Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Cổ phiếu Vietcombank không gánh nổi thị trường, VN-Index giảm về 1.042 điểm
Thanh Thủy - 30/10/2023 18:15
 
Áp lực bán nửa cuối phiên chiều đẩy VN-Index giảm hơn 18 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên. VCB tăng hơn 1%, đóng góp 1,2 điểm tăng nhưng cũng không đủ để bù đắp lại mức giảm chung.

Sắc đỏ tiếp tục bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam. Lực bán ồ ạt nửa cuối phiên chiều đẩy cả  ba chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên. VN-Index bốc hơi tới 18,22 điểm, tương đương 1,72% về mức 1.042,4 điểm. Đây cũng là mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 5/2023 tới nay. Chỉ số sàn UPCoM cũng giảm 0,99%. HNX-Index thậm chí rơi “thảm” hơn, tới 3,07%, về còn 211 điểm.

Trên cả ba sàn, có tới 472 mã chứng khoán giảm giá, 38 mã giảm sàn; cao gấp đôi số lượng mã chứng khoán tăng (219 mã) và tăng kịch biên độ (22 mã).

“Tội đồ” đóng góp nhiều điểm giảm nhất cho VN-Index lần lượt là BID, GVR, TCB, STB và SAB. Cổ phiếu BIDV giảm 2,38% về 41.000 đồng/cổ phiếu. Dù “bốc hơi” đáng kể vốn hóa, nhà băng này vẫn giữ vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng quy mô các tổ chức niêm yết lớn nhất trên sàn chứng khoán. Một số nhà băng khác cũng giảm sâu như TCB, STB, CTG, VPB, MBB… đều nằm trong top 10 tác động tiêu cực đến chỉ số chung.

Dù vậy, nhóm cổ phiếu vua vẫn xuất hiện hàng loạt đại diện ngược dòng đóng cửa trong sắc xanh, dẫn đầu là NVB (+2%), VCB (+1,08%), MSB (+0,41%), OCB (+0,4%)… Anh cả ngành ngân hàng Vietcombank cũng là đối trọng ghìm chân đà giảm của VN-Index. Chỉ riêng VCB đã góp 1,28 điểm tăng. Tuy nhiên, điểm sáng hiếm hoi trên không đủ để bù đắp lại mức giảm chung. Cổ phiếu thủy sản và bán lẻ đều từng nằm trong nhóm được kỳ vọng hồi phục kết quả kinh doanh và ghi nhận đợt tăng đáng kể của giá cổ phiếu đều giảm khá sâu trong phiên. Đa số cổ phiếu giảm trên 4%. IDI, ANV, FRT giảm kịch biên độ.

Dòng chứng khoán nằm trong nhóm giao dịch tiêu cực nhất thị trường. Đa số cổ phiếu giảm trên 4%, VIX giảm kịch sàn.  

Cổ phiếu họ nhà Vin - nguyên nhân chính khiến thị trường rơi sâu cuối tuần trước đã không còn giảm sâu. Cổ phiếu Vinhomes đứng giá tham chiếu dù vẫn tiếp tục chịu áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. VHM đứng đầu về giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (295,98 tỷ đồng), tương ứng khối lượng bán ròng 7,62 triệu đơn vị, gấp đôi so với phiên cuối tuần trước. VIC cũng bị bán ròng 21,68 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu chứng khoán nằm trong tầm ngắm mua ròng của nhà đầu tư ngoại, dẫn đầu là VCI (46,6 tỷ đồng) hay VND (37,3 tỷ đồng)…

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 86,5 tỷ đồng, qua đó có phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp của nhóm nhà. Không riêng khối ngoại dè chừng trong giao dịch. Các nhà đầu tư trong nước cũng thận trọng. Lực cầu yếu khiến áp lực bán ra tăng lên trong nửa cuối phiên chiều nhanh chóng dìm chỉ số chung lao dốc.

Thanh khoản tiếp tục hụt hơi với giá trị giao dịch chỉ đạt vỏn vẹn 11.950 tỷ đồng, giảm 23,4% so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, sàn HoSE chỉ có vỏn vẹn 533 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 10.128 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục nhiều tháng gần đây.

Vingroup phát hành xong 250 triệu USD trái phiếu quốc tế
Mới đây, Vingroup vừa hoàn thành đợt phát hành 250 triệu USD trái phiếu quốc tế có quyền chọn nhận cổ phiếu VHM.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư