Các nguồn tin cho biết tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group và các công ty khác đang đàm phán để mua cổ phần của Vincom Retail, hãng tin này cho hay.

Ngoài bộ ba nhà Vingroup, top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến chỉ số còn gồm VCB, HDB, STB, PLX, ACB, MSB, MSN. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu kéo lùi VN-Index lần lượt là TCB, GAS, SHB.

Dòng ngân hàng phân hóa khá mạnh với số lượng cổ phiếu tăng/giảm ngang ngửa. Trên cả ba sàn, tổng cộng có 347 mã tăng, 27 mã tăng trần; trong khi chỉ có 320 mã giảm và 23 mã giảm sàn.

Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2304 kết phiên tăng tốt 8,5 điểm (0,80%), tiếp tục thu hẹp mức chênh lệch xuống -2,75 điểm so với VN30. Theo chuyên gia phân tích từ Chứng khoán SHS, các kỳ hạn dài hơn VN30F2305, VN30F2306, VN30F2309 thu hẹp mức chênh lệch xuống còn -5,24 điểm đến - 8,24 điểm cho thấy các trader đang đang có kỳ vọng tốt hơn về khẳ năng đảo chiều tích cực của VN30 trong tương lai.

Thanh khoản hồi phục, khối ngoại bán ròng 422 tỷ đồng

Không chỉ điểm số hồi phục tích cực, thanh khoản phiên 30/3 cũng hồi phục mạnh với giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt gần 12.410 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch trên sàn HoSE vẫn chiếm phần lớn với gần 634 triệu đơn vị cổ phiếu được sang tay, giá trị chuyển nhượng đạt 11.043 tỷ đồng.

Cổ phiếu hút dòng tiền mạnh nhất là STB với thanh khoản đạt 1.019 tỷ đồng.  Trong một thời gian dài, hiếm khi thị trường  xuất hiện cổ phiếu giao dịch nghìn tỷ.  Ngoài cổ phiếu này, giao dịch cũng tập trung lớn ở SSI (496 tỷ đồng), HPG (438 tỷ đồng) hay NKG (419 tỷ đồng).

Thông tin khoản lỗ sau kiểm toán của Nam Kim tăng vọt đã đẩy giá cổ phiếu thép này giảm sâu tới 4,27%. Trong khi đó, STB tăng 2,56% bất chấp là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trong phiên.

Các nhà đầu tư nước ngoài bán ra 313 tỷ đồng trong khi chi 89 tỷ đồng mua vào cổ phiếu STB. Giá trị mua ròng riêng cổ phiếu Sacombank đạt 284 tỷ đồng. Ngoài STB, khối ngoại cũng mạnh tay bán cổ phiếu SSI (77 tỷ đồng) và DGW (70 tỷ đồng). Cả hai cổ phiếu này đều giảm, cá biệt DGW giảm kịch biên độ.

Trong khi đó, cổ phiếu Hòa Phát được khối ngoại mua ròng 76 tỷ đồng. Doanh nghiệp ngành thép này vừa tổ chức đại hội cổ đông năm 2023 vào sáng nay (30/3). Kế hoạch lợi nhuận 8.000 tỷ đồng cho năm 2023. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết dự phóng vẫn lỗ trong quý I/2023. Tuy nhiên, tháng 1, 2/2023 bị lỗ ở trong mức thấp hơn tập đoàn dự kiến. Tháng 3 do giá bán tăng thì đã có kết quả tốt hơn (có khả năng có lãi).

Khối ngoại bán ròng tổng cộng 422 tỷ đồng trên cả ba sàn. Đây cũng là phiên bán ra thứ hai liên tiếp của nhóm này. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư