Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cổ phiếu Petro Times sắp chuyển sàn sang HNX
Phúc Minh - 07/06/2023 17:26
 
Petro Times rời sàn UPCoM sau một năm giao dịch.
.
Petro Times tập trung mũi nhọn vào phân phối xăng dầu, vận tải xăng dầu và đầu tư các cây xăng bán lẻ

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa hủy đăng ký giao dịch đối với 15.000.000 cổ phiếu PPT của Công ty cổ phần Petro Times trên hệ thống giao dịch UPCoM. Ngày hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu là vào 13/6/2023. Ngày 12/6/2023 là ngày giao dịch cuối cùng. 

HNX đã chấp thuận cho Petro Times được niêm yết 15.000.000 cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này trên sàn HNX cũng như giá tham chiếu ngày chào sàn chưa được công bố.

Đóng cửa cuối phiên 7/6, giá cổ phiếu giao dịch ở mức 16.300 đồng, tương đương quy mô vốn hóa 244 tỷ đồng.

Theo quy định hiện hành, một trong các điều kiện đưa cổ phiếu lên niêm yết là giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM tối thiểu 2 năm, trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết đã chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa. Dù mới giao dịch một năm, Petro Times đã thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 70 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu ra công chúng cho nhà đầu tư hiện hữu với mục đích bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh trong năm 2022.

Công ty cổ phần Petro Times tiền thân là Công ty cổ phần Thương mại vật tư dầu khí Hải Phòng, cổ phần hóa từ năm 2015 với số vốn điều lệ ban đầu là 4,5 tỷ đồng và hoạt động chính trong lĩnh vực cung ứng các sản phẩm dầu khí. Sau quá trình phát triển, công ty đã tiến hành tăng vốn lên 15 tỷ đồng năm 2018 với định hướng tập trung mũi nhọn vào phân phối xăng dầu, vận tải xăng dầu và đầu tư các cây xăng bán lẻ.

Năm 2021, Công ty đã tiến hành tăng vốn từ 15 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng, xây dựng công ty theo mô hình công ty đại chúng. Cuối năm 2022, công ty tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã tăng gấp 10 lần trong chưa đầy hai năm.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023 mới công bố, doanh thu thuần của Petro Times đạt hơn 584 tỷ đồng tăng 61,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1,4 tỷ đồng, giảm mạnh 47,75% so với quý I/2022.

Giải trình về chênh lệch lợi nhuận sau thuế, Chủ tịch hội đồng quản trị Phạm Văn Kỳ cho biết doanh thu của công ty tăng mạnh so với cùng kỳ quý I/20222. Tuy nhiên, giá xăng dầu năm 2023 duy trì ổn định sau thời gian biến động mạnh mẽ trong năm 2022, do đó biên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty thấp. Bên cạnh đó, các chi phí liên quan đến hoạt dộng sản xuất kinh doanh của công ty tăng mạnh so với cùng kỳ .

Trong năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty tăng khá mạnh  so với năm 2021. Doanh thu thuần đạt hơn 2.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7 tỷ đồng, tăng lần lượt 48,03% và 65,34% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng tài sản của công ty đã tăng gần 65 tỷ đồng trong năm 2022, từ 264 tỷ đồng lên 329 tỷ đông). Tỷ suất hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) đạt 2,36%, hiệu suất sử dụng tài sản là khá cao trong diễn biến thị trường xăng dầu biến động mạnh. Nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 còn hơn 165,1 tỷ đồng, giảm gần 11,8 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó toàn bộ là các khoản nợ ngắn hạn. Trong cơ cấu nợ không có khoản nợ xấu và các khoản nợ hoàn toàn trong khả năng chi trả.

Petro Times đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023, tăng vốn điều lệ lên 157,5 tỷ đồng (tăng 7,5 tỷ đồng so với hiện tại). Doanh thu mục tiêu đạt 2.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 9 tỷ đồng và không chia cổ tức. Tính đến hết quý I/2023, doanh thu của Petro Times đạt được 23,36% và lợi nhuận sau thuế đạt được 15,5% so với kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Theo báo cáo của ban lãnh đạo, Công ty Petro Times xây dựng phương hướng hoạt động đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và phát triển các định hướng kế hoạch cụ thể để thúc đẩy doanh thu, đạt mức tăng trưởng cao; mở rộng đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, thực hiện nghiên cứu để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; lên kế hoạch chi tiết thúc đẩy tiến độ đầu tư của các dự án hiện tại, mở rộng phương án huy động vốn, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược.

ĐHĐCĐ CC1: Tiếp tục kế hoạch chuyển sàn sang HoSE
Sáng ngày 12/5, Tổng công ty Xây dựng Số 1 – CTCP (mã CC1 – sàn UPCoM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với chủ đề “Vững...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư