Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cổ phiếu Sacombank bất ngờ tăng trần, khớp lệnh bùng nổ gần 100 triệu cổ phiếu
Vân Linh - 30/03/2021 18:31
 
Cổ phiếu STB của Sacombank đã có những biến động bất thường trong phiên giao dịch ngày 30/3, tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh bùng nổ gần 100 triệu cổ phiếu.

Đầu phiên giao dịch chiều 30/3, cổ phiếu STB bất ngờ tăng trần với khối lượng giao dịch cao đột biến. Đến 16h chiều nay, thị giá của STB dừng ở mức 20.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi so với đầu năm nay, dư mua trần hơn 6 triệu cổ phiếu.

Khối lượng giao dịch đã thực hiện trong phiên đạt 99,9 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị giao dịch lên hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua vào hơn 3,6 triệu cổ phiếu.

Trước đó, gần 45,2 triệu cổ phiếu STB cũng được giao dịch thỏa thuận ở mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị gần 901,5 tỷ đồng trong phiên ngày 24/3.

Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu STB trong phiên ngày 24/3 ở mức 68,1 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị hơn 1.329 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu STB ghi nhận nhiều lệnh thỏa thuận số lượng lớn. Cụ thể, ngày 22/3, hơn 11,6 triệu cổ phiếu được trao tay với giá trị gần 232 tỷ đồng.

Hay trong các phiên ngày 10/3 và 17/3, hơn 30,5 triệu cổ phiếu STB cũng được thỏa thuận với tổng giá trị hơn 608,5 tỷ đồng. Tổng khối lượng thỏa thuận từ đầu tháng 3 đến nay là gần 96,8 triệu cổ phiếu, với giá trị hơn 1.937 tỷ đồng.

Trước hiện tượng khối lượng giao dịch bất thường của cổ phiếu STB khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng tới Kienlongbank, tổ chức từng rao bán 176 triệu cổ phiếu STB nhằm xử lý tài sản bảo đảm cho khoản vay tại Kienlongbank trước đó.

Bởi trước đó không lâu vào cuối năm 2020, KienLongBank đã tăng tốc bán ra cổ phiếu STB với những phiên có lượng khớp lên tới gần 60 triệu đơn vị khi thị giá cổ phiếu STB vọt lên vùng 21.000 đồng/cổ phiếu.

Kienlongbank đã 2 lần chào bán hơn 176 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ với giá khởi điểm lần 1 là 24.000 đồng/cổ phiếu, sau đó lần 2 hạ xuống là 21.600 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2020, nhưng đều bất thành. Vì giá thời điểm đó của cổ phiếu STB dưới 12.000 đồng/cổ phiếu.

Đầu năm 2021, Kienlongbank có kế hoạch bán toàn bộ cổ phần STB, là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm cổ đông, để tất toán nợ có liên quan chậm nhất là ngày 31/3/2021.

Bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Kienlongbank cho biết, mục tiêu trọng tâm mà Kienlongbank đặt ra trong năm 2020 là giải quyết các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB theo Đề án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của Kienlongbank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên, năm 2020 phát sinh dịch bệnh Covid-19 ngoài mong muốn, đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch xử lý cổ phiếu STB.

Tính đến ngày 31/12/2020, Kienlongbank đã bán được một phần cổ phiếu STB, giảm được 369 tỷ đồng nợ xấu. Vì lý do trên dẫn đến kết quả kinh doanh của Kienlongbank chưa đạt theo kế hoạch đã đề ra.

Theo báo cáo cập nhật tình hình xử lý cổ phiếu STB của Tổng giám đốc Kienlongbank, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 29/1/2021, ngân hàng này đã bán được thêm cổ phiếu STB.

Đến cuối tháng 1/2021, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank đã giảm về mức dưới 3%, đã thoái 100% lãi phải thu có liên quan, trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định.

Về cơ bản, Kienlongbank đã thực hiện hoàn tất gần hết các nội dung theo đúng Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt.

Kienlongbank cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc bán toàn bộ cổ phiếu STB nói trên và tất toán nợ vay có liên quan chậm nhất là ngày 31/3/2021. Tức chỉ còn ngày hôm nay và ngày mai Kienlongbank sẽ hoàn thành việc bán 176 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ xấu.

Ngoài Kienlongbank, Eximbank cũng lên kế hoạch bán tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB để thu hồi nợ xấu. Theo đó, gần 5% cổ phần STB là tài sản đảm bảo cho một số khoản vay tại Eximbank cũng được không ít nhóm nhà đầu tư dạm hỏi mua.

Trong một báo cáo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra khuyến nghị, mua STB dựa trên cơ sở kỳ vọng Sacombank có thể xử lý được 16.100 tỷ đồng tài sản tồn đọng trong năm 2021 nhờ thu hồi một phần đáng kể nợ xấu được đảm bảo bằng khu công nghiệp Phong Phú.

Nghi vấn đổi tên, lãnh đạo KienlongBank nói gì?
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Lê Hồng Phương, tân Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP KienlongBank cho hay, các kế hoạch thay đổi đang được ngân hàng xem...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư