Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
DIC Corp tiếp tục biến động lãnh đạo cấp cao trước thềm ĐHĐCĐ thường niên lần 2
Duy Bắc - 08/07/2023 06:47
 
Sau khi bị miễn nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, ông Hoàng Văn Tăng tiếp tục có đơn xin miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG).

Cụ thể, ngày 6/7, DIC Corp nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị của ông Hoàng Văn Tăng.

Trước đó, ngày 6/6, DIC Corp thông báo miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Hoàng Văn Tăng và bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Tín vào vị trí thay thế.

Ông Hoàng Văn Tăng
Ông Hoàng Văn Tăng

Theo tìm hiểu, ông Hoàng Văn Tăng trình độ Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, cử nhân kinh tế. Từ tháng 7/2019 đến ngày 6/6/2023, ông Tăng giữ chức Tổng giám đốc và từ ngày 6/1/2018 đến nay, ông Tăng giữ chức danh thành viên HĐQT DIC Corp.

Như vậy, ông Tăng sẽ không còn nắm giữ hai vị trí quan trọng Tổng giám đốc và thành viên HĐQT từ năm 2023.

Ngược lại, ngày 5/6, DIC Corp thành lập Ủy ban Đầu tư trực thuộc HĐQT và ông Hoàng Văn Tăng được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch.

Trong đó, Ủy ban Đầu tư có chức năng, nhiệm vụ xác định các chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn, mục tiêu và kế hoạch cũng như chỉ tiêu thành tích cơ bản của DIC Corp; xác định các ưu tiên hoạt động của DIC Corp và đánh giá hiệu quả dài hạn các hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực đầu tư dự án bất động sản, Ủy ban Đầu tư có nhiệm vụ thẩm tra, thẩm định các đề xuất về nghiên cứu đầu tư, chủ trương đầu tư các dự án trong lĩnh vực đầu tư phát triển nhà ở, đô thị mới, du lịch, dịch vụ, bất động sản công nghiệp…; thông qua các quy định nội bộ về công tác đầu tư dự án.

DIC Corp lên lịch tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 lần 2 sau lần 1 bất thành 

Sau khi không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 lần 1 thành công do cổ đông tham dự không đủ tỷ lệ, DIC Corp tiếp tục lên kế hoạch tổ chức Đại hội lần 2 vào ngày 21/7 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 lần 1 vào ngày 28/6, DIC Corp ghi nhận có 539 cổ đông, đại diện 38,2% tổng số cổ phần lưu hành tham dự Đại hội, vì vậy Đại hội đã không thể tổ chức.

Bối cảnh Đại hội không thể tổ chức do tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài ngày một tăng cao khi cổ đông lớn liên tục thoái ra và gia đình Chủ tịch bị bán giải chấp cuối năm 2022, điều này chính là nguyên nhân chính dẫn tới các Đại hội gần đây không thể tổ chức.

Cụ thể, đỉnh điểm ngày 31/12/2020, DIC Corp có 4 cổ đông lớn là Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn sở hữu 9,86% vốn điều lệ; con trai Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường sở hữu 8,71% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân sở hữu 20,45% vốn điều lệ; CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam sở hữu 21,25% vốn điều lệ; và còn lại bên ngoài là 39,73% vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp cuối năm 2022, cộng với hai cổ đông lớn là Thiên Tân và Địa ốc Him Lam thoái vốn xuống dưới 5% vốn điều lệ, tỷ lệ trôi nổi bên ngoài hiện tại lên tới 82,69% vốn điều lệ.

Đặc biệt, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân là đơn vị được giới thiệu không phải là đơn vị liên quan tới DIC Corp, nhưng liên tục được ưu đãi mua trong các đợt phát hành riêng lẻ và xuất hiện nhiều giao dịch trực tiếp với DIC Corp.

Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 10/2020, bà Lê Thị Hà Thành (vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn), giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Tân, trong khi đó các con ông Tuấn là Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng nắm vị trí Thành viên HĐQT công ty này.

Sau đó không lâu, tất cả người liên quan ông Nguyễn Thiện Tuấn đã không còn nắm giữ các vị trí quan trọng tại Thiên Tân, đồng nghĩa Thiên Tân không còn liên quan tới DIC Corp.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân được thành lập năm 2007, địa chỉ tại số B11/10 Khu đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu (dự án Khu đô thị Chí Linh do DIC Corp làm chủ đầu tư) và đại diện pháp luật là ông Đỗ Thanh Tùng.

Trước đó, ngày 14/9/2022, DIC Corp cũng dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường về điều chỉnh phương án chào bán cổ phiếu, nhưng bất thành do tỷ lệ tham dự dưới 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Dự báo thị trường khó khăn, DIC Corp vẫn lên kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 6 lần

Theo tài liệu Đại hội ngày 28/6 (không tổ chức được), trong năm 2023, DIC Corp đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 98,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.400 tỷ đồng, tăng 604,3% so với cùng kỳ; và kế hoạch vốn đầu tư là 4.138 tỷ đồng.

DIC Corp dự báo năm 2023 là một năm tiếp tục nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trong đó, hành trình để đáp ứng đủ điều kiện được giao đất, huy động vốn và bán hàng rất gian nan, mất nhiều thời gian, theo đó chủ đầu tư phải có năng lực tài chính mạnh, phải bỏ ra nguồn tiền đáng kể mới có thể được bán hàng để tái đầu tư. Trong khi đó, sức mua bất động sản năm 2023 được đánh giá là rất yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Được biết, trong năm 2022, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 1.896,7 tỷ đồng, giảm 26,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ghi nhận 198,8 tỷ đồng, giảm 84,5% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 10,5% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lợi nhuận 1.900 tỷ đồng).

Điểm đáng lưu ý, trong năm 2022, DIC Corp lên kế hoạch huy động 5.693,9 tỷ đồng nhưng thực tế huy động được 0 tỷ đồng. Trong đó, phương án phát hành 3.000 tỷ đồng (điều chỉnh giảm về 1.500 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu bị hủy; phương án phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu vẫn chưa thực hiện; và hạn mức huy động vốn 1.693,9 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/7, cổ phiếu DIG giảm 50 đồng về 20.800 đồng/cổ phiếu.

DIC Corp lại không thể tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên
Chiều ngày 28/6, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG - sàn HoSE) đã không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư