Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Cổ phiếu tăng nóng, DIC Corp rút ngắn thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu ESOP
Duy Bắc - 26/07/2023 07:20
 
Cổ phiếu bật tăng 133%, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG – sàn HoSE) rút ngắn thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu ESOP năm 2021 xuống 1 năm.

Cụ thể, DIC Corp vừa thông qua điều chỉnh thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2021 (ESOP) được thông qua ngày 22/4/2021 từ hạn chế chuyển nhượng 3 năm sang 2 năm.

Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 22/4/2021, DIC Corp thông qua việc phát hành tối đa 15 triệu cổ phiếu ESOP với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ khi hoàn thành đợt phát hành.

Tới tháng 8/2021, DIC Corp hoàn thành đợt phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng 3,66% tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành.

Như vậy, sau điều chỉnh rút ngắn thời gian hạn chế giao dịch, cổ phiếu ESOP năm 2021 sẽ được giao dịch trong tháng 8/2023 thay vì tháng 8/2024 như kế hoạch ban đầu.

Bối cảnh rút ngắn thời gian giao dịch, từ ngày 14/3/2023 đến ngày 25/6/2023, cổ phiếu DIG tăng 133% từ 11.000 đồng lên 25.600 đồng/cổ phiếu và là một trong số những cổ phiếu bật tăng mạnh trên thị trường.

Tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi của DIC Corp ngày một tăng cao (Nguồn: DIC Corp)
Tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi của DIC Corp ngày một tăng cao (Nguồn: DIC Corp)

Một điểm đáng lưu ý khác, DIC Corp là một doanh nghiệp có tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài tương đối cao. Trong đó, đỉnh điểm ngày 31/12/2020, DIC Corp có 4 cổ đông lớn là Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn sở hữu 9,86% vốn điều lệ; con trai Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường sở hữu 8,71% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân sở hữu 20,45% vốn điều lệ; CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam sở hữu 21,25% vốn điều lệ; và còn lại bên ngoài là 39,73% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, việc gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp cuối năm 2022, cộng với hai cổ đông lớn là Thiên Tân và Địa ốc Him Lam thoái vốn xuống dưới 5% vốn điều lệ, tỷ lệ trôi nổi bên ngoài hiện tại lên tới 82,69% vốn điều lệ và đây là nguyên nhân Công ty liên tục không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành công do tỷ lệ cổ đông tham dự thấp hơn yêu cầu của Điều lệ Công ty.

Quý I/2023, DIC Corp thoát lỗ nhờ thu nhập đột biến từ các khoản đầu tư

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 196,79 tỷ đồng, giảm 62,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 76,58 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 33,2% về còn 21,5%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 75,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 129,97 tỷ đồng, về 42,36 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng đột biến 609,6%, tương ứng tăng thêm 146,18 tỷ đồng, lên 170,16 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 77,1%, tương ứng tăng thêm 29,37 tỷ đồng, lên 67,47 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 44,4%, tương ứng giảm 32,79 tỷ đồng, về 41,06 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2023, DIC Corp ghi nhận lợi nhuận cốt lõi âm 66,17 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 60,38 tỷ đồng, tức giảm 126,55 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý đầu năm 2023, DIC Corp thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến.

DIC Corp thuyết minh thêm doanh thu tài chính chủ yếu do phát sinh đột biến 162,44 tỷ đồng từ thu nhập các khoản đầu tư.

Được biết, trong năm 2023, DIC Corp đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 101,3 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 7,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tiếp tục mô hình thâm hụt dòng tiền

 Xét về dòng tiền, trong quý I/2023, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 75,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.495,99 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 1.143,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm 1.108,4 tỷ đồng.

Được biết, kể từ năm 2019 tới năm 2022, DIC Corp liên tục duy trì dòng tiền kinh doanh thâm hụt và âm. Trong đó, năm 2019 ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 245,4 tỷ đồng; năm 2020 ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 504,3 tỷ đồng; năm 2021 ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 1.966,5 tỷ đồng; và năm 2022 ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 2.205,9 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của DIC Corp giảm 6,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 921,1 tỷ đồng, về 13.826,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 6.037,1 tỷ đồng, chiếm 43,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 4.362,3 tỷ đồng, chiếm 31,5% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 1.381,2 tỷ đồng, chiếm 10% tổng tài sản và các khoản mục khác chiếm không đáng kể.

Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu các khoản phải thu dài hạn giảm 42% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.000,5 tỷ đồng, về 1.381,2 tỷ đồng; tồn kho tăng 1,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 113,8 tỷ đồng, lên 6.037,1 tỷ đồng…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/6, cổ phiếu DIG tăng 60 đồng lên 25.600 đồng/cổ phiếu.

DIC Corp tiếp tục biến động lãnh đạo cấp cao trước thềm ĐHĐCĐ thường niên lần 2
Sau khi bị miễn nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, ông Hoàng Văn Tăng tiếp tục có đơn xin miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư